Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khâm Tấn Tường là ai ? (tiếp theo kỳ trước) 

Cập nhật ngày: 02/11/2021 - 23:50

BTN - Tiếp tục đi tìm hiểu về nhân vật Khâm Tấn Tường trong những trang lưu bút của cụ Nguyễn Hồng Phan, chúng tôi muốn giới thiệu một tài liệu mới tiếp cận được gần đây viết rất kỹ càng, chi tiết về cuộc chiến đấu chống Pháp của nghĩa quân Khâm Tấn Tường.

Súng thần công của Pháp (14 tấn) trong cuộc tấn công Gia Định lần thứ nhất (1859-1861) đặt tại Bảo tàng tỉnh Tây Ninh.

Đấy là ở trong sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (1945-1954)” do Đảng uỷ Quân sự huyện (nay là thị xã) Trảng Bàng biên soạn năm 2005 (sau đây tạm gọi là sách LSQS Trảng Bàng).

Với những ai đang nghiên cứu về Tây Ninh thời kỳ đầu chống Pháp thì đọc những trang sách này, thoạt đầu có cảm giác y như “bắt được vàng”. Trong khi sách “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh, với tên gọi “vị Tham tán quân vụ tên là Tường- người cầm đầu phủ Tây Ninh”, chỉ viết về ông có nửa trang; sách lược sử Tây Ninh viết được 2 trang, các sách khác cũng tương tự, thì sách LSQS Trảng Bàng có hẳn 8 trang (từ 18 đến 25), mà nội dung lại càng mới mẻ.

Ví như, về nguồn gốc, xuất thân có đoạn: “Lúc bấy giờ tại phủ Tây Ninh, quan trấn nhậm là Khâm Tấn Tường. Ông được bổ về Tây Ninh vào năm thứ 14 niên hiệu Tự Đức (1861).

Sử liệu nhà Nguyễn ghi: Khâm Tấn Tường giữ chức lãnh binh trấn nhậm vùng cương giới phía Tây-Bắc thành Gia Định…”. Điều đáng ngạc nhiên, ông không chỉ là người chỉ huy quân sự tài ba, mà còn là một nhà chính trị xuất chúng. Sách mô tả: “Tại huyện đường Quang Hoá, ông trực tiếp gặp các vị trưởng lão, các vị thân hào, nhân sĩ ở hai huyện Quang Hoá, Tân Ninh nói rõ ý định phản đối triều đình, quyết chí đánh giặc Tây Dương…

Về kế sách đánh giặc, ông bàn với các nghĩa sĩ: Muốn đánh được lâu dài, phải xác định chỗ đứng khả dĩ đánh được giặc, củng cố được mình, phải tự làm ra cái để ăn, bá tánh, nghĩa sĩ có ăn no mới đủ sức cầm gươm đao giết giặc.

Tại đây (huyện Quang Hoá) tuy địa thế rất thuận lợi cho việc tiến, lui nhưng lại rất gần thành Gia Định, nên ta hãy chọn một nơi khác, có thế núi, thế rừng hiểm trở hơn, công có thể tiến dễ dàng, thủ có thể lùi thuận lợi…”. Và các ông đã chọn An Cơ- một vùng đất bên bờ sông Vịnh, thuộc về thôn Hảo Đước, huyện Tân Ninh.

Đọc đoạn trích trên, có thể thấy hình ảnh một “Hội nghị Diên Hồng” thu nhỏ từng diễn ra tại huyện thành Quang Hoá (nay là xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu). Thêm nữa, là việc chọn lựa căn cứ địa cũng hết sức khoa học, vận dụng các yếu tố địa chính trị mà các thế hệ sau đã tiếp tục kế thừa.

Bên trong căn cứ, các tác giả tiếp tục mô tả quân sĩ: “Ngoài giờ huấn luyện là khai phá đất hoang, đắp bờ giữ nước gieo cấy lúa, tỉa ngô, trồng khoai củ, vừa có cho quân sĩ ăn, vừa tích trữ phòng khi có giặc tiến công…”.

Nghĩa quân của Khâm Tấn Tường cũng luôn gắn bó với nhân dân. Với khu vực dân cư liền kề căn cứ, thì: “Giao cho mỗi nhà dân đến mùa cày cấy ngoài số ruộng, rẫy của gia đình còn sản xuất thêm một công đất để nuôi quân. Mỗi nhà dân có con em đi nghĩa vụ quân sự tự may vá quần áo, sắm tư trang vật dụng cá nhân…”.

Thì ra khái niệm “nghĩa vụ quân sự” đã có từ thời ấy. Và, bản thân đội quân của Khâm Tấn Tường cũng là một mô hình kiểu “Ngụ binh ư nông” đã có trong một số triều đại phong kiến trước đây.

Lạ thay là các tác giả đã “sưu tầm” được những chi tiết rất cụ thể, như: “Ông giao cho mỗi đội quân ngoài nhiệm vụ luyện tập, canh gác, sẵn sàng chiến đấu phải khai khẩn đất, gieo hoặc cấy 10 công ruộng (10.000m2), mỗi xuất lính 10 thước giồng lang, 100 gốc sắn (mì).

Lương thực do nghĩa vụ dân đóng góp, đến mùa vụ làng xã có trách nhiệm thu về, vận chuyển vào rừng che lán trại cất giấu kỹ, báo cho các đội quân được bố trí ở nhiều nơi trên những địa bàn xung yếu của tỉnh…”.

“Ông còn cho người đi truyền dụ trong dân, ai giỏi nghề làm thuốc tình nguyện gia nhập nghĩa quân chuyên vào rừng tìm cây thuốc để bào chế trị thương, trị bệnh. Lại kêu gọi cả những người giỏi nghề rèn, đưa dụng cụ vào căn cứ để rèn đúc vũ khí…”.

Quả thật, chỉ với vài trích đoạn ngắn trên đây, đã cho thấy phủ An Cơ là một căn cứ địa rất kiểu mẫu và hoàn chỉnh, mà sau này từng xuất hiện lại ở “Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại” thời miền Nam đánh Mỹ. Một căn cứ mà như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các ngành cơ bản như nông, công nghiệp và văn hoá xã hội khác.

Với căn cứ phủ An Cơ như thế, nên dĩ nhiên thành phủ được xây dựng vô cùng bề thế và vững chãi, mà một số sách sử khác đã kể, thôi không nhắc lại. Sách LSQS Trảng Bàng cũng mô tả các chiến công của đạo quân này: “Điển hình một số trận ông chỉ huy, quân bất ngờ tiêu diệt như trận Bàu Gõ năm 1862, trận Mang Chà Bời Lời năm 1863, trận Dầu Bà Lợi Thuận năm 1863, trận Bến Sỏi năm 1864… theo sử liệu để lại.

Qua những trận đánh đó, tiếng tăm, thanh thế của nghĩa quân Khâm Tấn Tường ở Tây Ninh lúc bấy giờ càng lan rộng, nhân dân ta khắp nơi từ vùng Biên Hoà, Gia Định, Định Tường đều xôn xao ca ngợi, bàn tán…”. Sách này cũng mô tả kỹ các cuộc hành quân tiễu phạt của quân Pháp, mà theo đó thành An Cơ thất thủ sau trận tiến công thứ ba diễn ra vào tháng 6.1864 (sách in nhầm là 1860).

“Theo sử liệu để lại”, nhưng sử liệu nào thì các tác giả sách LSQS Trảng Bàng không viết rõ. Lại nữa: “Tiếng tăm thanh thế nghĩa quân lan rộng” khắp 3 tỉnh miền Đông mà sử sách xưa không ghi lại một dòng nào, chỉ thấy kể tới cuộc chiến đấu dưới quyền Trương Định, dù ông này cũng chỉ được triều Tự Đức phong chức là Phó lãnh binh tỉnh Gia Định, sau khi thành Gia Định thất thủ ngày 25.2.1862. Liệu có một khoảng trống “bị bỏ sót” trong lịch sử đoạn này không?

Tới đây, chúng tôi tự thấy có trách nhiệm “đính chính” giúp sách đã dẫn một chi tiết sai, ở đoạn mở đầu, trước khi nói về Khâm Tấn Tường. Đấy là đoạn: “Tháng 12.1862, quân viễn chinh Pháp tiến vào thành Gia Định không tốn một viên đạn nào và cờ “tam tài” của chúng đã treo trên nóc ngọ môn, ngay sau đó, ngày 14.1.1863, một đội quân của Pháp có bọn tay sai dẫn đường đã đánh chiếm Tây Ninh…” (trang 18).

Ai từng đọc sử nước ta đều biết đến sự kiện triều Tự Đức ký hoà ước ngày 5.6.1862 dâng nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Vậy thì làm sao có thể đến tháng 12.1862 chúng mới đánh chiếm thành Gia Định?

Quân Pháp tiến đánh Sài Gòn Gia Định vào năm 1859 và 1861 (ảnh từ sách Sài Gòn Chợ Lớn cuối thế kỷ XX).

Sự thật, mà hầu hết các sách sử viết về giai đoạn này đều ghi rõ, là: “4 giờ sáng ngày 24.2.1861, đại bác trên bộ và trên tàu của địch cùng nổ, nhắm vào đại đồn, mỗi đại bác bắn 100 viên đạn… Đại đồn (Chí Hoà) xây dựng hơn 1 năm với công sức của mấy vạn quân và dân, chỉ bảo vệ được hơn một ngày thì mất (Trần Văn Giàu- Địa chí Văn hoá TP. Hồ Chí Minh, 1987).

Trận đánh diễn ra rất ác liệt suốt hơn một ngày đêm. Sách “Cuộc viễn chinh Nam Kỳ” của Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière, người trực tiếp tham gia cho biết: “Trong trận đánh ngày 24 tháng 2 này, quân An Nam chấp nhận đối đầu bằng đại pháo với ta, tuy họ yếu kém nhưng không thấy lòng can trường của họ bị sứt mẻ hay nao núng một chút nào cả!”.

Léopold cũng miêu tả là: “Trong cái khoảng trống thảm thương này (bên trong thành) ngập tràn xác chết và bị thương… (cuối cùng) tất cả quân An Nam người nào chạy không kịp đều bị giết sạch…

Trong trận chiến này, ta (quân Pháp) có 300 người bị loại khỏi vòng chiến… có thể nói trong ngày 25 tháng 2, 50.000 lính đã xáp chiến (cả hai bên), quân thù (ý nói quân của Nguyễn Tri Phương) để lại 300 xác chết… phần lớn là người Bắc Kỳ, khoẻ mạnh và to lớn hơn những người Nam Kỳ ở mạn dưới, ngay khi chết nét mặt họ vẫn hết sức rắn rỏi…” (Dương Công Đức- Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam, 2019).

Vậy, vì sao sách LSQĐ Trảng Bàng lại viết là: “Quân viễn chinh Pháp tiến vào thành Gia Định không tốn một phát đạn nào”. Và nữa, “cờ tam tài” của chúng ta đã treo trên nóc ngọ môn”. Ngọ môn nào ở đây, trong khi chỉ có một ngọ môn duy nhất ở kinh thành Huế?

Lỗi sai nghiêm trọng này đã làm “nhoè mờ” tất cả các trang sử viết về cuộc dấy binh của Khâm Tấn Tường. Thêm nữa, không có một nguồn tư liệu gốc nào được dẫn ra, khiến người đọc có thể nghĩ, đây chỉ là một giấc mơ đẹp của các nhà viết sử.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Tin liên quan
  • Khâm Tấn Tường là ai?

    Khâm Tấn Tường là ai?

    Ở Tây Ninh, quan đại thần Khâm Tấn Tường trấn nhậm vùng này lúc bấy giờ không tuân lệnh bãi binh của triều đình. Không “hợp tác” với giặc, ông rút về phủ An Cơ (thuộc xã Hảo Đước, huyện Châu Thành ngày nay) chiêu mộ quân sĩ mua sắm võ khí, lương thực, bám lấy địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức kháng chiến chống Pháp”.