Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khám Lớn Cần Thơ được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1878-1886 như một công cụ cai trị của chính quyền thực dân thời bấy giờ.
Khám Lớn Cần Thơ được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1878-1886 như một công cụ cai trị của chính quyền thực dân thời bấy giờ. Tồn tại qua hơn trăm năm, nơi đây chính là bằng chứng tội ác của thực dân và đế quốc cũng như minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt. Nhằm nêu cao và giáo dục tinh thần yêu nước cho lớp con cháu noi theo, ngày 28.6.1996 Bộ Văn Hoá - thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận di tích lịch sử Khám Lớn Cần Thơ là di tích cấp quốc gia.
Soái phủ Sài gòn lập tỉnh Cần Thơ ngày 23 tháng 02 năm 1876, các cơ quan đầu não của Pháp đều đặt tại tỉnh lỵ Cần Thơ. Pháp tăng cường bộ máy cai trị ra sức đàn áp, bắt bớ, giam cầm những người yêu nước và tù thường phạm, mở rộng trại giam nên khám đường ở Cần Thơ có tên gọi mới là “Khám lớn Cần Thơ”.
Đến thời Mỹ nguỵ đổi tên thành “Trung Tâm cải huấn”, sau ngày hoà bình nhân dân vẫn quen gọi là “Khám Lớn Cần Thơ”.
“Khám Lớn Cần Thơ” hiện toạ lạc tại số 08 đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, Quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ, được xây dựng biệt lập ngăn cách với khu dân cư và công sở bằng các lộ giới lớn có tường cao bao bọc, có cốt gác để kiểm soát tù nhân. Nằm cạnh Dinh Tỉnh trưởng, đối diện qua một con đường lớn là Toà Bố (Toà Hành Chính), cặp bên trái khám cũng có một con đường rộng.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc, nhiều cán bộ, chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận bị bắt và giam cầm trong nhà tù này.
Đồng chí Quản Trọng Hoàng- Bí thư Tỉnh uỷ Cần Thơ bị bắt giam cuối năm 1939, dù bị tra tấn cực hình nhưng khí tiết người đảng viên Cộng sản không hề bị lay chuyển, thừa lúc địch sơ hở đồng chí đã tìm cách vượt ngục, tiếp tục hoạt động gầy dựng cơ sở Đảng và phong trào cách mạng ở Cần Thơ.
Nhiều đồng chí lãnh đạo trong Tỉnh uỷ Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... trong cuộc đấu tranh Nam kỳ khởi nghĩa cũng bị bắt giam và tra tấn dã man tại đây. Đồng chí Lê Văn Nhung (Lý Hồng Thanh), Ngô Văn Khoẻ (Ngô Hữu Hạnh) bị thực dân Pháp kết án tử hình, đem xử bắn cạnh Khám lớn.
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cần Thơ, cơ sở Đảng và tổ chức cách mạng vừa được củng cố thì địch tiếp tục khủng bố. Thời kỳ 1941 đến 26.8.1945 là thời kỳ khó khăn thử thách của Đảng bộ và phong trào cách mạng ở Cần Thơ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 30.10.1945 giặc Pháp tái chiếm Cần Thơ, nhân dân Cần Thơ tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ 1945-1954. Khám lớn Cần Thơ lại tiếp tục giam cầm những người yêu nước, những cán bộ cách mạng của ta.
Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam sau khi Pháp thất bại, Khám lớn đổi tên thành “Trung Tâm cải huấn”, sự tàn ác nhân lên gấp bội. Khám lớn với 21 phòng giam tập thể cùng nhiều xà lim nhỏ, chung quanh che chắn bằng 3 bức tường cao 3,6m đến 5m, trên tường có cắm nhiều mảnh ve chai. Trên mỗi góc tường đều có vọng gác cao 6m gắn đèn pha chiếu sáng với tầm quan sát rộng. Địch cho xây dựng giữa hai dãy nhà giam là một sân rộng có một nhà thờ và một nhà chùa dành cho tù nhân đi lễ. Đây là trò mị dân về tự do tín ngưỡng nhưng thực chất là “địa ngục trần gian’’.
Để khắc ghi tội ác kẻ thù, đồng thời là nơi giáo dục lòng căm thù cho nhân dân ta, Ngày 28.6.1996 Bộ Văn Hoá - thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lich) ra quyết định công nhận di tích lịch sử Khám Lớn Cần Thơ là di tích cấp quốc gia.
(Theo tin tức du lịch)