Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khám phá hồ Truồi
Thứ hai: 12:20 ngày 16/07/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mặt nước hồ phẳng lặng, trong xanh soi bóng những dãy núi cao điệp trùng bất tận khiến người ngồi trên thuyền như đang du ngoạn về chốn thần tiên.

“Tôi không tưởng tượng mình được đến một nơi đẹp đến như vậy. Và có lẽ tôi sẽ không... giới thiệu với ai về nó, vì nhiều người đến sẽ phá hỏng cảnh sắc nơi này”! Câu nói của ca sĩ người Anh hát nhạc Trịnh Lee Kirby đã “kéo” chúng tôi đến hồ Truồi (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).

Sáng sớm, từ TP Huế, nhóm bốn người chúng tôi lên hai xe máy theo quốc lộ 1A chạy về hướng nam. Đi khoảng 30km đến cầu Truồi, tiếp tục rẽ phải theo con đường ngoằn ngoèo chừng 10km là đến chân đập Truồi. Từ đây, cả nhóm thuê một chiếc thuyền của Hợp tác xã du lịch thanh niên xã Lộc Hòa để vào sâu trong rừng với giá trọn gói 500.000 đồng. Trước khi lên thuyền, hỏi mãi chúng tôi cũng tìm được anh Nguyễn Văn Phong, một thợ rừng người địa phương, nhận lời dẫn đường.

Mặt nước hồ phẳng lặng, trong xanh soi bóng những dãy núi cao điệp trùng bất tận khiến người ngồi trên thuyền như đang du ngoạn về chốn thần tiên. Thuyền đi vào sâu trong lòng hồ, nhìn lên những dãy núi kỳ vĩ trước mặt, một ngọn thác đổ từ lưng chừng núi dựng đứng cao cả trăm mét như vắt ngang trời.

Phong cho biết đó là thác Trại Lính, nơi ngày xưa một đồn lính của chế độ cũ trú đóng. Gần đó là suối Ông Viên, lấy tên theo người bao thầu khai thác gỗ rừng trong khu vực những năm 1980. Anh cũng giới thiệu rất nhiều con suối, ngọn thác nằm quanh hồ như thác Vũng Thùng, nơi thác nước đổ xuống cái vũng bằng đá rộng lớn mang hình thùng nước. Hay suối Hợp Hai, nơi hai ngọn suối len lỏi dưới những tán cây rừng rồi hợp lưu thành một vũng nước lớn... Chúng tôi chọn đến suối Ba Trại bởi hấp lực của những món ăn chế biến từ cá suối.

Bắt cá suối bằng lưới tay 

Sau hơn 20 phút lênh đênh trên lòng hồ, suối Ba Trại hiện ra trước mặt đẹp như tranh vẽ với những lèn đá, cây rừng và dòng nước mát lạnh, trong vắt. Ngược theo con suối chừng 500m, mọi người chọn một tảng đá lớn bằng phẳng ngay giữa dòng suối làm điểm dừng chân. Phong lôi từ chiếc balô mấy sải lưới đi bủa trên những vũng nước lớn rồi đi quanh một vòng, ôm về một bó củi khô nhóm lửa trên phiến đá. Chúng tôi cũng tỏa ra người rút cần câu cá, người đi ngược con suối khám phá cảnh vật, người chọn mấy vũng nước sâu rộng nằm ngay giữa suối để ngâm mình. Dòng nước suối trong lành ngấm vào da thịt làm sảng khoái cả đầu óc... Chỉ vài phút khuấy nước, hàng chục con cá suối lớn bằng hai ngón tay đã vẫy vùng trong tay kéo. Cá ở đây nhiều vô kể, các loại như cá xanh, cá choạc, cá sao, cá bống... Phong mang mấy thứ gia vị đơn giản ra ướp cá rồi sắp lên vỉ nướng than.

Bữa ăn được Phong dọn ra ngay trên tảng đá với vỉ cá nướng vàng ươm, kèm theo một nồi cháo cá bốc hơi thơm phức. Những cái dạ dày đang đói vì vùng vẫy trong nước được dịp lấp đầy trong xuýt xoa: ngon quá, ngon quá!

Phong kể nhiều về vùng hồ Truồi và con suối Ba Trại này. Sở dĩ có tên Ba Trại vì những năm sau giải phóng, người dân bên kia phá Tam Giang băng phá lội đồng sang đây phá rừng vừa lấy củi gỗ, vừa trồng sắn và dựng lên ba cái trại lớn để ở. Giai đoạn đó rừng còn rậm với muôn vàn cây cổ thụ. Để khai thác gỗ người ta còn làm hẳn con đường cho xe reo chạy vào. Những cây gỗ lớn cứ mất dần, mất dần. Sau này cùng với việc cấm khai thác rừng và xây đập Hồ Truồi những năm 1990, cây cối bắt đầu tái sinh.

Trời xế chiều, chúng tôi thu dọn để về thuyền. Mới 4g chiều nhưng mặt trời đã khuất sau những ngọn núi cao. Núi tiếp liền núi, mượt xanh soi mình xuống mặt hồ tạo thành bức tranh quyến rũ đến kỳ lạ. Chủ đò cho thuyền ghé lại thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm trên bán đảo nhô ra giữa hồ. Chinh phục hơn 100 bậc cấp cao để đến cổng thiền viện cũng mệt nhoài, song phần thưởng thật xứng đáng là được ngắm toàn cảnh vùng hồ từ trên cao đẹp đến nao lòng...

Theo TTO

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục