Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khảo sát điểm nghiên cứu tiền Dự án “Chuyển đổi hệ thống sản xuất khoai mì"
Thứ sáu: 08:18 ngày 16/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 15.8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp và làm việc với đoàn công tác của Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Viện Di truyền Nông nghiệp về việc khảo sát điểm nghiên cứu tiền Dự án “Chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn (khoai mì) ở Việt Nam thông qua canh tác tái sinh và quản lý chuỗi giá trị tinh bột sắn thông minh”.

Sở NN&PTNT tiếp và làm việc với đoàn công tác.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và triển khai các biện pháp tái sinh/tuần hoàn cho cây khoai mì, hướng tới phát triển chuỗi cung ứng tinh bột bền vững cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, qua đó góp phần giảm phát thải CO2 trong quá trình canh tác. Địa điểm thực hiện dự án là các vùng trồng khoai mì tại miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ; thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030.

Việc khảo sát điểm nghiên cứu tiền dự án nhằm giúp xác định nội dung thực hiện phù hợp với các điều kiện sản xuất và chế biến khoai mì tại địa phương, trong đó có tỉnh Tây Ninh.

Tây Ninh được biết đến là thủ phủ khoai mì của cả nước, có điều kiện đất đai, khí hậu và nguồn nước tưới dồi dào nên thuận lợi để phát triển; là tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai (sau Gia Lai) nhưng năng suất cao nhất cả nước.

Diện tích sản xuất khoai mì của tỉnh năm 2023 là trên 62.000 ha, năng suất 33,2 tấn/ha, sản lượng củ tươi trên 2 triệu tấn. Dự kiến trong năm 2024, diện tích canh tác giảm xuống khoảng 61.600 ha và năng suất tăng khoảng 33,5 tấn/ha.

Đoàn công tác khảo sát các điểm trồng khoai mì trên địa bàn huyện Tân Châu và Dương Minh Châu.

Từ năm 2018 đến nay, Sở NN&PTNT phối hợp Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm các giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá; đồng thời phối hợp Viện Bảo vệ thực vật xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá trên cây khoai mì nhằm giúp quản lý bệnh khảm lá và phát triển cây khoai mì bền vững.

Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT thông tin đến đoàn công tác thực trạng sản xuất trên địa bàn tỉnh; kết quả triển khai một số mô hình sản xuất khoai mì; những thuận lợi, khó khăn của ngành sản xuất khoai mì; kế hoạch triển khai trong năm 2024.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT bày tỏ sự ủng hộ cao việc đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật để canh tác cây khoai mì bền vững, vừa nâng cao thu nhập của người dân và giảm thiểu các yếu tố bất lợi với môi trường, đặc biệt là giảm thiểu phát thải CO2, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” theo cam kết của Việt Nam và gần 150 quốc gia tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Sở NN&PTNT sẽ báo cáo UBND tỉnh để hỗ trợ chương trình công tác của Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Viện Di truyền Nông nghiệp.

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục