Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khẳng định vai trò của hợp tác xã trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất 

Cập nhật ngày: 26/08/2024 - 00:30

BTN - Các HTX phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những năm qua, nhờ sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các HTX phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân bón phân cho mãng cầu.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

HTX Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh có 120 hộ thành viên liên kết sản xuất mãng cầu, với diện tích 115 ha. Hiện nay, HTX đã và đang đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, phân loại tự động, bao bì đóng gói - xử lý bảo quản chậm chín, chế biến các sản phẩm từ trái mãng cầu sau thu hoạch (nước mãng cầu lên men đóng lon, sữa chua mãng cầu chai, mãng cầu sấy dẻo...).

HTX còn thành lập cửa hàng kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng và hướng dẫn cho thành viên HTX, các hộ nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP; tiêu thụ sản phẩm mãng cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tham gia và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX, các hộ liên kết sản xuất.

Ông Hà Chí Mãng- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, sản xuất trái mãng cầu đòi hỏi kỹ thuật nhiều và không ngừng cải tiến. Mặt khác, hiện nay, việc cải tiến và đổi mới công nghệ được quan tâm hàng đầu nhằm bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường.

Trước tình hình phát triển kinh tế theo xu hướng toàn cầu hoá, HTX xác định phải tham gia vào chuỗi giá trị. Bởi vì, HTX là một trong các tác nhân chính trong chuỗi liên kết để phát triển sản xuất, kinh doanh trái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh hiệu quả và bền vững với chuỗi liên kết: nông dân - doanh nghiệp HTX - nhà khoa học - Nhà nước.

Trong những năm qua, HTX từng bước thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ kết hợp vào sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, đạt một số kết quả nhất định như: cung ứng vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật chuyên về sản xuất mãng cầu cho các thành viên, các tổ liên kết sản xuất cũng như các hộ nông dân trong vùng; tham gia tiêu thụ sản phẩm; HTX sản xuất trái mãng cầu chất lượng và an toàn đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sử dụng phân bón hữu cơ và dùng thuốc sinh học; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân…

Nông dân chăm sóc mãng cầu.

Ông Mãng cho biết thêm, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, HTX được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương để thực hiện Dự án xây dựng nhà máy sơ chế, phân loại tự động, bao bì đóng gói; xử lý, bảo quản kéo dài thời gian chín quả mãng cầu; chế biến sản phẩm mãng cầu sau thu hoạch. Đến nay, HTX đã xây dựng hoàn thành, nghiệm thu công trình nhà xưởng, đang chờ phân bổ vốn để lắp ráp dây chuyền máy móc thiết bị. Dự kiến trong năm 2024, công trình hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, HTX còn thực hiện mô hình liên kết với doanh nghiệp, liên kết với nông dân trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ trái mãng cầu với mục tiêu phát triển kinh doanh đa ngành nghề, trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm trái mãng cầu cho bà con địa phương và cho cả vùng. Cụ thể, HTX liên kết với các hộ nông dân trồng mãng cầu qua các hợp đồng cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá mua trái mãng cầu cho các hộ nông dân theo thời giá thị trường.

HTX đã xúc tiến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Saigon Co.op và các đại lý phân phối sản phẩm ở các tỉnh; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, ký kết cung cầu sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ký kết tiêu thụ trái cây an toàn với nhiều đơn vị. Sản phẩm của HTX đã đạt OCOP 3 sao. HTX phấn đấu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2024.

Từng bước củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động

HTX dịch vụ - thương mại - nông nghiệp Tân Châu, gồm 41 thành viên, 32 lao động thường xuyên, hoạt động ngành nghề kinh doanh khai thác chợ hạng II - III; trồng và sơ chế tiêu thụ nông sản, dịch vụ nông nghiệp; các dịch vụ công ích, thu gom rác thải sinh hoạt, thông cống rãnh, quét cát, rác lòng, lề đường, vỉa hè...

Đối với lĩnh vực công ích, qua 6 năm hoạt động, HTX triển khai kịp thời các phương án sản xuất kinh doanh cho từng thành viên và người lao động, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau; thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trung bình khoảng 10.000 tấn/năm, đáp ứng được nhu cầu thu gom rác trên địa bàn huyện; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình khu dân cư không có rác thải.

Nông dân sơ chế mãng cầu tại HTX Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công, thương nghiệp, HTX liên kết để tiêu thụ sản phẩm của người dân các tổ sản xuất trồng rau, củ, quả trên địa bàn huyện Tân Châu; ký liên kết tiêu thụ nông sản với Bách Hoá Xanh, các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết thuê 85 ha đất tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu trồng và phát triển cây sachi cho đối tác tác Hàn Quốc.

6 năm qua, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường biến động, cung ứng đầu ra từ nông nghiệp chậm, mất giá, nhưng Hội đồng quản trị HTX vẫn không ngừng cải thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho lao động tại địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, HTX phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện Tân Châu tuyên truyền tại các buổi hội thảo trồng rau, củ, quả an toàn đến các thành viên, tổ hợp tác trên toàn huyện. Từ đó, HTX liên kết tổ sản xuất trồng rau, củ, các thành viên trồng và tiêu thụ rau, củ, quả đạt trung bình 750 tấn/năm, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/hộ/năm.

Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất trồng rau, củ, quả an toàn, liên kết tiêu thụ hàng hoá nông sản cho các thành viên và tạo việc làm cho lao động tại địa phương; xây dựng dây chuyền sản xuất nước rửa chén bằng nhiên liệu từ trái chanh, cây sả của các thành viên; mở rộng địa bàn thu gom rác thải, đầu tư mua sắm thêm phương tiện, máy móc thiết bị thu gom rác, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân.

Nhi Trần