Bến đò, cây đa, quán nước ven sông lâu ngày trở thành hình ảnh nhiều kỷ niệm trong tâm trí người Việt. Người ta còn ví von, con đò, bến đò như là một mối nhân duyên nào đó.
Do giao thông trên sông là chính, nghề đò ngang và đò dọc rất phát đạt thời phong kiến. Đò ngang là những chuyến đò đưa khách qua một con sông, hai bên bờ cứ gần một vài làng thường có bến đò và người ta trồng những cây cao như cây đa, cây gạo gần đó để báo hiệu cho người đi đường biết.
Cạnh bến còn xây một gian đình – đình ven sông cho du khách tạm dừng chân khi chờ đợi đò. Thường thì đêm khuya đò không chở nữa, người đi đường chỉ có cách ngủ tại gian đình, trong đó thường có một bà lão bán nước chè và vài đồ ăn nhẹ.
Đò dọc của ngư dân chuyên nghiệp hoặc của những người chở thuê cho cánh đi buôn, họ chèo từ sông nọ sang sông kia, từ miền ngược xuống miền xuôi, chở hàng cho khách và đến những miền quê hẻo lành nhất.
Làng Đông Hồ bán tranh tết cũng vậy, trước tết chừng tháng rưỡi họ đã in xong tranh chất lên thuyền và đưa về các miền quê. Kẻ lái đò dọc thuộc nhiều sông ngòi kể cả những con sông nhỏ chảy sâu vào các làng xã. Bến đò, cây đa, quán nước ven sông lâu ngày trở thành hình ảnh nhiều kỷ niệm trong tâm trí người Việt. Người ta còn ví von, con đò, bến đò như là một mối nhân duyên nào đó.
Bến đò xưa |
Dọc đường bộ, những quán trạm được hình thành từ lâu đời, những quán trạm này được gọi theo tiếng Hán là Dịch đình hay Trạm đình, do nhà nước xây dựng hay do làng xã tự làm, nơi đây người ta đặt những chuồng ngựa dành cho lính đưa thư hỏa tốc của triều đình qua đó đổi ngựa và nghỉ chân. Chỉ có lính đưa công văn hỏa tốc và sứ giả đi sứ mới được quyền ưu tiên như vậy, còn dân tình đi bộ vẫn có thể qua đó nghỉ tạm.
Trong quân đội của Mông Cổ, lính hỏa tốc này đi đường, nếu yêu cầu bất cứ ai đổi ngựa, nhường ngựa, dù là hoàng thân quốc thích cũng phải tuân theo.
Giao dịch xưa giữa Việt Nam và Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các quán trạm ven đường này. Trong các tranh khắc của người phương Tây vào Việt Nam thế kỷ 19, có hình ảnh người phu chạy trạm, đưa tin, cởi trần đóng khố, vấn khăn đầu, vai mang một cây gậy có bọc hành lý và công văn.
Những nhà trọ xưa thực ra rất tồi tàn, cho đến giữa thế kỷ 20 vẫn còn vết tích của chúng ở những bến đò cho khách nghỉ chân. Đó là những ngôi nhà lá, vách đất, được chia thành nhiều phòng có một lối đi chung ở giữa. Các phòng đều nhỏ hẹp chỉ kê vừa một chiếc gường tre, nhiều khi đóng bốn cọc tre rồi đặt lên một tấm phản hẹp, giữa nhà có một ngọn đèn dầu tù mù cho tất cả.
Trên gường nằm, không có chăn màn gì, mà chỉ có một chiếc chiếu, nếu lạnh du khách đắp chiếu. Buổi tối chủ quán trọ sẽ đốt một dấm trấu xua muỗi, khói bay mù mịt.
Như đã nói, nông dân rất ít khi ra khỏi làng, cùng lắm là sang làng bên, những người đi trên đường chủ yếu là quan lại tuần thú, lái buôn đi mua bán, kẻ sỹ đi học và đi thi, còn lại phần nhiều là dân du đãng cả.
Phố Ô Quan Chưởng Hà Nội |
Ở phương Đông có những bậc phong lưu quân tử cũng lang thang ngoài đường nhìn non ngắm nước, như các hiệp sỹ phương Tây cưỡi ngựa rong ruổi và ra tay nghĩa hiệp; lại có những đạo sỹ, nhà sư đi truyền đạo khất thực, đám mãi võ, múa gậy bán cao, đám con hát phường tuồng, lại có bọn đạo chích – trộm cắp và dân ăn mày lang thang. Đối với người xưa việc phải bỏ làng ra đi là bất đắc dĩ. Hoặc tai nạn bất thường, hoặc mất ruộng mất nhà do làm ăn thất bát, cờ bạc túng thiếu. Các làng mạc khác cũng không muốn chứa chấp những người như vậy, thành thử hoặc bán xới lên rừng, hoặc lang thang suốt đời.
Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu.
Lại có bọn thợ thuyền đi làm thuê khắp nơi, thợ nề ngõa xấy cất, thợ cắt tóc, thợ dóng cối, thợ làm đồ chạm khảm, thợ hàn nồi, thợ mộc làm đồ đạc và đồ thờ.
Xã hội phong kiến cổ trừ chiến tranh, thì tương đối yên tĩnh, thế mà trên đường không thiếu người đi lại. Ở Trung Quốc cổ, các nhà sư đi nơi nọ nơi kia hoặc truyền đạo, hoặc khất thực, hoặc thỉnh Kinh…đều phải có độ điệp, một thứ giấy tờ lưu hành trong nhà chùa. Dân thành thị vào lúc nhiều trộm cướp cũng được cấp thông hành, đi lại sớm chiều qua cổng thành, hoặc được lính quen nhận mặt. Giấy thông hành xưa cũng chỉ có giá trị ở từng địa phương nhỏ hẹp, nhất là đi qua các vùng chiến sự, còn lại người ta ăn mặc theo một quy định mầu gì, quần áo gì, khăn mũ ra sao, để quan lại nhận được họ là thành phần nào. Buôn bán đều phải đóng thuế đường thuế chợ.
Chợ Bưởi Hà Nội xưa |
Tuy nhiên, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, người ta đút lót vài nén bạc cho quan lại là qua cả, còn dân bần cũng gọi là bọn khố dây, tức là chỉ mảnh vải che bộ hạ, giữ bằng cái dây buộc quanh bụng thì không ai muốn động vào. Các làng mạc có đội lính canh và trương tuần tự đảm bảo lấy an ninh cho địa phương mình, nên có những làng ít ruộng, cho thanh niên đi học võ, làm nghề trông ruộng, trông nương và vệ sỹ cho các nhà giầu hay ai có nhu cầu.
Cuộc sống thời xưa cũng lắm chuyện, cũng phức tạp hơn người ta tưởng tượng. Lòng người như sông sâu mấy ai hiểu ai đến nơi đến chốn. Cho nên có câu: Họa hổ họa bì nan họa cốt / Tri nhân tri diện bất tri tâm (Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương / Biết người biết mặt khó biết lòng)
Theo TT&VH