Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khẩn trương, chủ động điều tra, phòng trừ sâu keo mùa Thu
Thứ sáu: 07:49 ngày 28/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đây là loài sâu hại mới xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng di chuyển xa, phát tán mạnh, khả năng sinh sản rất cao, phàm ăn, kháng thuốc nhanh, gây khó khăn trong phòng ngừa và kiểm soát.

Bắp là đối tượng gây hại của sâu keo mùa Thu.

Sâu keo mùa Thu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Đây là loài sâu đa thực, có thể gây hại trên nhiều loài thực vật như bắp, đậu tương, lúa, mía, rau, cà... Loài sâu này được phát hiện lần đầu tại châu Á là ở Ấn Độ vào tháng 7.2018. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm. Loài sâu hại này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. 

Tại Việt Nam, sâu keo mùa Thu đã xuất hiện gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ vào tháng 4.2019. Hiện nay, loài sâu hại này bắt đầu xuất hiện ở một số tỉnh Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp. Đây là loài sâu hại mới xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng di chuyển xa, phát tán mạnh, khả năng sinh sản rất cao, phàm ăn, kháng thuốc nhanh, gây khó khăn trong phòng ngừa và kiểm soát. 

Trước nguy cơ sâu keo mùa Thu có khả năng xâm nhập, phát sinh gây hại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có kế hoạch phòng trừ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã ban hành kế hoạch về việc điều tra sâu keo mùa Thu tại Tây Ninh năm 2019; và chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thành phố tổ chức điều tra loài sâu hại này trên địa bàn tỉnh. 

Theo Sở NN&PTNT, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung xuống giống các loại cây trồng vụ Hè Thu 2019, trong đó có một số loại cây trồng thuộc đối tượng gây hại của sâu keo mùa Thu. Các loại cây trồng này thường trồng gối vụ, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn sẵn có để một số loài sâu bệnh hại tồn tại, lây lan. 

Để kịp thời phát hiện, tổ chức phòng trừ hiệu quả loài loài sâu keo mùa Thu có trên địa bàn Tây Ninh, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thông tin tuyên truyền, triển khai rộng rãi quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa Thu để cán bộ, người sản xuất biết về loài sâu hại này; và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống. Đồng thời, nông dân và các địa phương cần cung cấp sớm thông tin ngay khi phát hiện sâu trên ruộng. 

Trong trường hợp nghi ngờ loài sâu keo mùa Thu xuất hiện gây hại trên địa bàn quản lý, các địa phương báo cáo nhanh về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để kiểm tra, xử lý. Ngưỡng thống kê diện tích nhiễm đối với sâu keo mùa Thu là 4 con/m2. Cụ thể, diện tích nhiễm nhẹ từ 2 - 4 con/m2; diện tích nhiễm trung bình là trên 4 - 8 con/m2, diện tích nhiễm nặng là trên 8 con/m2

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng, diện tích trồng bắp tập trung nhiều vào vụ Đông Xuân, trong đó bắp giống chiếm khoảng 2/3. Vụ Đông Xuân vừa qua, diện tích bắp gieo trồng gần 600 ha; vụ Hè Thu 2019 khoảng 265 ha, chủ yếu là bắp nếp. Ông Trương Tấn Đạt - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng cho biết, Phòng đã thông tin về việc phòng trừ sâu keo mùa Thu đến UBND các xã, thị trấn để các địa phương triển khai thực hiện. 

Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện sâu keo mùa Thu.

TRÚC LY

Báo Tây Ninh
Tin liên quan