Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vùng đô thị trung tâm tỉnh Tây Ninh:
Khát vọng về hai thành phố tương lai
Thứ sáu: 15:00 ngày 09/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - TP. Tây Ninh đang trình cấp thẩm quyền xem xét Đề án nâng loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại II và phấn đấu đến năm 2030 đạt 75% tiêu chuẩn đô thị loại I; và TX. Hoà Thành cũng đang trình cấp thẩm quyền xem xét Đề án nâng loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại III.

Một góc thành phố Tây Ninh

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29.12.2023, trong Phương án phát triển các trọng điểm đô thị xác định: Trọng điểm số 1 là cụm đô thị thành phố (TP) Tây Ninh - thị xã (TX) Hoà Thành.

Phương án này được đặt ra hoàn toàn phù hợp với khát vọng, định hướng, mục tiêu phát triển của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân hai địa phương này theo đuổi, kiên trì phấn đấu, nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua.

Cụ thể, hiện nay, TP. Tây Ninh đang trình cấp thẩm quyền xem xét Đề án nâng loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại II và phấn đấu đến năm 2030 đạt 75% tiêu chuẩn đô thị loại I; và TX. Hoà Thành cũng đang trình cấp thẩm quyền xem xét Đề án nâng loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại III để đến năm 2025 sẽ được trở thành thành phố thuộc tỉnh. Điều này có nghĩa, khát vọng về hai thành phố tương lai ở một vùng đô thị trung tâm tỉnh Tây Ninh hoàn toàn có thể hiện thực hoá trong một ngày không xa.

THÀNH PHỐ TÂY NINH: CHỈ MỚI MƯỜI NĂM…

Gần hai thế kỷ, Tây Ninh trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh của đất nước, tỉnh nhà mới có một thành phố “đúng chuẩn” đô thị trung tâm trong vòng 10 năm qua. Điều này không chỉ trong ký ức của các bậc cao niên ở Tây Ninh, mà ngay trong Đề án nâng loại đô thị thành phố Tây Ninh cũng được ghi rõ: “Ngày 19 tháng 5 năm 1942, tỉnh Tây Ninh thành lập tại xã Thái Hiệp Thạnh (trước đó Thái Hiệp Thạnh là xã được sáp nhập bởi các khu vực thị tứ của ba xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh thuộc quận Châu Thành - NV) khu thị tứ (thị xã).

Dân số thập niên 1930 là 3.700 người. Sau Hiệp định Genève năm 1954 thành lập lại thị xã Tây Ninh trên một phần đất của Thái Hiệp Thạnh. Sau 30.4.1975 chiến tranh chấm dứt, tỉnh tổ chức thành 7 huyện, 1 thị xã, trong đó thị xã Tây Ninh có 3 phường 1, 2, 3” (đúng ra lúc ấy không gọi là 3 phường mà là “3 vùng”- NV).

Sau “cái buổi ban đầu” ấy, thị xã Tây Ninh mới dần dần “nở nồi” từ thành lập xã Bình Minh (1983) đến mở rộng địa giới hành chính sáp nhập 5 xã phía Bắc huyện Hoà Thành gồm Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn, Thạnh Tân, Tân Bình và thành lập thêm phường IV trên cơ sở một phần dân cư và địa giới xã Hiệp Tân của huyện Hoà Thành tách ra (tháng 8.2001).

Đến ngày 29.12.2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/NĐ-CP chuyển các xã Ninh Thạnh, Ninh Sơn thành phường và nâng cấp thị xã Tây Ninh thành thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh. Trước đó, ngày 12.12.2012, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1112/QĐ-BXD công nhận thị xã Tây Ninh là đô thị loại III. Như thế, thị xã Tây Ninh là một trong những thị xã tỉnh lỵ cuối cùng trong nước được nâng lên thành thành phố, chỉ mới trong vòng 10 năm gần đây thôi.

Lịch sử khi khoan khi nhặt, lúc thăng lúc trầm là thế. Nhưng dù có khoan nhặt, thăng trầm như thế nào, lịch sử của TP. Tây Ninh nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung vẫn là một dòng chảy liên tục, xuyên suốt đầy vinh quang, tự hào của một địa phương phên giậu của Tổ quốc, biên giới phía Tây Nam của đất nước với quá trình hy sinh, bảo vệ an toàn vùng “đất thánh” nơi đứng chân lãnh đạo cách mạng miền Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.

10 năm thành lập TP. Tây Ninh cũng là 10 năm thực hiện thành công Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2020 nối dài cho đến hôm nay. Một giai đoạn nếu nói là “nhảy vọt” của tỉnh nghĩ cũng không quá lời, với những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được tính bằng đơn vị “lần”.

Chẳng hạn quy mô giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Tây Ninh tăng từ 28,3 ngàn tỷ đồng năm 2010 lên đến 87,5 ngàn tỷ đồng năm 2020, tính theo giá năm 2020 là tăng gấp “3 lần”. Về GRDP bình quân đầu người, nếu như năm 2010 mỗi người dân Tây Ninh chỉ có thu nhập 1.390 USD, thì năm 2023 vừa qua đã tăng đên 3.931 USD.

Về công nghiệp hoá, thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh duy trì ở mức 2 con số, cụ thể là 5 năm 2010-2015 là 13,94% và 5 năm 2016-2020 là 14,25%. Hiện nay, khu vực công nghiệp đang trên đà tăng trưởng và mang lại nhiều đóng góp cho tăng trưởng chung của Tây Ninh…

Tất nhiên, trong thành quả chung của tỉnh, những điều mang lại từ vùng đô thị bao giờ cũng có phần hơn. Đồng thời, riêng vùng đô thị trung tâm còn có nhiều dấu ấn đậm nét hơn. Điển hình như các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đua nhau mọc lên kéo theo sự phát triển kinh tế thương mại dịch vụ tạo ra bộ mặt đô thị thật sinh động, phong phú.

Điển hình như tại TP. Tây Ninh, nhiều tuyến đường đô thị đã được đầu tư thông thoáng, vừa cải thiện đáng kể bộ mặt, mỹ quan đô thị và nhu cầu của đời sống xã hội, vừa góp phần phát triển du lịch như các tuyến đường: 30.4, Hoàng Lê Kha, Điện Biên Phủ; Huỳnh Tấn Phát… Các công viên cũng được chỉnh trang, nâng cấp, xây mới.

Từ đó, dần hình thành nên kiến trúc cảnh quan đô thị của thành phố ngày càng hiện đại, có bản sắc, tương xứng với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Việc chỉnh trang đô thị cũng đã góp phần tăng số lượng nhà ở toàn thành phố Tây Ninh lên 38.216 căn, trong đó, nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm 37.224 căn, đạt 97,4%.

Công tác hợp tác, kêu gọi đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, Thành phố thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược như: VinGroup, SunGrop với các dự án: Trung tâm thương mại khách sạn 5 sao Meliã Vincom Tây Ninh, dự án hệ thống cáp treo với các nhà ga đạt kỷ lục thế giới, cùng các công trình tâm linh kỳ vĩ, các công trình phụ trợ tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, các khu đô thị và một số nhà đầu tư lớn đang trong giai đoạn đề xuất dự án nghiên cứu đầu tư.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ cũng phát triển mạnh, hình thành nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Thành phố như các siêu thị Co.op Mart, siêu thị điện máy Chợ Lớn, hàng chục cửa hàng Bách Hoá Xanh, Điện Máy Xanh, chuỗi cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu danh tiếng…; góp phần cung ứng đầy đủ hàng hoá cho người tiêu dùng, bình ổn giá cả thị trường và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Lãnh đạo Chính phủ trao Nghị quyết thành lập thành phố Tây Ninh trực thuộc tỉnh Tây Ninh cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và thành phố Tây Ninh tối 14.2.2014. Ảnh: Đ.H.T

Thành phố Tây Ninh cũng đang triển khai thực hiện dự án xây mới chợ Thành phố, được đầu tư quy mô chợ hạng 1 với khoảng 490 điểm kinh doanh cố định, tổng mức đầu tư hơn 79,4 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Đồng thời ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; giai đoạn 2021-2025, các chợ truyền thống tiếp tục được đầu tư nâng cấp, các cửa hàng tiện lợi phát triển phủ kín đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính - viễn thông phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Hệ thống các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch đến với Thành phố.

Đặc biệt, cuối năm qua, Tây Ninh vừa đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 (Vietnam Digital Awards 2023) với hạng mục Thành phố điều hành đô thị thông minh. Đây là kết quả đáng mừng sau 3 năm thực hiện thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn VNPT trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, điều hành đô thị thông minh giai đoạn 2019-2025. Kết quả này thể hiện sự tăng tốc của địa phương trên đường thực hiện nhiệm vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

THỊ XÃ HOÀ THÀNH: TRĂM NĂM MỘT ĐÔ THỊ MỚI

Nếu như trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các vùng tập trung dân cư khác đều có lịch sử hàng trăm năm, thì chỉ riêng địa bàn TX. Hoà Thành hiện nay chỉ mới sắp sửa tròn 100 năm, chính xác là 98 năm có người đến cư ngụ.

Xin nói rõ địa bàn TX. Hoà Thành hiện nay, nghĩa là không kể 5 xã phía Bắc của huyện Hoà Thành cũ, tức các xã Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn, Thạnh Tân, Tân Bình vốn đã có dân đến ở từ trước. Kể từ năm 2001, địa bàn huyện- nay là TX. Hoà Thành còn 4 phường: Hiệp Tân, Long Hoa, Long Thành Bắc, Long Thành Trung và 4 xã Long Thành Nam, Trường Hoà, Trường Đông, Trường Tây.

Xa xưa hơn chút nữa, từ trước năm 1979, các địa phương này chỉ là hai xã Long Thành, Trường Hoà và một phần xã Hiệp Ninh cũ, nay là phường Hiệp Tân, thuộc huyện Phú Khương. Khu vực này, trước năm 1975 thường gọi là “vùng Toà Thánh - Long Hoa” địa bàn huyện Toà Thánh của chính quyền cách mạng.

Ông Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) trao Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Hoà Thành cho lãnh đạo thị xã, ngày 28.2.2020. Ảnh: Ngọc Diêu

Ngược dòng thời gian gần trăm năm trước, những người đầu tiên đến vùng đô thị TX. Hoà Thành hiện nay là những chức sắc, tín đồ đầu tiên của tôn giáo Cao Đài, một nền tôn giáo nội sinh ở miền Nam nước ta, mới khai đạo ngày rằm tháng Mười âm lịch năm Bính Dần (1926).

Sau ngày khai đạo, các vị khai sáng đạo Cao Đài, từng là quan chức, nghiệp chủ, điền chủ trong chế độ Pháp thuộc đã bỏ tiền ra mua một khu đất rừng của “quan kiểm lâm Tây” để xây dựng ngôi tổ đình của đạo, tức khu nội ô Toà thánh hiện nay.

Cùng với các tín đồ người Việt từ “lục tỉnh Nam kỳ” theo đạo Cao Đài lên Toà thánh Tây Ninh làm công quả còn có những tín đồ là đồng bào các dân tộc Khmer, Tà Mun từ các phum sóc xa xôi trên vùng biên giới phía Tây, phía Bắc Tây Ninh đánh xe bò xuống khu nội ô Toà thánh góp sức xây chùa.

Sách sử đạo Cao Đài còn ghi lại chuyện đồng bào đạo hữu đánh xe bò đi qua tỉnh lỵ Tây Ninh, tức khu thị tứ Thái Hiệp Thạnh lúc nửa đêm về sáng, bị lính Tây bắt giữ xe trong Toà bố (dinh Tham biện tỉnh) vì tội “xe bò không đèn”, vị chức sắc đứng đầu nền đạo lúc bấy giờ là Quyền Giáo tông Lê Văn Trung phải thân hành ra tỉnh để bảo lãnh.

Quan Tây không cho lãnh, đòi bắt dân công quả phải đóng phạt mới được thả, ông Lê Văn Trung tức giận móc mề-đay Bắc đẩu Bội tinh do Chính phủ Pháp ban tặng ông ra để trên bàn quan Tây trả lại cho nhà cầm quyền, vì lẽ “một vị quan chức Hội đồng Quản hạt Nam kỳ mà không bảo lãnh được đồng đạo người dân tộc thiểu số phạm lỗi rất nhẹ thì cái Bội tinh này có giá trị gì?”.

Tại khu vực đạo Cao Đài xây dựng tổ đình của đạo, từ đầu thế kỷ 20 được gọi là “vùng thánh địa” có diện tích khoảng 100 ha là khu nội ô Toà thánh ở trung tâm, khu tứ cận chung quanh ba phía Bắc, Tây, Nam rộng hàng ngàn héc-ta chạy ra tới tỉnh lỵ Tây Ninh đều là rừng già, chỉ có ở phía Đông là vùng trảng trũng- là khu vực cánh đồng Sân Cu ngày nay.

Gần như toàn bộ vùng đất rừng ấy rộng hàng chục ngàn héc-ta, một gia đình chức sắc là ông Huyện Thơ, tức Đầu sư Thái Thơ Thanh và bà Nữ Đầu sư Lâm Hương Thanh là nghiệp chủ ở Vĩnh Long bỏ tiền ra mua hết. Về sau, ông bà Đầu sư trở về miền Tây, giao đất lại cho Hội thánh Cao Đài quản lý, phân lô cấp cho tín đồ từ lục tỉnh Nam kỳ theo đạo về cư ngụ, sinh sống, làm công quả.

Qua một thời gian dãi nắng dầm mưa, ăn chay nằm đất ở nơi hoang vu, heo hút đầy sơn lam chướng khí để chỉ huy công quả khẩn hoang, dựng chùa “vùng thánh địa”, sau gọi là “châu thành thánh địa” hình thành và quần tụ người có đạo khắp nơi trong, ngoài tỉnh Tây Ninh đến cư ngụ, sinh sống cho đến ngày nay.

Quá trình đô thị hoá vùng Toà Thánh - Long Hoa bắt đầu từ đó và cũng chính các bậc tiền bối của đạo, người thiết kế ngôi Đền thánh trong nội ô Toà thánh cũng là người quy hoạch, thiết kế đô thị vùng “châu thành thánh địa” tức khu vực các phường Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn của thành phố Tây Ninh và toàn địa bàn thị xã Hoà Thành ngày nay, với mật độ đường sá dày đặc đan nhau như ô bàn cờ.

Đặc biệt là việc quy hoạch, thiết kế đô thị vùng Long Hoa, trung tâm thị xã Hoà Thành ngày nay với hệ thống đường sá bố trí theo hình “bát quái đồ”, đồng quy vào trung tâm là ngôi chợ Long Hoa, nay là trung tâm thương mại Long Hoa.

Đây là cơ sở, nền tảng để các nhà quy hoạch, thiết kế đô thị hiện nay quy hoạch nâng tầm đô thị hiện đại mà vẫn giữ được những nét truyền thống cơ bản của người xưa. Điều này thể hiện rõ nét ở việc quy hoạch, thiết kế các trục giao thông chính ở khu vực Toà thánh - Long Hoa đã được mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang, chiếu sáng trở thành các trục nối từ thành phố Tây Ninh sang thị xã Hoà Thành ra quốc lộ 22B rất khang trang, thoáng đãng làm đẹp lòng, đẹp mắt khách thập phương mỗi khi đến Toà thánh Cao Đài Tây Ninh tham quan, chiêm bái.

Đối với người “bản địa”, tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương “hợp ý Đảng, lòng Dân”, chính là điều tâm đắc nhất mà mỗi người dân Hoà Thành ngày nay đều khắc sâu vào tâm khảm. Từ đó, đồng bào có đạo cũng như không có đạo ở đây luôn nhiệt thành hưởng ứng mọi phong trào thi đua yêu nước do Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận thị xã Hoà Thành phát động.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi huyện Hoà Thành được nâng cấp lên thành thị xã theo Nghị quyết số 865/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 10.1.2020, bộ mặt đô thị Hoà Thành được nâng lên ngày càng khang trang, trù phú. Hiện nay, dân số thị xã Hoà Thành tăng lên khoảng 140.000 người, trong đó có 90% dân số theo đạo Cao Đài, cư dân đô thị có xu hướng tăng đều qua các năm. 

Tỷ lệ phát triển dân số là 1,27%, trong đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,9%. Số lao động đang làm việc trong các ngành gồm lao động phi nông nghiệp chiếm 74,7%, nông nghiệp chiếm 25,8%. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 11,4%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 3 năm gần nhất đạt 5,9% (kể cả 2 năm đại dịch Covid-19). Cơ cấu kinh tế: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng (46,9%) - thương mại dịch vụ, du lịch (44,5%) -  nông, lâm, thuỷ sản (8,6%). Năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 8.733 tỷ đồng (đạt 100,12% KH); tổng doanh thu thương mại dịch vụ, lưu trú, ăn uống thực hiện được hơn 3.955 tỷ đồng (đạt 100,07% KH).

Thương mại dịch vụ phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Thị xã có Trung tâm thương mại Long Hoa, 8 chợ phường, xã cùng với 1 siêu thị (Go), nhiều cửa hàng Bách Hoá Xanh và cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu khác. Các điểm du lịch, tham quan thu hút hàng triệu lượt du khách hằng năm là Toà thánh Cao Đài, chùa Thiền Lâm - Gò Kén, Trí Huệ cung, Trí Giác cung, Ao Thất Bửu, trung tâm thương mại giải trí Cana và nhiều khu sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực …

Về công nghiệp, Hoà Thành có cụm công nghiệp Bến Kéo, diện tích 35,78 ha, tỷ lệ lấp đầy trên 70% đang hoạt động. Toàn Thị xã có 736 doanh nghiệp, vốn đăng ký 2.792 tỷ đồng, thu hút 6.903 lao động; 12.781 hộ kinh doanh cá thể, vốn đăng ký 1.953 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 29.698 lao động, khu vực kinh tế tập thể có 12 hợp tác xã và 2 chi nhánh, gồm 1.900 thành viên, vốn đăng ký 167 tỷ đồng.

Đến năm 2020, có 4/4 xã của Thị xã, gồm: Trường Đông, Trường Hoà, Trường Tây và Long Thành Nam được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, thị xã Hoà Thành là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để các xã của Thị xã tiệm cận các tiêu chí về hạ tầng của phường đô thị. Hiện Thị xã đang tập trung xây dựng xã Trường Đông đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Quyết định số 958/QĐ-BNV, ngày 12.11.2020 của Bộ Nội vụ về việc phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã Hoà Thành là đơn vị hành chính loại II. Đến nay, bộ máy hành chính chính quyền thị xã Hoà Thành hoàn toàn đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển đô thị trong giai đoạn mới với kinh nghiệm và năng lực quản lý hiện tại đủ khả năng quản lý đô thị loại IV và cao hơn nữa là đô thị loại III, thành phố thuộc tỉnh. Thị xã Hoà Thành cũng đã thực hiện lập đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hoà Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt.

Trong 5 năm gần đây, khu vực thị xã Hoà Thành có nhiều thay đổi rõ rệt về diện mạo đô thị cũng như hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Khu vực nội thị phát triển với tốc độ nhanh hơn. Nhiều trục đường và tuyến phố kinh doanh dịch vụ thương mại và văn minh đô thị được hình thành, công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng bảo đảm theo đúng quy hoạch.

Trên cơ sở Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, qua phân tích, đánh giá hiện trạng đô thị thị xã Hoà Thành (gồm 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn thành phần) đạt 88,29 điểm theo tiêu chí đô thị loại III (Quy định tối thiểu là 75 điểm, tối đa là 100 điểm). Hiện nay, TX. Hoà Thành đang hoàn chỉnh thủ tục đề nghị cấp thẩm quyền xem xét nâng cấp đô thị, tiến đến thành lập thành phố Hoà Thành, xứng đáng và phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh trong giai đoạn sắp tới.

Nguyễn Tấn Hùng-Đặng Tố Tuấn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục