Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Đồng lúa chín. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Lúa là một trong những cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn so với các cây trồng khác tại Tây Ninh, khoảng 147.808 ha/năm (3 vụ). Theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 130.000 ha, định hướng đến năm 2030 là 120.000 ha. Các giống lúa phổ biến tại Tây Ninh gồm OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 576, IR 50404… với năng suất bình quân khoảng 53,37 tạ/ha/vụ. Tại Tây Ninh, trên 90% diện tích canh tác lúa đã được cơ giới hoá từ khâu làm đất cho đến thu hoạch.

Nâng cao từ ý thức

Theo đánh giá của ngành chức năng, diện tích đất gieo trồng lúa của tỉnh lớn nhưng giá trị thu về chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, tỉnh đã có những định hướng, giải pháp và chính sách nhằm nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh. Trong đó, thực hiện dự án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao, từ năm 2016-2018, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 187 ha mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận, 1.365 ha mô hình sản xuất lúa chất lượng cao…

Tính đến 9 tháng năm 2019, đã thực hiện 30 ha với mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận ở vụ Đông Xuân 2018 - 2019 tại các huyện Hoà Thành, Châu Thành, Trảng Bàng, năng suất đạt 7 tấn/ha; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 272 ha tại các huyện Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Châu Thành và Bến Cầu với năng suất đạt 6,5 tấn/ha…

Việc sản xuất, tiêu thụ lúa có chất lượng hiện nay đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã (HTX), góp phần làm đa dạng hoá sản phẩm lúa gạo như sản phẩm VietGAP, lúa đặc sản, sản phẩm hữu cơ… Như tại HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), năm 2019 là cũng năm đầu tiên HTX liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Nhành- Giám đốc HTX cho biết: “Vụ Mùa vừa qua, HTX ký hợp đồng với Nhà máy xuất khẩu gạo Công Thành ở thành phố Tân An (Long An) sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 119,8 ha, giá thu mua 5.900 đồng/kg. Giá lúa này cao hơn các loại lúa khác nên nông dân rất phấn khởi. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng mới với công ty ở vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích hơn 100 ha với giá 6.400 đồng/kg”.

Còn tại HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà (huyện Trảng Bàng), ông Trần Văn Thậm - Giám đốc HTX đang ấp ủ kế hoạch phát triển sản phẩm lúa hữu cơ. Với tâm huyết nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa, vụ Đông Xuân năm nay, ông Thậm trồng thử nghiệm lúa sạch với một số giống lúa mới (chưa được trồng trên địa bàn) có triển vọng.

Ông Thậm cho biết, thực phẩm nói chung và thị trường lúa gạo phải đi theo hướng an toàn để hoà nhập với thế giới, cung cấp những sản phẩm sạch, chất lượng cho bà con tiêu dùng và nâng cao tính cạnh tranh. Lúa gạo hiện nay được sản xuất rất nhiều, năng suất rất cao nhưng phẩm chất thấp. Trong quá trình canh tác ông chỉ sử dụng phân bón được phép sử dụng trong quy trình sản xuất, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly và sử dụng sản phẩm hữu cơ.

“Tôi muốn phát triển những giống lúa có phẩm chất gạo ngon, giá trị kinh tế cao. Nếu thành công, HTX sẽ liên kết tìm đầu ra, mở rộng diện tích sản xuất, qua đó nâng cao giá trị của hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân”- ông Thậm trải lòng.

Thu hoạch lúa Mùa phục tráng. Ảnh: Trúc Ly

Bên cạnh đó, nông dân đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi những tập quán canh tác truyền thống không còn phù hợp. Như mô hình sản xuất lúa bằng máy cấy của HTX dịch vụ nông nghiệp Gia Bình (Trảng Bàng). Hiện HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Sài Gòn Kim Hồng 10 ha/vụ với giá bao tiêu 6.000 - 6.400 đồng/kg.

Mô hình này hiệu quả hơn so với sạ lan, vì cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khoẻ, độ đồng đều cao, bông to, cây cứng ít đổ ngã; ít sâu bệnh; dễ quản lý cỏ dại; lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm nên giảm tác hại đến môi trường sống, ít hại đến sức khoẻ của người nông dân. Năng suất của lúa cấy trung bình cao hơn so với sạ lan từ 0,5 - 0,7 tấn/ha. Ước tính tổng doanh thu mô hình lúa cấy trên 42 triệu đồng/ha/vụ, chi phí trung bình 1 ha khoảng 18 triệu đồng, mang lại lợi nhuận trên 24 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với ngoài mô hình (ngoài mô hình lợi nhuận 18 triệu đồng/ha/vụ).

Phục tráng thành công giống lúa mùa địa phương

Theo ngành Nông nghiệp, hiện nay, ngân hàng gen thực vật quốc gia tại Trung tâm Tài nguyên thực vật lưu giữ trên 10.000 mẫu giống lúa khác nhau. Nguồn vật liệu quý này đã được đánh giá bước đầu nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác trong sản xuất và chọn tạo giống.

Trong số các nguồn gen đang bảo tồn thì lúa địa phương chiếm tỷ lệ lớn. Nguồn gen địa phương này rất đa dạng và phong phú cả về số lượng và chất lượng, đáng chú ý nhất là các giống lúa cẩm, lúa nếp và lúa tẻ thơm.

Kỹ sư Lâm Văn Tính - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, tại Tây Ninh, nguồn gen lúa mùa được trồng trước đây bao gồm các giống: Bằng Nù, Bằng Tây, Bằng Cốc, Bằng Nâu, Bằng Đỏ, Đốc Sậu, Xương Gà, Nàng Nhuận, Huyết Rồng, Soi Miên, Khao Dawk Mali, C4…

Tuy nhiên, các giống này đã bị mất gốc cách đây 25 năm do năng suất thấp - chỉ đạt 1,5 - 2 tấn/ha và mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Do người sản xuất chạy theo lợi nhuận trước mắt; nên các giống lúa mùa này không còn được canh tác như trước đây, mà được thay thế bằng các giống lúa cao sản.

Trên địa bàn tỉnh chỉ còn canh tác một vài giống như Xương Gà, Huyết Rồng, Khao Dawk Mali, Soi Miên với diện tích nhỏ lẻ quy mô nông hộ. Trong đó, hai giống Huyết Rồng và Khao Dawk Mali được thị trường ưa chuộng hơn các giống khác nhờ vào các đặc tính như mềm cơm với hàm lượng amylose 14-16%, hạt gạo màu đỏ dùng làm thực phẩm chức năng. Giống Khao Dawk Mali có mùi thơm, mềm cơm với hàm lượng amylose 11-13%, đặc biệt là hạt gạo dài (trung bình 7,2mm) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy nhiên, với tập quán tự làm, tự để giống nên hai giống của nông dân này đã bị thoái hoá. Giống Huyết Rồng đang bị lẫn tạp, chất lượng giảm, gạo trở nên cứng cơm (amylose >20%), giống Khao Dawk Mali không còn giữ được mùi thơm như giống gốc ban đầu.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Trường đại học Cần Thơ thực hiện đề tài đánh giá, tuyển chọn nhân các giống lúa mùa đặc sản, lúa chất lượng trên địa bàn tỉnh. Kỹ sư Lâm Văn Tính - cũng là chủ nhiệm đề tài này cho biết, cơ cấu giống lúa tại một số huyện như Trảng Bàng, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu… chủ yếu là các giống cao sản như OM 5451, OM 4900…

Hai giống lúa mùa Huyết Rồng và Khao Dawk Mali đã từng được trồng rất phổ biến, nhưng diện tích còn rất ít, các hộ gia đình tự trồng để ăn, chất lượng ngày càng giảm, khó cạnh tranh. Do đó, cần phải phục tráng lại phẩm chất của hai giống lúa mùa này để làm gạo thương hiệu cho tỉnh nhà. Bên cạnh đó, cần thiết phải tạo ra bộ giống lúa mới năng suất cao, phẩm chất tốt, phù hợp với điều kiện canh tác địa phương, đồng thời tỉnh sẽ có bản quyền về bộ giống mới này, từ đó Phòng Nông nghiệp các huyện chủ động sản xuất ra giống tốt phục vụ người trồng lúa.

“Đến nay, đã phục tráng thành công giống Huyết Rồng và Khao Dawk Mali theo hướng chất lượng, trong đó giống Huyết Rồng mềm cơm, vỏ lụa đỏ; giống Khao Dawk Mali có chiều cao trung bình 138,9cm, mềm cơm, thơm nhẹ, hạt gạo thon dài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hai giống lúa phục tráng đều cho năng suất khá, từ 4 - 6 tấn/ha”- ông Tính chia sẻ thêm.

Chị Cao Thị Sa Phuonh, ngụ ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) là hộ tham gia trồng khảo nghiệm giống lúa Huyết Rồng và Khao Dawk Mali ở vụ Mùa năm 2019 cho biết, trong quá trình sản xuất, hai giống lúa đều sinh trưởng tốt, gạo nấu lên có mùi thơm, mềm cơm. Nông dân trên địa bàn khi tham quan mô hình đều rất thích giống lúa này và mong muốn có thể áp dụng vào sản xuất.

Thăm lúa. Ảnh: Đ.H.T

Giống lúa phục tráng và các giống lúa mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp nhu cầu của người dân về gạo đặc sản nên diện tích giống sẽ được mở rộng. Kỹ sư Tính cho biết, ngoài sản phẩm là giống lúa chất lượng được phục tráng, đề tài còn xây dựng các mô hình canh tác trong sản xuất, từng bước mở rộng diện tích, giới thiệu sản phẩm gạo đặc sản địa phương ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, có sự liên kết với các trung tâm sản xuất lúa giống và các doanh nghiệp thu mua lương thực để sản xuất và cung ứng giống lúa cho bà con nông dân.

Việc phục tráng thành công giống lúa mùa địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản xuất lúa, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Anh Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Công ty Nông sản Việt cho biết: “Gạo lúa mùa hoặc gạo dài ngày đạt về chất lượng nên có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các giống lúa cao sản, ngắn ngày chất lượng không bằng. Lúa mùa một năm trồng một vụ, do đúng mùa, đúng vụ nên chất lượng cao hơn, người tiêu dùng cũng thích hơn”.

Doanh nghiệp này cho hay, qua trao đổi với nông dân, bà con rất thích giống lúa mùa vừa được phục tráng thành công vì cho năng suất tốt, gạo thơm, dẻo, ngon. Thời gian tới, sau khi giống lúa được chuyển giao, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân.

Trúc Ly