Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ:

Khẩn trương triển khai cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài 

Cập nhật ngày: 22/11/2020 - 19:41

BTNO - Ngày 22.11, tại thành phố Vũng Tàu, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ”.

PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra những mặt hạn chế trong kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam bộ.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Anh Tuấn, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 7 tỉnh vùng Đông Nam bộ: Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh.

Về phía tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và đại diện các sở, ngành liên quan tham dự.

Tại hội thảo, đại biểu thảo luận đưa ra các nội dung cần tháo gỡ như: công tác giải phóng mặt bằng, cơ chế vốn, chính sách liên quan tới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đường thuỷ... Qua đó, thúc đẩy nhanh các dự án kết nối giữa các địa phương.

Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do điểm nghẽn hạ tầng giao thông.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

TS. Trần Đình Thiên- Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chỉ rõ: "Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Đông Nam bộ có đóng góp lớn cho GDP cả nước, bằng 3 lần vùng KTTĐ còn lại cộng lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2018 chỉ đạt 6,72% (trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 9,08%).

Vùng KTTĐ phía Nam chỉ có gần 100km đường cao tốc, tương đương 11% đường cao tốc cả nước. Trong khi đó, vùng này có số lượng doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần Bắc Bộ...”.

PGS.TS. Trần Đình Thiên đưa ra giải pháp: Cần thay đổi tầm nhìn chiến lược về lợi ích phát triển của TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ; phải coi Vùng KTTT phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia; cần từ bỏ cách nhìn chia đều, cào bằng, mang tính cục bộ.

Đồng thời, Nhà nước cần định hướng, có cơ chế khuyến khích phát triển khi giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa các địa phương đóng góp và thụ hưởng Ngân sách Nhà nước trên tầm nhìn lợi ích chiến lược quốc gia tổng thể. Ông đề nghị: "Cần thay đổi tầm nhìn chiến lược về lợi ích phát triển, cần có cách tiếp cận thể chế phát triển vùng, thay đổi triệt để tư duy chiến lược, không phải là cơi nới, cải tiến, chỉnh sửa".

Hiện nay, vị thế của vùng KTTĐ phía Nam trong nền kinh tế tuy vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu.

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách.

Ở toàn khu vực này tồn tại nhiều hạn chế khó khắc phục, chưa có sự liên kết vùng, mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, hạ tầng hạn chế, chất lượng đô thị thấp… nhiều tuyến đường kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã quá tải. 

Trong khi đó, hầu hết dự án kết nối giao thông liên tỉnh khu vực Đông Nam bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt nhưng việc triển khai còn lắm điểm nghẽn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anb Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và  đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, không ít công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào sử dụng,  mang lại hiệu quả trong thời gian qua, như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 51…

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị TP.Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Ngoài chỉ ra những hạn chế, bất cập, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị cần khẩn trương triển khai nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới, mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như: cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, đường vành đai 3, cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Mộc Bài...

Tâm Giang