BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khát vọng từ những cây cầu

Cập nhật ngày: 30/05/2016 - 06:03

Cầu Bến Đình nối liền Gò Dầu với Bến Cầu.

Sông Vàm Cỏ Đông gắn liền với vùng đất và con người Tây Ninh, mang lại nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, dòng sông cũng vô tình gây chia cắt khiến cho một số địa phương khó có cơ hội phát triển, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do tình trạng “qua sông, luỵ đò”. Điều đáng ghi nhận trong thời gian qua, những cây cầu bắc qua sông Vàm đã lần lượt mọc lên, xoá đi khoảng cách “tuy gần mà xa vời vợi” giữa những người sống ở hai bên bờ sông.

Những cây cầu nối liền bờ vui

Cầu Bến Đình khởi công từ ngày 29.5.2014 nay đã cơ bản hoàn thành, dự kiến tháng 7 tới sẽ đưa vào sử dụng. Cầu này nối liền xã Cẩm Giang của huyện Gò Dầu với xã Tiên Thuận và thị trấn Bến Cầu của huyện Bến Cầu đã đem lại niềm vui không nhỏ cho người dân khu vực quanh đó. Ông Cái Văn Phương- một người dân ngụ ấp B, xã Tiên Thuận vui vẻ cho biết: “Có cây cầu này tâm trạng của tôi rất phấn khởi, vì nó rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại cho tôi khi cần thăm bà con ở Hoà Thành hay Gò Dầu, mà đi thành phố Tây Ninh cũng thuận tiện. Nhiều người dân ở đây có ruộng đất bên xã Cẩm Giang, khi có cây cầu việc vận chuyển nông sản sẽ nhẹ chi phí hơn, việc qua lại chăm sóc ruộng cũng dễ dàng”.

Ông Đặng Văn Ngal- trưởng ấp B chia sẻ, trước đây, việc cách sông lỡ đò khiến cho người dân đi lại hết sức khó khăn. Nhiều người trong ấp khi có việc cần sang Cẩm Giang (Gò Dầu), hay Trường Đông (Hoà Thành) phải ngược lên trung tâm tỉnh hoặc vòng xuống thị trấn Bến Cầu, rồi mới qua thị trấn Gò Dầu nên quãng đường rất xa. Tuy có phà vận chuyển rút ngắn một phần khoảng cách lẫn thời gian, nhưng việc đi phà chỉ thuận lợi vào những ngày nắng, sông ít lục bình, còn những ngày mưa hay trúng mùa lục bình nhiều thì qua sông rất khó khăn và nguy hiểm. Nghĩ đến ngày cầu Bến Đình đưa vào sử dụng và tuyến đường nối từ cầu đến quốc lộ 22B cũng sắp được nhựa hoá, ông Ngal không giấu nổi niềm vui sướng: “Không chỉ mình tui mà người dân ở đây ai cũng rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư xây dựng cầu Bến Đình. Có cầu, có đường, việc đi lại, vận chuyển sẽ rất dễ dàng”.

Hợp long Cầu Bến Đình.

Ông Nguyễn Tấn Tài– Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, cầu Bến Đình có chiều dài 379,5m, rộng 12m. Đây là cây cầu được xây dựng theo thiết kế hiện đại nhất so với những cây cầu đã được bắc qua sông Vàm Cỏ Đông trước đó. Sau khi hoàn tất việc xây dựng cầu Bến Đình (thuộc giai đoạn 1 của dự án), sẽ triển khai nhựa hoá đoạn đường từ quốc lộ 22B qua cầu Bến Đình đến thị trấn Bến Cầu (thuộc giai đoạn 2), với tổng chiều dài (cả đường và cầu) là 8km. Tổng mức đầu tư dự án chiếm khoảng 311 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương hỗ trợ khoảng 108 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương). Cầu Bến Đình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn, thuận lợi cho nhân dân, nhất là những người lao động ở huyện Bến Cầu đến làm việc tại các Khu liên hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ Phước Đông – Bời Lời, Khu công nghiệp Chà Là; đồng thời kết nối huyện Bến Cầu- Khu kinh tế Mộc Bài với các huyện Gò Dầu, Hoà Thành một cách thuận lợi hơn.

Trước đây, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Vàm Cỏ Đông là cầu Gò Dầu. Cầu nối liền hai bờ Đông và Tây sông, nối liền vùng đất Bến Cầu cùng 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng với các huyện, thành phố trong tỉnh, cả với TP. Hồ Chí Minh, xoá đi địa thế cô lập của các địa phương phía bờ Tây sông, từng bước thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Theo ông Tài, trước năm 1995 chỉ có duy nhất cầu Gò Dầu (cầu sắt được xây dựng từ thời Pháp thuộc) bắc qua sông Vàm Cỏ Đông. Đến năm 1995, Bộ Giao thông - Vận tải mới đầu tư một đơn nguyên cầu bê tông cốt thép thay thế cho cầu bằng sắt, nằm trên quốc lộ 22A. Đến năm 2000, Bộ tiếp tục đầu tư xây thêm cầu mới (giáp bên cầu cũ – phía hạ lưu sông) cùng với dự án đường Xuyên Á. Công trình kết nối TP. Hồ Chí Minh với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài- tuyến đường có vị trí chiến lược quan trọng trong giao thương hàng hoá, du lịch của tỉnh, của khu vực với Campuchia, Thái Lan… Sau khi cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, vùng đất phía Tây sông Vàm như được thổi một luồng sinh khí mới, Mộc Bài đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, đời sống người dân từng bước chuyển biến theo hướng tích cực.

Cầu Bến Đình sắp hoàn thành.

Năm 2004, cầu Gò Chai được Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng từ nguồn vốn dư sau đấu thầu đường Xuyên Á. Cầu Gò Chai có chiều dài hơn 242m, rộng 10m (trong đó bề rộng xe chạy là 7m). Cầu nằm trên tuyến đường 786, kết nối xã Thanh Điền với xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, rộng hơn là kết nối Khu kinh tế Mộc Bài, trung tâm huyện Bến Cầu với trung tâm tỉnh Tây Ninh và các huyện phía Bắc của tỉnh, vừa phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá từ các vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Bến Cầu, các xã Ninh Điền, Long Vĩnh của huyện Châu Thành về nhà máy chế biến trên địa bàn thành phố Tây Ninh và các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu. Khi cầu Bến Đình được đưa vào sử dụng, đây sẽ là cây cầu thứ 3 nối huyện Bến Cầu với các huyện phía Đông của tỉnh, rút ngắn thời gian đi thành phố Tây Ninh.

Như vậy, với những cây cầu lần lượt mọc lên, huyện Bến Cầu và một số xã của huyện Châu Thành cùng với 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng đã thông thương với nhiều địa phương khác. Những cây cầu ra đời đã góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng dần đời sống của người dân vùng nông thôn khó khăn, vùng biên giới.

Huyện Châu Thành có 5 xã biên giới nằm ở phía Tây sông Vàm Cỏ Đông gồm: Biên Giới, Hoà Thạnh, Hoà Hội, Thành Long và Ninh Điền. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên đất đai, địa hình, khí hậu không thuận lợi. Hiểu được điều đó, năm 2000, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng cây cầu Bến Sỏi. Cầu Bến Sỏi dài 186m, rộng 9m (trong đó bề rộng xe chạy là 7m). Cầu Bến Sỏi nằm trên tuyến đường 781 nối liền 5 xã biên giới phía Tây sông Vàm với trung tâm huyện Châu Thành và trung tâm tỉnh. Ông Đồng Văn Sáu, 64 tuổi – ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long nói lên cảm nghĩ của mình: “Tôi ở đây từ hồi nhỏ đến lớn, trước kia người dân quanh đây toàn qua lại trên sông bằng phà. Sau ngày giải phóng miền Nam vẫn thế. Từ ngày có cầu Bến Sỏi, việc đi lại, vận chuyển hàng hoá hoặc đi khám, chữa bệnh của người dân được thuận lợi hơn nhiều. Người dân xã Thành Long cảm ơn Nhà nước lắm”.

Và những cây cầu còn trong mong đợi

Bến phà Cây Ổi nằm ở khu vực thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, nơi giáp ranh giữa xã Hoà Thạnh với xã Phước Vinh của huyện Châu Thành. Phà ở bến này đưa người qua lại và vận chuyển hàng hoá có trọng tải nhỏ. Còn các loại hàng hoá nông sản có trọng lượng lớn như mía, mì… muốn đưa đến các nhà máy chế biến ở Tân Châu, Tân Biên thì phải đi đường vòng qua xã Hoà Hội, Thành Long, qua cầu Bến Sỏi ra thị trấn Châu Thành, đến trung tâm tỉnh rồi mới đi đến 2 huyện kể trên. Quãng đường sẽ ngắn hơn nhiều nếu như có một cây cầu mọc lên, thay thế vai trò của bến phà Cây Ổi. Cây cầu Hoà Bình nối liền xã Hoà Thạnh với Hoà Hội chỉ có trọng tải nhỏ và đang xuống cấp nhưng hằng ngày phải gánh chịu những xe chở nông sản vượt tải trọng… nếu cầu Hoà Bình hư hỏng thì gần như xã Hoà Thạnh sẽ bị cô lập…

Anh Phạm Trường Giang ngụ tại ấp Cây Ổi kể rằng: mỗi lần đi phà Cây Ổi phải ngồi chờ rất lâu, có khi đến 30 phút. Giá mỗi lần đi cho một người và một xe máy là 6.000 đồng. Ngày đi 4 lần thì mỗi tháng cũng mất một số tiền không nhỏ. Tôi mong Nhà nước cho xây cây cầu ở đây để đi làm được thuận tiện hơn. Ông Nguyễn Văn Oanh, 49 tuổi, 9 năm lái phà ở bến Cây Ổi cho biết, phà ở đây chỉ chở người, xe máy hoặc ô tô du lịch; còn xe từ 5 tấn trở lên thì phải đi vòng đường huyện. Nếu đi từ xã Hoà Thạnh đến Phước Vinh chỉ mất 10km nhưng nếu đi đường huyện thì phải mất 35km. Tôi cũng rất mong Nhà nước sớm đầu tư kinh phí xây dựng cây cầu cho bà con nhân dân đi lại. Lợi ích chung là trên hết, mình không lái phà thì làm việc khác”.

Người dân ở khu vực hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, thuộc 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng cũng đang ngày ngày mong ngóng một cây cầu nối địa bàn 3 xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh với trung tâm huyện Trảng Bàng và TP. Hồ Chí Minh. Có một điều bất hợp lý đang tồn tại ở đây là người dân 3 xã cánh Tây muốn đến trung tâm huyện Trảng Bàng giải quyết công việc giấy tờ hay đi làm công nhân ở các khu công nghiệp phải đi vòng đường qua hai huyện khác (Bến Cầu và Gò Dầu) rồi mới đến thị trấn Trảng Bàng. Cũng vì thế, chặng đường dài ra rất nhiều so với việc có cây cầu bắc qua sông để qua An Hoà, đi thị trấn Trảng Bàng. Bà Lê Thị Kiệt, 73 tuổi, nhà ở khu vực bến đò Lái Mai, ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng cho biết, dân ở đây đi làm công nhân bên kia sông nhiều lắm, mỗi lần đi phải chờ rất lâu. Do vậy, người dân mong có cây cầu đi lại dễ dàng bất kể đêm hay ngày, không mất tiền qua phà mà lại an toàn”.

Ông Trần Văn Minh– Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, con đường Lái Mai đã được UBND huyện Trảng Bàng đầu tư kinh phí trải nhựa bằng phẳng. Giờ chỉ mong Trung ương và tỉnh đầu tư kinh phí xây cây cầu nối 3 xã cánh Tây với trung tâm huyện Trảng Bàng để việc đi lại của nhân dân được thuận tiện, không phải “mượn đường” như bây giờ. Có cầu, người dân có thể đi làm cho các khu công nghiệp nhiều hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế 3 xã cánh Tây, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ biên giới.

Người và phương tiện qua phà bến Cây Oi.

Theo tin từ Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, định hướng đến năm 2020, Tây Ninh sẽ nỗ lực đầu tư 2 công trình cầu Cây Ổi và cầu An Hoà. Theo dự án, kinh phí đầu tư xây cầu Cây Ổi hơn 100 tỷ đồng. Hiện dự án đang được kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Đối với cầu An Hoà- nối 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng với thị trấn Trảng Bàng, do ở đây là vùng hạ lưu sông nên khoảng cách giữa 2 bờ rất dài, kinh phí đầu tư cầu sẽ rất lớn- dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Dự án cầu An Hoà cũng đang kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Ngoài ra, còn có dự án cầu Cái Bắc (cầu Phước Trung) ở thượng nguồn sông Vàm, tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng sớm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cùng với việc xây dựng đường tuần tra biên giới để đưa vào sử dụng.

Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, các bến phà đang có vẫn được tiếp tục hoạt động. Sau khi cầu Bến Đình đi vào sử dụng, phà Bến Đình sẽ được di dời về bến phà Cây Ổi.

VŨ ĐÌNH LIỆU