Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khám phá ngôi chùa cổ được tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất Việt Nam
Thứ ba: 12:49 ngày 13/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chùa An Phú, còn gọi là chùa Miểng Sành, được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố là "Ngôi chùa được tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất Việt Nam".

Chùa An Phú, còn gọi là chùa Miểng Sành, được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố là "Ngôi chùa được tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất Việt Nam". Theo đó, toàn thể cấu trúc chùa được thiết kế bằng các mảnh sành sứ từ chén đĩa ghép lại theo nghệ thuật khảm sành sứ, giống như họa tiết trang trí tại lăng Khải Định (Huế) hay chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang).

Tọa lạc ở số 24 đường Chánh Hưng (phường 10, quận 8, TP HCM), chùa An Phú thuộc hệ phái Bắc tông; được xây dựng vào những năm đầu thời Vua Tự Đức (1848-1883). Chùa đã trải qua 6 đời trụ trì và hiện nay là Thượng tọa Thích Hiển Đức.

Theo Phật tử và tăng ni nhà chùa, những tạo tác sành sứ được thực hiện rất công phu và độc đáo, từ cái cột, đầu rồng cho đến hồ nước... Trong đó, nổi tiếng nhất là tượng Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, chữ vạn, hoa sen... Cụ thể, liên tục hơn 40 năm, từ năm 1961 đến năm 2004, thực hiện theo thiết kế của nhà thiết kế mỹ thuật Lê Văn Rớt, nhà chùa đã tìm cách vận động thu lượm các loại chén đĩa kiểu, lộc bình và đồ gia dụng đã bị nứt, sứt mẻ có màu sơn thủy, hoặc hồng hoa, vàng, đỏ, nâu, đen tại các chợ An Đông, Bình Tây, Phú Nhuận, Bà Chiểu... rồi đập bể, cắt theo các góc cạnh, sau đó gắn vào các cột, các chi tiết kiến trúc theo hình họa, đường nét mỹ thuật tạo hình.

Số liệu thông kê tại chùa cho biết, ngôi chùa đã sử dụng hơn 30 tấn sành sứ phế liệu các loại với khoảng 20.000 ngày công lao động thực hiện gắn miểng sành trên diện tích 3.886 m2. “Các cây cột cẩn miểng sành mang màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tiêu biểu trong cuộc sống của chúng ta có những lúc bị mặn, nhạt, chua, cay trong cuộc đời. Đó là một triết lý nhân sinh mà tôi muốn gửi gắm vào đó”, Hòa thượng Thích Hiển Đức nói. 

Theo Vietgle, chùa An Phú chia thành hai khu vực: khu thờ phụng gồm Đại Giác điện và Tổ Sư đường nằm dọc theo đường Chánh Hưng; khu sinh hoạt bao gồm giảng đường Từ Bạch, tăng phòng, khách đường ... nằm dọc sau chùa.

Tam quan chùa được xây dựng theo lối cổ lầu, bên trên thờ tượng Tam Thế Phật. Sân trước chùa có nhiều công trình kiến trúc như: đài Di Lặc; đài Quan Âm; lầu Linh Sơn Thánh Mẫu; tháp Hòa thượng Thích Từ Bạch; cột phướn có hình chiếc thuyền rồng ghép sành, trên có tượng thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh; và hai hòn giả sơn lớn có đặt thờ nhiều vị Phật, Bồ tát, Hộ Pháp, Quan Thánh Đế Quân ...

Chánh điện hình chữ nhật, tượng trưng núi Tu Di, các tầng mái có các chim thần nâng đỡ. Chánh điện có hai tầng: Tầng trên có bốn pho tượng đức Phật Thích Ca lớn đặt ở trung tâm quay về bốn mặt, sau lưng đức Phật có cây bồ đề tỏa bóng bốn bên; sau điện Phật Thích Ca là Tổ Sư đường thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma; sau cùng là bàn thờ tượng đức Đa Bảo Như Lai bằng đồng. Tầng dưới cũng đặt thờ bốn pho tượng đức Phật Thích Ca như tầng trên, hai bên có tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng, tiếp sau là sân lễ và tháp Dược Sư, sau cùng là bàn thờ Hòa thượng Thích Từ Bạch.

Hiện nay, không phải cứ chờ ngày rằm, mồng một mà tất cả các ngày trong tháng, với "thú vui" vô chùa xả stress, trốn bớt cuộc sống bộn bề thì chùa An Phúc là một trong những địa điểm yêu thích của người Sài Gòn. Đến nơi đây, họ sẽ được hưởng cảm giác không gian yên tĩnh với lối kiến trúc sành sứ và uy nghi của rồng phượng trong khối tổng thể kiến trúc nhà chùa.

Theo Đất Việt

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục