Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Các cơ sở đào tạo nghề:
Khan hiếm nguồn tuyển
Thứ hai: 06:12 ngày 15/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 12.10.2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tổ chức buổi hội thảo chuyên đề thực trạng đào tạo nghề trong hai năm 2016-2017. Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong số hàng chục ngàn người được đào tạo, đa số học nghề ngắn hạn, sơ cấp, số người theo học nghề chính quy không nhiều.

Học viên Trường trung cấp nghề Tân Bách Khoa trao đổi với nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp để tìm cơ hội làm việc.

TRÊN 90% NGƯỜI HỌC CÓ VIỆC LÀM

 Lãnh đạo Sở LÐ-TB&XH cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 21 cơ sở đào tạo nghề, gồm 1 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 4 trường trung cấp chuyên nghiệp, 9 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, 1 trung tâm dịch vụ việc làm và 5 cơ sở khác đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên đang làm việc trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập tính đến tháng 9.2018 là 552 người, kể cả giáo viên thỉnh giảng (công lập 375 người; tư thục 177 người).

Trong số các cơ sở đào tạo nghề, Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh là đơn vị có quy mô lớn nhất, đào tạo từ 700-900 học sinh/năm từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng. Các nghề đào tạo trình độ cao đẳng gồm cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, quản trị cơ sở dữ liệu và kế toán doanh nghiệp.

Trong 2 năm 2016-2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 21.931 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 639 người, trung cấp 2.754, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 18.538 người (trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Ðề án 1956 là 8.110 người). Số người tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo trong hai năm 2016-2017 là 20.509 người.

Theo thống kê của Sở LÐ-TB&XH, tổng số học sinh, sinh viên và học viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đạt tỷ lệ trên 90%. Trong đó, tỷ lệ sinh viên cao đẳng tốt nghiệp ra trường có việc làm phù hợp với nghề đào tạo đạt khoảng 93%, trung cấp đạt khoảng 95%, sơ cấp đạt 100%, đào tạo thường xuyên và đào tạo nghề LÐNT đạt trên 83%. Kết quả đó góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 62,31% vào năm 2016 lên 64,02% vào năm 2017.

Trong giai đoạn (2015-2017) số lao động được đào tạo nghề tham gia thị trường lao động (xuất khẩu lao động) ở các nước trong khu vực là 469 người. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức được 30 phiên giao dịch việc làm, thu hút trên 15.610 lao động tham gia, tư vấn cho 8.113 lao động, được doanh nghiệp tuyển dụng 4.988 lao động. Ðiều đó góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn nói riêng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Ngoài việc đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ sở đào tạo nghề còn liên kết với nhiều trường đại học mở lớp đào tạo cho những ai có nhu cầu học lên cao lấy bằng cao đẳng, đại học.

Ðối với Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, hai năm 2016-2017, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 264/262 lớp, đạt tỷ lệ 101%.

NGUỒN TUYỂN KHAN HIẾM

Bên cạnh, những việc đã làm được, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn không ít hạn chế. Theo lãnh đạo Sở LÐ-TB&XH, việc rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm, công tác đầu tư nâng cấp Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh còn hạn chế. Cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ cho công tác đào tạo nghề ở một số cơ sở cũ kỹ, lạc hậu. Công tác tuyển sinh hằng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp khó khăn.

Một trong những nguyên nhân là do Bộ GD-ÐT quy định xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT vào học đại học, cao đẳng đã thu hút hết nguồn tuyển. Mặt khác, chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp và người lao động chưa thấy được trách nhiệm và lợi ích của mình trong công tác đào tạo nghề.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, tuy nhiên, do nhiều trường có cùng ngành, nghề đào tạo và việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa hợp lý, dẫn đến nguồn tuyển sinh bị phân tán. Ðặc biệt, sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp dẫn đến bước đầu còn bị động và lúng túng. Một bất cập nữa, học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề khi mới 15 tuổi, sau 2 năm học nghề tốt nghiệp ra trường mới 17 tuổi, nên xin vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp gặp khó khăn (Luật Lao động quy định đủ 18 tuổi)…

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Hiền Phương- Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Tân Bách Khoa cho rằng: “Thời gian qua, việc tuyển sinh rất khó khăn, số lượng đăng ký tuyển sinh rất ít, có ngành hầu như không có hồ sơ nào. Nhận thức của học sinh, phụ huynh, xã hội chưa đầy đủ, thiếu toàn diện về giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng đầu vào của trường nghề thấp, ảnh hưởng đến quá trình rèn luyện, học tập.

Một bộ phận học viên có động cơ, thái độ học tập chưa tốt, ý thức tổ chức kỷ luật kém, còn quan niệm không đúng về trường tư, từ đó thiếu sự cố gắng trong học tập. Học phí trường tư cao hơn trường công khá nhiều nên ảnh hưởng đến việc đăng ký xét tuyển vào học. Nhận thức của xã hội về xã hội hoá giáo dục, phân luồng học sinh, về định hướng nghề nghiệp, giáo dục hướng nghiệp chưa đầy đủ, chưa toàn diện”.

Ông Võ Hiền Phương kiến nghị các ngành chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, tạo sự gắn kết chặt chẽ, toàn diện trong cả quá trình đào tạo và sử dụng lao động, giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên tinh thần đôi bên đều có lợi. Các cơ quan chức năng cần cung cấp những thông tin cơ bản, cần thiết và định hướng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngành nghề đáp ứng thị trường lao động tại địa phương. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang cần sự hợp tác, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho trường trung cấp tư thục phát triển như cho vay vốn tín dụng ưu đãi, vốn kích cầu đầu tư và các chính sách khác.

Theo lãnh đạo Phòng LÐ-TB&XH huyện Tân Biên, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số xã thiếu định hướng dài hạn. Việc xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề của lao động nông thôn đạt kết quả chưa cao. Nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề và việc làm còn những mặt hạn chế nhất định, một số lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề không gắn bó lâu dài với nghề đã được đào tạo.

Ngoài các cơ sở đào tạo nghề nghiệp chính quy, hội thảo lần này còn có sự tham dự của đại diện “Tổ liên kết may gia công” ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Ðại diện cơ sở may gia công này thông tin, năm 2016, mô hình tổ liên kết may gia công góp phần giải quyết việc làm tại gia đình cho 20 lao động nữ. Tại thời điểm này, tổ liên kết đang có 27 lao động nữ làm việc với mức thu nhập thấp nhất 7 triệu đồng và cao nhất 10 triệu đồng/tháng/người. Hình thức hoạt động của tổ may gia công là nhận vải về may quần áo.

VIỆT ÐÔNG

Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, quy mô đào tạo khoảng 200-300 học sinh/năm (công suất đào tạo từ 500 đến 700 học viên/năm). Ngành nghề đào tạo của trường gồm điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, cắt gọt kim loại, hàn, quản trị mạng, kế toán doanh nghiệp, kỹ thuật xây dựng, lái xe nâng hàng, sửa chữa thiết bị may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn...

Ngoài ra, trường tham gia đào tạo 16 nghề cho lao động nông thôn. Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật có quy mô đào tạo khoảng 400-500 học sinh/năm, ngành nghề đào tạo gồm kỹ thuật trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, quản lý kinh tế, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên môi trường, văn hoá cơ sở, tin học. Trường trung cấp Y tế Tây Ninh đào tạo khoảng 250-300 học sinh/năm với các ngành dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng sản nhi, y sĩ định hướng y học cổ truyền, y sĩ định hướng y học dự phòng, y sĩ chuyển sang điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, hộ sinh trung cấp, dân số y tế...

Trường trung cấp Tân Bách Khoa đào tạo khoảng 400 học sinh/năm với các ngành dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, pháp luật, kế toán doanh nghiệp, sư phạm mầm non, hành chính văn phòng, quản lý và bán hàng siêu thị, quản lý và kinh doanh du lịch, quản lý và kinh doanh khách sạn, tin học văn phòng, kỹ thuật vật lý trị liệu - phục hồi chức năng…
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục