Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lãnh đạo tỉnh:
Khảo sát thực tế các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ hai: 06:08 ngày 30/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 28.7, đoàn lãnh đạo tỉnh gồm Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh Phan Thị Ðiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đã có chuyến khảo sát thực tế các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành khảo sát thực tế các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ðoàn đã khảo sát các địa điểm gần vùng đất định hướng quy hoạch cây ăn trái thuộc Công ty cổ phần Cao su 1.5 tại xã Suối Dây (huyện Tân Châu), vùng chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái thuộc xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) và xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu).

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vùng phát triển cây ăn trái đặc sản Công ty Cao su 1.5 có diện tích khoảng 1.986 ha, đã thu hồi 80,2 ha cao su thanh lý, cao su đang chuẩn bị khai thác mủ khoảng 706 ha, phần lớn diện tích còn lại là cao su già chờ thanh lý.

Hiện trạng hạ tầng có hệ thống đường giao thông chính, đường phân các lô cao su là đường đất rộng khoảng 5m khá hoàn chỉnh; chưa có điện, nước, hạ tầng tưới, tiêu.

Ðịnh hướng phát triển của vùng là sản xuất chuyên canh cây ăn trái các loại như xoài, nhãn, mít, chuối, bưởi… Về định hướng đầu tư hạ tầng, ngành Ðiện đầu tư hệ thống điện trung thế; Nhà nước đầu tư hệ thống tiêu, tưới đến trung tâm vùng, nhựa hoá hệ thống đường giao thông trục chính. Nhà đầu tư tự đầu tư hệ thống đường trục trong lô, đấu nối hệ thống tưới, tiêu; hệ thống điện phục vụ sản xuất.

Vùng sản xuất lúa chuyển đổi sang trồng cây ăn trái thuộc 4 xã: Truông Mít, Phước Ninh, Phước Minh, Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu) có diện tích trên 3.500 ha, trong đó, xã Truông Mít 1.550 ha.

Hạ tầng hiện tại có hệ thống kênh tưới, tiêu Dầu Tiếng nhưng còn rất nhiều điểm bị ngập úng. Hệ thống điện phục vụ sản xuất chưa hoàn chỉnh. Cây trồng chủ yếu là mì, lúa 1 vụ; và nông dân tự chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

Diện tích chuyển đổi toàn vùng đến nay gần 1.500 ha, chủ yếu là nhãn và một số ít sầu riêng, thanh long, bưởi. Khó khăn lớn nhất là kênh tiêu chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước triệt để, kịp thời cho cây ăn trái nên thường xảy ra ngập úng, gây thiệt hại cho nông dân.

Vùng Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) có diện tích 800 ha. Trước đây là vùng trồng lúa, đậu, hoa màu; hiện nay đã chuyển đổi mạnh sang cây ăn trái, chủ yếu  là sầu riêng, chôm chôm, nhãn, bưởi… Qua điều tra sơ bộ, diện tích cây ăn trái khoảng 600 ha, trong đó, sầu riêng 563 ha.

Hệ thống kênh tưới của vùng cơ bản hoàn chỉnh. Hệ thống kênh tiêu thiết kế chủ yếu tiêu cho cây lúa. Ðể chuyển đổi sang cây ăn trái, người dân phải tự lên liếp, tự đào mương tiêu nội vùng nhưng vẫn thường xuyên ngập úng.

Khu vực này cần được nâng cấp hệ thống kênh tiêu đã có và quy hoạch bổ sung thêm hệ thống kênh tiêu nhánh. Sắp tời, ngành Nông nghiệp sẽ cùng với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh và UBND các huyện cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tiêu để phục vụ sản xuất.

Sau khi đi khảo sát, đoàn tiếp tục làm việc tại Huyện uỷ Gò Dầu. Ông Võ Ðức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo nhanh kết quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua, tóm tắt từng địa điểm dự kiến quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển đổi mạnh từ cây trồng hiệu quả thấp như lúa, cao su, mía… sang trồng các loại rau, cây ăn trái quy mô tập trung như nhãn, mãng cầu, sầu riêng, xoài, chuối, mít... tăng giá trị từ 3-4 lần. Chăn nuôi phát triển mạnh theo mô hình trang trại, quy mô lớn; chăn nuôi khép kín có bước tăng trưởng vượt bậc.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến nay, tỉnh có trên 5% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; 50% sản phẩm chăn nuôi liên kết sản xuất sạch, chiếm tỷ trọng 36,7% so với giá trị ngành chăn nuôi; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 15,37%; kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông sản đạt trên 2.580 triệu USD (chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh).

Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2018 ước đạt 90,29 triệu đồng. Ðến nay, tỉnh đã thu hút 70 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn trên 4.040 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của UBND các huyện, sở, ngành về vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

GIANG HÀ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục