Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khẩn trương báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương
Thứ bảy: 16:19 ngày 09/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương; tiếp tục giảm lãi suất...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh VIẾT CHUNG

Ngày 9-9, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát nhưng vẫn chịu nhiều sức ép.

Thu ngân sách nhà nước 8 tháng giảm 8,8% so với cùng kỳ; nợ xấu có xu hướng tăng, tăng trưởng tín dụng thấp. Đầu tư công khởi sắc nhưng mục tiêu giải ngân trên 95% vẫn là thách thức; thu hút đầu tư tư nhân còn khó khăn. Tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh trong ngắn hạn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ quan chủ yếu là việc tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; còn một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh. Thủ tục hành chính còn rườm rà; giải quyết khó khăn, vướng mắc chưa thật sự rốt ráo, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương. Ảnh: VIẾT CHUNG ảnh 1

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra. Tinh thần đặt ra là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên quyết không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; kiên quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng cũng cương quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế tốt hơn, nâng cao đời sống người dân.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), trong đó tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng…; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền; chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.

Trong số các nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách (trong đó có 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thủy sản…).

Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh thời gian tới; tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm hoàn thiện dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Bộ LĐTB-XH tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp...

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục