Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khất thực, nét đẹp văn hóa Khmer miền biên viễn
Thứ hai: 00:09 ngày 15/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi đi, các sư luôn vấn thượng y trùm kín, chân không đầu trần, không chống gậy hay che dù, lúc đi không nói chuyện, không ngó liếc hai bên, đặc biệt không được tìm nghe chuyện của người khác. Đó là sự rèn luyện vô cùng tuyệt vời để tu sĩ đạt đến đạo giải thoát.

Phật tử cúng dường đoàn sư khất thực. Ảnh minh hoạ

Ai đã từng đi qua những miền biên giới Tây Ninh, có lẽ ít nhiều nhìn thấy các đoàn sư sãi ôm bình bát đi khất thực trong các xóm làng, phum sóc. Đó không những là một hình ảnh đẹp của văn hoá Phật giáo Nam tông Khmer mà còn mang tính kết nối bền vững giữa đạo và đời, giữa chư tăng và thập phương bá tánh. Và chừng mực nào đó, đây được xem là bệ đỡ vô hình nâng bước con người đến với cánh cửa từ bi - trí tuệ để từ đó cùng nhau chung sống giữa bác ái hoà đồng.

Trước khi nói về khất thực, xin nói qua một chút về Phật giáo Nam tông ở Tây Ninh. Trên dưới hai trăm năm trước đây, hệ phái Nam tông đã có mặt ở vùng đất này, nhưng hầu hết là Nam tông Khmer. Nếu nói không quá, thì ở những thập niên đầu của thế kỷ XIX, Tây Ninh đã có hơn 20 ngôi chùa, tương ứng với 55 ngôi làng Khmer lúc bấy giờ. Nhưng chiến tranh, bom đạn đã làm nhiều phum sóc xiêu tán, chùa chiền sập đổ… và những gì còn lại cho tới ngày nay là quá ít.

Hiện nay, tính tới thời điểm 2021, Tây Ninh có 7 ngôi chùa theo hệ phái Theravada (Phật giáo nguyên thuỷ). Trong đó, 1 chùa theo phái Thommayutt và 6 chùa theo phái Mohanikay. Chùa theo phái Thommayutt là Nam tông Kinh, có tên là Samma Sambudho (Chánh đẳng chánh giác) ở xã Tân Hội, mới được công nhận vào năm 2020, nhưng đang trong quá trình xây dựng. Còn các chùa theo phái Mohanikay đều là Nam tông Khmer.

Và cũng xin nói thêm rằng, mặc dù cùng hệ phái Theravada, nhưng Phật phái Mohanikay và Phật phái Thommayutt cũng có nhiều điểm khác nhau về học thuyết, tín ngưỡng, giới luật, giáo lý, các cách thức nhập định... Những cái đơn giản thường thấy nhất như các sư Mohanikay khi đi khất thực ôm bình bát có túi vải bọc ngoài và có dây đeo, còn các sư Thommayutt thì bưng bình bát trần; các sư Mohanikay luôn mặc cà sa hở vai, còn các sư Thommayutt chỉ mặc cà sa hở vai trong chùa, y cà sa thì quấn kín. Các sư Mohanikay được quyền đọc những bài kinh xua đuổi tà ma, còn các sư Thommayutt thì không được. Đặc biệt, các sư Thommayutt tuyệt đối không được cầm tiền, còn các sư Mohanikay lại được cho phép…

Trở lại các chùa Khmer ở Tây Ninh, trừ chùa Khedol là ở thành phố, năm chùa còn lại đều ở khu vực biên giới. Cụ thể, chùa Chung Ruk ở biên giới xã Hoà Hiệp của huyện Tân Biên; chùa Kà Ốt ở biên giới xã Tân Đông của huyện Tân Châu; chùa Svay ở biên giới xã Ninh Điền, chùa Phụm Ma ở biên giới xã Thành Long, chùa Phước Quang ở biên giới xã Hoà Thạnh, và cả ba ngôi chùa này đều của huyện Châu Thành.

Theo thống kê được in trong tài liệu hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IX (Vĩnh Long, 17-18.12.2020), thì Tây Ninh chỉ có 21 sư/6 chùa và khoảng 8.000 phật tử gốc Khmer, thuộc tốp thấp nhất của Nam bộ về mặt số lượng. Tuy nhiên, về mặt chất lượng văn hoá, nghi lễ Phật giáo thì các chùa ở miền biên viễn này vẫn bảo đảm. Các sư luôn hành trì tu đạo một cách nghiêm cẩn, trong đó có hạnh khất thực.

Vậy khất thực là gì? Nếu dưới góc độ từ ngữ, thì khất thực đơn giản chỉ là xin ăn, xin thực phẩm từ người khác. Nhưng trong văn hoá Phật giáo, khất thực không chỉ đơn giản có vậy, mà là “hạnh khất thực”, là cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia thời Đức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, và đó cũng là phương pháp thực hành chính mạng thanh tịnh của tu sĩ. Người đi khất thực được gọi là khất sĩ, trong đó “khất” nghĩa là xin, “sĩ” là người có phẩm hạnh cao quý; Khất sĩ bao hàm khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm.

Vào giai đoạn đầu của Đức Phật lịch sử, tăng đoàn hoàn toàn không có trú xứ, cũng không có bất cứ tài sản gì. Chính vì vậy mà các tăng sĩ phải nhờ vào thực phẩm của bá tánh thông qua việc đi khất. Nếu ngày nào không khất được thì đành chịu chứ không than vãn hay có bất cứ động vọng nào. Và thời kỳ đó cũng hoàn toàn không có khái niệm chay mặn, ai cúng dường gì thì chư tăng dùng nấy, mỗi ngày một bữa ăn duy nhất. Các vị đi khất mỗi ngày, từ đầu giờ Thìn cho đến đầu giờ Ngọ thì tìm nơi bóng mát cùng nhau thọ thực.

Thực phẩm đi khất đem về chia đều, chia cho những gì sống chung với người nhưng không phải là người và chia cho những người gặp cảnh khốn cùng hoạn nạn. Tinh thần ấy, vẫn duy trì cho đến ngày nay ở nhiều chùa Nam tông Khmer. Và cũng xin nói thêm rằng, hạnh khất thực là một hạnh không phải dễ thực hành, đòi hỏi khất sĩ phải rèn luyện tinh thần kham nhẫn, không phân biệt, chịu đựng khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt là bước hành thiền tạo sự vững chải thân tâm, tạo sự bình an giữa muôn loài muôn vật. Thông qua việc khất thực, chư tăng gieo duyên, giáo hoá điều thiện lành cho tất cả mọi người.

Tây Ninh có sáu chùa Nam tông Khmer, nhưng hiện nay vì nhiều lý do khác nhau chỉ còn chùa Kiri Sattay Meanchey - Kà Ốt là duy trì hạnh khất thực. Trừ ba tháng an cư kiết hạ, các ngày cưới hỏi, tang ma và các ngày mùng 8, 15, 23, 30 hằng tháng là không đi, hầu hết thời gian các ngày còn lại trong năm, các sư đều đi khất thực. Hình ảnh các sư ôm bình bát đi từng nhà và các em bé nhỏ chạy theo “hộ tống” đồng thời thông báo cho các nhà biết có đoàn khất thực đang tới, gia chủ không kể già hay trẻ, nam hay nữ đều cung kính thí thực cho các sư, tạo nên một vẻ đẹp vừa đời thực vừa thánh thiện, siêu thoát.

Nếu ai đó tinh ý sẽ cảm nhận được các sư đi khất thực bao giờ cũng là hai người trở lên, đi thành hàng một, khoảng cách nhau 2 mét, khi đi nhìn xuống, người lớn tuổi đi trước người nhỏ tuổi đi sau. Và thời gian các sư đi là từ sáng sớm đến không quá Ngọ. Đi khất trong xóm làng, không được đi vô chợ, không nhận tiền…

Khi đi, các sư luôn vấn thượng y trùm kín, chân không đầu trần, không chống gậy hay che dù, lúc đi không nói chuyện, không ngó liếc hai bên, đặc biệt không được tìm nghe chuyện của người khác. Đó là sự rèn luyện vô cùng tuyệt vời để tu sĩ đạt đến đạo giải thoát.

Có thể nói, việc khất thực ngoài mục đích nuôi thân để có đủ sức lực trí tuệ tu hạnh, còn giúp cho sư sãi tránh xa hai cực đoan là sự sung sướng và sự khổ hạnh thái quá. Từ đó, người tu hành ít đi phiền não, đoạn trừ kiêu căng ngã mạn, không sa vào thế giới vật tiền điên đảo. Bên cạnh đó, đi khất thực các sư sẽ có điều kiện hiểu thêm cuộc sống của bá tánh, cảm nhận được sự cực khổ vất vả của họ, từ đó có sự thấu cảm và yêu thương rộng khắp, để rồi tạo cơ duyên mà giáo hoá chúng sinh.

Ngày nay, có nhiều sự giả mạo trục lợi bất chính, làm ảnh hưởng không ít đến việc tu học của các sư. Nhưng đã là giả thì cho dù che đậy như thế nào cũng sẽ lộ ra, cái giả muôn đời không thể thay thế cho cái thật. Nơi miền biên viễn phên giậu Tây Ninh này, cuộc sống của bà con tuy còn khó khăn nhưng luôn thuần hậu, hình ảnh các sư đi khất thực và các thí chủ cúng dường luôn gieo vào lòng người cái đẹp siêu thoát, giúp cho mọi người cảm thấy thân tâm thêm an lành, nhẹ nhàng, loại trừ những tham sân ái dục, biết sống chan hoà, hướng thiện.

Đào Thái Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục