Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Xóm du lịch” đó là cách mà du khách tham quan vẫn dùng khi nói đến xóm Ải, xã Phong Phú, một trong điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng nhất ở xứ Mường Bi (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình).
Không chỉ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làm những món ăn dân tộc, người dân ở đây còn học cách giao tiếp với khách nước ngoài.
Cách đây chưa lâu, xóm Ải nói riêng và các xóm, bản vùng cao ở xứ Mường Bi nói chung thường được biết đến với cái khó, cái nghèo, núi non heo hút... Tuy nhiên, đến nay đời sống người dân bản địa ở xóm Ải đã không ngừng khởi sắc. Dừng chân bên con đường Quốc lộ 6 mới được cải tạo và hướng tầm mắt ra xa, xóm Ải hiện ra với những nếp nhà sàn xinh xắn nép mình bên dòng suối Ải trong veo.
Con đường đất gập ghềnh trước kia đã được thay thế bằng đường nhựa nằm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong xóm, nhà nhà đều khang trang, sạch sẽ; không còn cảnh trâu bò buộc dưới gầm sàn như trước. Nhà nào cũng có công trình vệ sinh hiện đại như ở dưới xuôi. Đường nội xóm được bê tông hoá, xe máy có thể đi lại dễ dàng.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Phó Chủ tịch xã Phong Phú, ông Bùi Quang Hiên phấn khởi chia sẻ: “Đóng góp vào sự đổi thay đó, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước còn phải kể đến tinh thần nỗ lực vượt khó của cán bộ, người dân xóm Ải, nhất là việc bà con đã chủ động, sáng tạo trong phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương”.
Theo già làng Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải, xóm có trên 90 nóc nhà sàn, chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc Mường. Bao đời nay, người dân xóm Ải chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhà nào cũng có vài sào lúa, vài nương ngô nhưng cuộc sống vẫn khá khó khăn do đất đai bạc màu, khí hậu khắc nghiệt.
Từ năm 2008, sau khi xóm Ải được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống cả nước; người dân xóm Ải bắt đầu “làm quen” với du lịch cộng đồng.
Cùng già làng Bùi Văn Dựng đi thăm nhà ông Bùi Văn Don, một trong những gia đình đầu tiên làm du lịch ở xóm Ải. Ngôi nhà sàn hơn 60 năm tuổi của gia đình ông Don khá rộng rãi. Câu chuyện về du lịch, phục vụ du khách giữa chúng tôi và chủ nhà ngày thêm rôm rả. Ông Don bắt đầu làm du lịch từ khi xóm Ải được tham gia dự án “Cải tạo, bảo tồn làng Mường cổ” do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình làm chủ đầu tư. Cùng với 29 hộ khách trong xóm, ông Bùi Văn Don được tham dự khoá đào tạo kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân.
Sau đó, tình cờ một ngày cuối năm 2009, ông nhận được điện thoại của một công ty lữ hành tại Hà Nội đặt vấn đề muốn hợp tác sử dụng nhà sàn của ông làm điểm ngủ nghỉ cho khách tham quan nhưng điều kiện là... gia đình ông phải có nhà vệ sinh sạch sẽ. Bất ngờ với đề nghị của công ty song nhớ lại những nội dung được hướng dẫn trong khoá học, ông Don bàn với gia đình và quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng để xây nhà tắm, nhà vệ sinh, mua chăn màn, gối đệm. Và khi “công trình du lịch” đó hoàn thành chưa đầy 1 tuần thì gia đình ông được đón hơn chục vị khách đầu tiên. “Giá nghỉ một đêm là 60 nghìn đồng/người, vậy là như một phép màu, chỉ cần sau một đêm, ngôi nhà sàn bao năm gia đình tôi sinh sống đã cho thu vài trăm nghìn đồng”, ông Bùi Văn Don phấn khởi nhớ lại.
Đến nay, cùng với gia đình ông Don, ở xóm Ải hiện còn có hơn chục hộ gia đình khác cũng tham gia hình thức du lịch cộng đồng. Từ chỗ ban đầu chỉ cho thuê chỗ ngủ, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều hộ đã bắt đầu phục vụ cả ăn, uống. Ngoài lo ăn nghỉ cho khách, các gia đình làm du lịch còn kết hợp kinh doanh một số mặt hàng địa phương như vải thổ cẩm, quần áo dân tộc, mật ong rừng, thuốc dân tộc, rượu táo mèo...
“Du khách trong nước và quốc tế cơ bản đều thích thưởng thức các món ăn truyền thống của người Mường. Để phục vụ họ, chúng tôi cũng phải học một số câu giao tiếp cơ bản như “Hê lô”, “Thanh kiu” hay “Méc xi”.... Giờ thì tôi đã có kinh nghiệm trong nấu ăn và phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách”, bà Bùi Thị Mến, một trong những hộ đang làm du lịch cộng đồng ở xóm Ải chia sẻ.
Tìm hiểu được biết, tuy thời gian phát triển chưa lâu song hoạt động du lịch cộng đồng ở xóm Ải đã thực sự góp phần nâng cao đời sống của bà con người bản địa. Theo nhẩm tính của người dân, giá nghỉ qua đêm hiện nay đang là 80 nghìn đồng/người; nếu khách ăn, ngủ thì chi phí khoảng 260-280 nghìn đồng/người/ngày nên thu nhập của các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng không hề nhỏ. Bình quân, mỗi hộ có thể đón được 10 - 15 khách, sau khi trừ chi phí, ít nhất mỗi tháng cũng có thu nhập từ vài triệu đồng trở lên. Đó là chưa tính đến những dịp lễ tết hay khi cao điểm, các đoàn khách du lịch có khi còn phải đặt chỗ trước vài tuần mới có địa điểm nghỉ.
Ông Don cho biết, với hiệu quả kinh tế như vậy nên nhiều nhà trong xóm cũng đang có ý định đầu tư để mở dịch vụ du lịch cộng đồng.
Theo thống kê, trong số 95 hộ gia đình ở xóm Ải thì có tới gần 60 ngôi nhà sàn, trong đó có 37 nếp nhà sàn cổ đã được UBND tỉnh Hoà Bình đưa vào dự án tu sửa, tôn tạo để giữ lại nét cổ xưa của bản Mường. Đây chính là cơ hội thuận lợi để đồng bào người Mường ở xóm Ải có thể mở rộng hơn nữa những hoạt động du lịch cộng đồng, vừa bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống vừa tăng thu nhập, phát triển đời sống. Và xóm Ải sẽ thực sự trở thành “Xóm du lịch” như cách gọi trìu mến mà du khách vẫn dành tặng cho điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng bậc nhất ở xứ Mường Bi.
Nguồn: ĐCSVN