Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bến Ðình, Tiên Thuận cũng là một trong những địa điểm ở Tây Ninh được các nhà khảo cổ và quan chức Pháp chú ý về những di chỉ khảo cổ học từ hơn một thế kỷ trước (1909). Nhưng trước hết, xin nói về những điều mắt thấy tai nghe trong những năm qua.
Gò chùa Thầy Lưỡng.
Bến Ðình, Tiên Thuận cũng là một trong những địa điểm ở Tây Ninh được các nhà khảo cổ và quan chức Pháp chú ý về những di chỉ khảo cổ học từ hơn một thế kỷ trước (1909). Nhưng trước hết, xin nói về những điều mắt thấy tai nghe trong những năm qua.
Gần đây nhất là cuộc khai quật khảo cổ để phục vụ cho việc thi công trụ cầu Bến Ðình, phía bên Tiên Thuận vào đầu năm 2015. Do vậy, những hố đào đều nằm ở mé sông, khu vực gần nhà bác Năm Kia, một người dân ở Bến Ðình.
Thực ra, trong cuộc “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” do Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ tiến hành vào năm 2010-2011 và cả những lần khảo sát trước đó, đã phát hiện ra nhiều cọc gỗ cắm dưới sông.
Ngay bác Năm Kia cũng kể rằng, một số vật dụng trong nhà bác như ghế, giường nằm đều được đóng từ loại gỗ moi lên dưới bờ sông. Trong khi đó, các nhà khảo cổ cho rằng “những cọc gỗ này có cùng thời kỳ với kiến trúc gạch đã được phát hiện” (báo cáo Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh năm 2011).
Như vậy là cả gỗ cũng đã có ngàn năm tuổi tác. Lạ lùng thế đấy! Bởi không chỉ có gạch cổ, mà cả gỗ ngâm dưới bùn nước cũng được bảo tồn, giúp ích được ít nhiều cho bà con ở Bến Ðình.
Tuy vậy, cũng phải tới cuộc khảo cổ năm 2015 mới có thể hình dung về một cảng sông. Và có thể, cả một vùng cư trú của dân cư thời cổ. Ðấy là những cọc gỗ, có đường kính tới 60cm, thuôn nhọn một đầu (có lẽ là đầu cắm sâu xuống bờ sông).
Cọc vẫn còn các nếp răn dọc theo thân gỗ, nhưng đã đen thui gần như than. Rồi vô số những đoạn cây kèo, xà còn sót lại. Có đoạn đã đục lỗ hoặc tạo ngàm để dễ dàng lắp ráp thành khung cột nhà. Kèm theo là rất nhiều mảnh gốm vỡ. Không nguyên vẹn, nhưng dễ dàng nhận ra là những chiếc bình lớn miệng loe, hoặc lọ cổ dài… kỹ thuật chế tác cầu kỳ, sắc sảo dù không có màu men hay các hoa văn…
Người ta cũng tìm thấy một hiện vật khác là mũi giáo, kiểu giáo dài của binh lính thời phong kiến. Mũi giáo dài 30cm, phần chuôi dài 15cm, bằng sắt còn khá nguyên vẹn tuy đã nhuộm màu vàng gỉ rét. Nhưng đấy chắc chắn đã là của một thời kỳ khác, có thể là dưới triều vua Thiệu Trị, khi chọn nơi này làm thành bảo Ðịnh Liêu (năm Thiệu Trị thứ 3- 1843).
Chính từ các di chỉ cọc và các thanh xà gỗ còn lại ở Bến Ðình, ngay từ năm 2011, các nhà khoa học đã nhận định đây là một di tích cảng cổ. Theo đó: “Dưới bến sông có một đường nước đào sâu vào phía trong, ven hai bờ đường nước và những vùng đất trũng ven sông, với nhiều cọc gỗ lớn đóng nối tiếp nhau thành hàng, gần giống như cầu cảng.
Ðây có thể là một bến cảng thuộc thời kỳ hậu Óc-eo, giống với cảng cổ Bến Xoài đã phát hiện được ở tỉnh Long An” (theo báo cáo Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh năm 2011). Ngoài ra, với các di chỉ gỗ hình dạng cây kèo, cột có đục, ngàm cho thấy nơi đây cũng là nơi cư trú của con người thời tiền sử.
Kết hợp với các nền móng đền tháp cổ vừa phát lộ cuối năm 2019 vừa qua, có thể khẳng định được như các nhà khảo cổ đã đoán định từ năm 2011, rằng khu di tích Miếu Bà- Bến Ðình đã tồn tại cả ba loại hình: di tích cảng cổ, di tích cư trú, di tích các kiến trúc có dạng đền thờ được xây dựng bằng gạch thời kỳ hậu Óc-eo.
Về tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến đồng bằng, một phần của đồng bằng sẽ bị mất do nước biển dâng cao chiếm chỗ. Cũng nên nhắc lại tình hình thời kỳ hậu Óc-eo. Các nhà khoa học Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ (nay là Viện KHXH vùng Nam bộ) cho rằng: “Thời kỳ hậu Óc-eo vào khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ X hay muộn hơn.
Vào thời kỳ này… cùng với hiện tượng nước biển dâng cao tràn ngập vùng đồng bằng châu thổ làm thay đổi môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đã dẫn đến sự biến động của Văn hoá Óc-eo ở vùng Châu thổ. Dấu ấn nổi bật của sự kiện này là trên các vùng đất trũng thấp thuộc địa bàn truyền thống Văn hoá Óc-eo - Phù Nam xưa, khảo cổ học phát hiện được ít các di tích thời kỳ sau Óc-eo.
Ngược lại trên các thế đất cao, các gò cao hay sườn núi của vùng này như núi Ba Thê, Bảy Núi (An Giang)… trên các vùng đất xám, phù sa cổ xa trung tâm văn hoá Óc-eo… vùng lưu vực sông Ðồng Nai- Vàm Cỏ Ðông (Ðồng Nai, Tây Ninh, Long An)…các di tích văn hoá sau Óc-eo được phát hiện có mật độ khá tập trung với nhiều loại hình di tích, di vật phong phú, đa dạng, vừa mang tính truyền thống của văn hoá Óc-eo vừa có yếu tố văn hoá mới lạ mang tính khu vực…”. Tại Tây Ninh, nhận định này, tiêu biểu nhất chính là di tích gò miếu Bà- Bến Ðình, Tiên Thuận.
Di vật khảo cổ Bến Đình năm 2011.
Nhân nói về các cuộc khảo cổ hiện đại “mắt thấy tai nghe” cũng xin nhắc lại kết quả khảo cổ học của Henri Parmentier từ năm 1909 tại Bến Ðình. Nói cách khác là khảo cổ lại những tư liệu khảo cổ. Ðấy là bản “Thống kê khảo cổ học tỉnh Tây Ninh” in trong Tạp chí của Trường nghiên cứu Viễn Ðông thuộc Pháp số 9, năm 1909 (bản dịch của TS khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên).
Nguyên văn: “Vết tích của hai di tích ở làng Tiên Thuận, tổng Giai Hoá: Hai nhóm vết tích này nằm trên bờ phải (hữu ngạn) của sông Vàm Cỏ, cách nhau khoảng 900m - Ðiểm thứ nhất rất gần sông, là một gò đất tự nhiên trên có một miếu đơn sơ. Ngôi miếu này bảo tồn một phần dấu vết của một bamun (nền móng tháp) qua vài mét móng chạy theo hướng Bắc hơi lệch Tây. Trong miếu có đặt một tượng (thần) Si Va ngồi bên trên lưng một Nam din (bò thần) đứng rất thú vị…”.
Phần tiếp theo tác giả mô tả chi tiết pho tượng cùng một vài mảnh vỡ của các di vật khác trong đó có “nụ ngói móc đất nung” và “một mảnh chậu rửa có vòi dài”. Cái “chậu rửa” này sau đó được xác định là ngẫu tượng Yoni (biểu tượng nữ trong cặp ngẫu tượng thờ của tôn giáo Bà-la-môn).
Những mô tả trên đây cho thấy chính là gò Miếu Bà- Bến Ðình. Cũng theo tác giả, trước năm 1909, người dân đã biết đào tìm lấy gạch (sau cả trăm năm, người ta đã đào, tìm và sử dụng gạch cổ mà không hết. Thử hình dung quy mô công trình này đã lớn thế nào?).
Tại điểm thứ hai: “Một gò đất cao từ 2 đến 3m; một hào rộng chừng 10m, nay là ruộng lúa bao quanh một khoảng vuông có cạnh 80 m, hướng khá chính xác, theo một con đường nhỏ cắt ngang hào phía Ðông (lại trở lại là hướng Ðông-Tây). Trên trục chính ở điểm cao nhất thấy một đống nhỏ các đổ nát- vết tích của một ngôi đền bằng gạch… Ngôi tháp có hình chữ nhật, mặt tường giật 2 cấp… Phía Ðông có một kết cấu kỳ lạ. Nó giống như một bức tường nâng cao ở phía trước cửa vào và song song với mặt tiền.
Cơ cấu kỳ quặc này chỉ có thể giải thích bằng sự hiện diện của một gian giữa nhẹ được ghép vào đền thờ…” (kiểu tiền sảnh hoặc võ ca chăng?). Tác giả cũng tìm được tại đây những gì còn lại của một pho tượng nữ thần có thể là Laksmi, một linga nhỏ bị vỡ và một đĩa sâu lòng đường kính 90cm…
Ðịa điểm thứ hai này chính là gò chùa Thầy Lưỡng, bởi sau này có ông sư tên Lưỡng đã đến lập chùa. Và di chỉ này được các nhà khảo cổ năm 2011 quy về loại hình kiến trúc- hào nước, hiện cũng thuộc về ấp B, Tiên Thuận. Khi biết gò chùa Thầy Lưỡng đang được Giáo hội Phật giáo xin giao lại để “tái dựng” chùa, các nhà khảo cổ học có lời đề nghị dừng ngay việc xây chùa (nếu có).
Bởi nơi đây chưa từng được khai quật khảo cổ. Mà gò, rất có thể cũng đang lưu giữ những tài sản vô giá như đã và đang có ở gò Miếu Bà. Lời đề nghị này rất đáng được các cơ quan có thẩm quyền ở Tây Ninh lưu tâm.
TRẦN VŨ