Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ tháng 10-2016 đến nay, giá hồ tiêu trên thị trường đột ngột giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của nhiều hộ nông dân. Điều đáng lo ngại là, nông dân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục mở rộng diện tích bất chấp nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi chính quyền và các ngành chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý quy hoạch cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hồ tiêu.
Một vườn hồ tiêu ở xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo (Đác Lắc) bị nhiễm bệnh chết, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Khi cung vượt cầu
Qua khảo sát tại các vùng trọng điểm trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên như Đác Lắc, Đác Nông và Gia Lai vào ngày 18-5, giá hồ tiêu giảm một cách bất thường, chỉ còn dao động ở mức 81 nghìn đến 83 nghìn đồng/kg, giảm 120 nghìn đồng/kg so với năm 2013. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng sáu năm qua.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân giá hồ tiêu giảm sâu là do nông dân Tây Nguyên - vùng trồng tiêu trọng điểm của cả nước vừa thu hoạch xong hồ tiêu niên vụ 2016-2017, nguồn cung dồi dào, vượt cầu, dẫn đến thương lái ép giá.
Đây là hệ quả tất yếu của việc phá vỡ quy hoạch diện tích cây hồ tiêu. Nhiều năm qua, ngành hồ tiêu liên tục đưa ra cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh trong một thời gian ngắn nhưng không đủ cảnh tỉnh người dân.
Diện tích hồ tiêu hằng năm vẫn tăng lên chóng mặt. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2010, diện tích cây hồ tiêu của nước ta tương đối ổn định với khoảng hơn 50 nghìn héc-ta.
Tuy nhiên, từ giai đoạn 2010 đến cuối năm 2016, diện tích hồ tiêu của cả nước đã lên đến con số hơn 124 nghìn héc-ta. Trong khi đó, theo quy hoạch của Bộ NN và PTNT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước chỉ duy trì ổn định ở mức 50 nghìn héc-ta.
Tại Tây Nguyên, đến thời điểm hiện nay, diện tích cây hồ tiêu đạt gần 72 nghìn héc-ta, tăng hơn 17 nghìn héc-ta so với năm 2015. Tính ra, chưa có cây công nghiệp nào ở khu vực này tăng nhanh như cây hồ tiêu.
Với diện tích hiện có, so với định hướng phát triển hồ tiêu đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên đã vượt quy hoạch hàng chục nghìn héc-ta, trong đó các tỉnh Đác Lắc vượt 12.500 ha, Đác Nông vượt 14 nghìn ha, Gia Lai vượt 10 nghìn ha. Việc phát triển diện tích hồ tiêu vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương không những dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, làm cho giá hồ tiêu ngày càng giảm mà còn tăng nguy cơ bùng phát sâu bệnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Bà Kiều Thị Huệ ở thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar (Đác Lắc) lo lắng cho biết: Để đầu tư trồng 1,5 ha hồ tiêu, gia đình tôi phải vay hơn 400 triệu đồng của ngân hàng và mượn thêm họ hàng, bạn bè mua trụ, cây giống, phân bón, thuê công chăm sóc… đến nay vẫn chưa trả hết nợ.
Hiện, mới có một héc-ta cho thu hoạch, diện tích còn lại mới trồng được hơn một năm. Với mức giá giảm chỉ còn 82 nghìn đồng/kg như hiện nay, gia đình tôi không có tiền trang trải cuộc sống, đầu tư chăm sóc vườn tiêu. Nếu giá tiêu xuống thấp hơn, không biết chúng tôi còn giữ nổi vườn tiêu hay không.
Siết chặt quy hoạch
Điều đáng lo ngại là mặc dù giá hồ tiêu giảm mạnh nhưng ở nhiều địa phương, người dân vẫn không ngừng mở rộng diện tích. Tại huyện Cư Kuin, địa phương trọng điểm về cây hồ tiêu của tỉnh Đác Lắc trong những ngày đầu mùa mưa này, nhiều nông dân vẫn mua trụ, cây giống chở đi trồng.
Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Cư Kuin, Y Tong Bkrông cho biết: Do cây hồ tiêu vẫn cho lợi nhuận, cho nên từ đầu mùa mưa đến nay, người dân vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Theo tính toán của nông dân, hiện nay số tiền đầu tư bình quân một héc-ta tiêu trồng mới lên đến 500 triệu đồng. Sau ba năm, cây hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch, nếu không may cây tiêu bị bệnh, giá giảm sâu thì nông dân thiệt hại rất lớn.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng phá vỡ diện tích quy hoạch cây hồ tiêu hiện nay, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho rằng: Giá hồ tiêu hiện nay đang ở mức thấp nhất trong sáu năm qua, nhưng so với cây cà-phê, điều, cao-su thì hồ tiêu vẫn cho thu nhập cao gấp nhiều lần.
Vì vậy, người dân nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu. Việc phát triển diện tích hồ tiêu vượt tầm kiểm soát làm phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng của tỉnh. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không thể ngăn cấm người dân vì đất thuộc sở hữu của người dân, chúng tôi chỉ có tuyên truyền, khuyến cáo, vận động mà thôi.
Việc người dân ồ ạt trồng hồ tiêu làm suy giảm diện tích rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; trồng trên những diện tích không phù hợp, tầng đất mỏng, chưa được xử lý tuyến trùng hại rễ, hệ thống thoát nước kém cho nên chỉ sau vài năm trồng, cây tiêu đổ bệnh, chết hàng loạt. Bên cạnh đó, nhiều vùng trồng hồ tiêu hiện nay thiếu nguồn nước tưới, chất lượng giống không bảo đảm, người dân sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật… ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và khó kiểm soát dịch bệnh trên cây hồ tiêu.
Trước thực trạng này, Cục trưởng Trồng trọt Bộ NN và PTNT Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Các địa phương cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ diện tích hồ tiêu trên địa bàn, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, làm rõ những mặt đạt được cũng như bất cập, hạn chế của công tác quy hoạch, từ đó có những đề xuất, điều chỉnh cần thiết. Đồng thời, tập trung quản lý chất lượng cây giống, vật tư nông nghiệp; khuyến cáo nông dân không mở rộng thêm diện tích mà tập trung chăm sóc, thâm canh diện tích hiện có, hạn chế sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, có biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc phát triển hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, nhất là những vùng có điều kiện đất đai, khí hậu không phù hợp trồng cây hồ tiêu; khuyến cáo và hướng dẫn người dân chuyển đổi qua các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguồn TTO