Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khedol theo dấu người xưa 

Cập nhật ngày: 05/03/2021 - 09:32

BTNO - Nói đến địa danh Khedol có lẽ không xa lạ gì với người dân Tây Ninh. Bởi nơi đây có một cánh đồng sơn cước trải dài rộng lớn và được điểm xuyết bằng hình ảnh ngôi chùa Khmer tuyệt đẹp, là điểm yêu thích của du khách từ nhiều năm qua. Mặc dù là điểm du lịch mới phát, nhưng Khedol lại có một lịch sử lâu đời, mảnh đất này là nơi trầm tích nhiều giá trị văn hóa của Tây Ninh từ thời khai hoang mở cõi.

Khedol có nguồn gốc từ tiếng Khmer [ខ្យល់ - Khdol ] nghĩa là “gió”, bởi khu vực này bị núi Bà và núi Phụng chắn ngang nên gió lùa vào rất nhiều, nhất là mùa gió bấc. Trước đây Khedol là một trong năm làng thuộc tổng Chơn Bà Đen lập năm 1865, gồm Ampil, Rùng, Thùng, Cà Nhum và Khedol.

Năm 1891 giải thể làng Ampil nhập vào Cà Nhum. Đến năm 1956 các làng này được gọi là xã. Năm 1957 tiếp tục giải thể các xã Rùng, Thùng, Cà Nhum, tất cả đều được nhập vào xã Khedol. Lúc này xã Khedol rất rộng lớn, nhưng đến năm 1958 thì xã Khedol được đổi tên là Tân Hưng, và sau đó không lâu Tân Hưng lại được chia làm ba xã là Tân Hưng, Tân Hội và Tân Long. Tức là phần đất hầu hết của huyện Tân Châu ngày nay.

Trước đây, Khedol với tư cách là địa danh hành chính hẳn hoi, nhưng ngày nay nó chỉ còn là tên của cái ngã ba thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Bên cạnh đó là tên của một cánh đồng rộng lớn phía Bắc của núi Bà Đen. Nơi cánh đồng Khedol này có nhiều cây bịt mọi, thốt nốt, me…với nhiều kiểu dáng trông rất đẹp, đặc biệt nơi đây còn nhiều dấu tích của làng xưa, chùa cũ đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá đổ nát.

Trong những lần điền dã nghiên cứu, chúng tôi phát hiện khu vực này có nhiều di tích nền của đền miếu, trong đó có ba gò đất chính là nền cũ của chùa Khedol xưa. Bên cạnh ba nền chùa cũ là nền của miếu Lục Dầy.

Đầu tiên xin nói về tên ngôi làng ở đây. Làng Khedol xưa kia vốn là một sóc lớn bao gồm nhiều phum Khmer quanh khu vực chân núi. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà ngày nay chỉ còn lại một phum, tên là Phum Sđo. Phum Sđo này xưa sát trong núi, về sau mới dời ra chỗ hiện nay.

Chữ “Sđo”, trong tiếng Khmer có nhiều nghĩa, nhưng chủ yếu được sử dụng trong văn học chứ hiếm khi sử dụng trong đời thường. Và một trong những nghĩa của nó là có liên quan đến con voi. Đomreysđo là con voi hung dữ hoặc lạc đàn.

Một điều thú vị là cái núi gần Phum Sđo chính là núi Phụng, mà núi Phụng xưa kia lại có tên là núi Voi. Mà con voi này đã giúp cho phe nữ chiến thắng phe nam trong truyền thuyết thi đắp núi Bà-Núi Cậu của người Khmer ở đây. Ngày nay nhiều người không hiểu gốc tích của “Sđo” là gì, rồi phát âm trại ra thành “Phum Lo o”, và mọi người còn nói vui rằng “ Phum srey lo o” là “ Phum Gái đẹp” vậy!

Chính vì tên phum là “Sđo” nên nhiều người vẫn quen gọi Chùa Khedol là Chùa Sđo. Nhưng thực tế Chùa Khedol có tên Pali là Botumkirirangsey, nghĩa là “hào quang của đóa hoa sen gần núi”. Chùa được thành lập từ năm 1811, qua nhiều lần di dời, sau cùng bà con mới chọn gò đất sỏi phún do Mỹ đắp, dự định xây dựng cơ sở quân sự nhưng bỏ dở, để xây dựng lại ngôi chùa hiện nay.

Chùa Khedol xưa được xây dựng bằng vật liệu tạm bợ, chủ yếu là kết hợp giữa cây lá và gạch…qua nhiều lần xuống cấp rồi sửa chữa, mãi đến năm 2013 chùa mới được Sư Phát từ Trà Vinh lên trùng tu và xây dựng mới ngôi chánh điện.

Trong khuôn viên chùa, ngôi chánh điện tọa lạc tại vị trí trung tâm, bên trái là ngôi sala, bên phải là tăng xá. Từ cổng Tam Bảo nhìn vào, ngôi chánh điện không khác gì một bông sen rực rỡ vươn lên trời xanh cao thẳm. Những tầng mái chồng đẹp như những cánh sen tươi thắm thấp thoáng dưới tàng của những cây me tây cổ thụ uy nghiêm.

Hai mặt tiền, hậu đều có tôn tượng Đức Thích Ca trong tư thế tọa thiền. Mặt tiền hướng đông nhìn ra phía ruộng, đối diện là tượng Phật nhập niết bàn to lớn trông rất sống động. Mặt hậu có hai cây cột phướng cao được tạo tác rất kỳ công với bốn rắn thần Naga quấn vào nhau đuôi vươn lên trời, đầu ngẩng phùng ra bốn hướng.

Bên trong chánh điện có rất nhiều tượng Phật Thích Ca với nhiều kích cỡ và tư thế khác nhau. Mỗi bức tượng đều toát lên nét mỹ thuật riêng biệt của phong cách Khmer. Các bức bích họa quanh tường, trên trần vẽ về các tích Phật cũng đều rất đẹp. Xung quanh chánh điện, tường, cột đều chạm trổ hoa văn hết sức cầu kỳ, không lẫn vào đâu được.

Có thể nói ngôi chánh điện mới của Chùa Khedol là đẹp và hoành tráng nhất so với sáu chùa Nam tông Khmer khác ở Tây Ninh thời hiện tại. Chùa Khedol vào mỗi dịp lễ tết truyền thống người dân tộc Khmer và các nghi lễ Phật giáo bao giờ cũng vô cùng rực rỡ sắc màu. Ngoài ra, đây còn là nơi dạy chữ Khmer cho con em của đồng bào dân tộc Khmer quanh vùng.

Ngoài ngôi chùa, làng Khedol còn có nhiều miếu Neakta (Ông Tà) đặt rải rác ở các nơi gốc cây ven suối. Đặc biệt trên cánh đồng ven chân núi còn có miếu Lokyeay (Lục Dầy). Có thể nói, ở Tây Ninh, đây là nơi duy nhất còn tục thờ Lục Dầy.

Tục thờ Lục Dầy có nguồn gốc từ câu chuyện như sau: “Ngày xưa, ở làng Peam Chkon có một cái ao lớn tên là Bưng Thom. Giữa ao có một cái cù lao nhỏ, trên đấy người ta cất một cái miếu bằng cây vản, lợp ngói, theo kiểu nhà sàn cao chân. Trong miếu thờ Bà Lục-Dầy (Lok Deay). Thuở sanh tiền, bà Dầy là người giàu có, lòng dạ rộng rãi hơn người. Bà thường trợ giúp người nghèo, nhất là hay cho lối xóm mượn đồ dùng trong nhà. Bà quen miệng nói chơi: Chưng tôi chết rồi, ai mượn tôi cũng cho chớ đừng nói chi tôi còn sống như vậy. Lúc bà mãn phần độ vài tháng thì đạp đồng lên cho dân làng biết rằng bà đã thành thần gọi là Thần Lục-Dầy. Dân làng cảm đức của bà hồi còn sống nên họp nhau cắt miếu giữa Bưng Thom cúng tế bà quanh năm. Vì miễu ở cheo leo giữa mặt nước nên không có người ở giữ, chỉ mỗi ngày ông Từ bơi xuồng ra thắp nhang mà thôi. Cất miễu xong, có người nhớ lời bà mới vái thử xin mượn bà vài chục dĩa vài chục chén. Qua ngày sau, người ấy đến miễu, quả nhiên thấy đủ số chén, dĩa mình hỏi mượn, bèn chở về dùng trong đám tiệc xong rồi đem ra trả. Lời đồn bay ra, dân làng lấy làm kính nể và tin tưởng sự linh hiển của bà vô cùng. Khi có đám tiệc, cưới hỏi, ma chay, làm phước …., thì họ đến vái xin mượn một số chén bát, nhiều ít tùy theo sự cần dùng của mình. Qua ngày sau, họ bơi xuồng ra miễu chở về đúng theo lời thỉnh cầu. Nhưng về sau, có người thấy bà cho mượn toàn đồ tốt đắt tiền, nên tánh tham mua đồ xấu đánh tráo đem trả. Từ đó đến bây giờ không ai mượn được gì nữa”. (Lược dẫn theo Truyện cổ Cao Miên của Lê Hương).

Mấy mươi năm trước đây, người Khmer Khedol không chỉ lập miếu thờ Lục Dầy, mà chính trong gò đất này bà con còn chôn giấu rất nhiều chén đĩa cổ xưa. Mục đích là để nhà nào trong làng khi cần thì đến mượn, hoặc khi tổ chức cúng Bà thì lấy mà dùng. Việc làm cao đẹp ấy rất tiếc là khi chiến tranh xảy ra, bom đạn của kẻ thù đã phá hỏng đi tất cả. Phần còn sót lại thì bị một số người gian tham tìm đến đào bới lấy trộm đem bán, vì đa phần đồ ở đây đều là đồ cổ quý giá.

Ngoài thờ nữ thần Lục Dầy, người Khmer Khedol xưa còn thờ Yeay Khmau ở trong một hang đá phía trên sườn núi Bà. Trong Yeay Khmau còn quen gọi là Bà Đen là Bà Chao hoặc Đôn Mao. Đây là vị thần được du nhập từ Hindu giáo, cụ thể là vấn đề thờ Tara.

Theo Từ điển Tôn giáo của Marguerite Marie Thiollier cho biết “ Tara - Nữ thần trong Phật giáo Mật tông. Ở Tây Tạng, các Tara là những thần linh hai mặt, khi thì kinh khủng và tàn bạo (mang màu vàng hay lam), khi thì dịu dàng và thông cảm (mang màu lục hay trắng). Trong trường hợp sau, họ được coi là những hóa thân của Avalokiteqvara”. 

Trước khi đón nhận Phật giáo, người Khmer đã có một thời gian rất dài chịu ảnh hưởng Hindu giáo. Và về sau này trong Phật giáo Nam tông Khmer cũng còn tích hợp khá nhiều các vị thần của Hindu giáo. Cho nên việc Khmer hóa Tara thành Yeay Khmau cũng là chuyện rất bình thường.

Theo Phật giáo Tây Tạng cũng như quan niệm của người Khmer, Tara còn có nghĩa là "ngôi sao", là ánh sáng soi đường cho những người bị lạc đường, là hiện thân của năng lượng ánh sáng. Thần Tara là người mẹ giàu lòng thương yêu và cũng là người bảo vệ mạnh mẽ, kiên cường, chinh phục những khó khăn. Ánh sáng của thần sáng như ánh chớp khiến cho quỷ thần cũng phải kinh sợ.

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khu vực Núi Bà – Khedol đã diễn ra vô vàn những trận đánh ác liệt. Theo các tài liệu cho biết, khu vực đỉnh và đồng bằng xung quanh dưới chân núi trong đó có Khedol là do quân địch chiếm giữ, còn ở lưng chừng núi là căn cứ của quân ta.

Trong gần suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Liên đội 7 đã chốt giữ ở đây. Rừng trên núi, dưới cánh đồng từng bị địch đổ xăng đặc đốt cháy rụi để hòng tìm và tiêu diệt lực lượng của quân ta. Đêm 6.12.1974, Tiểu đoàn trinh sát 47 được điều động về tiêu diệt căn cứ địch tại núi Bà Đen.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, quân ta bao vây địch cả tháng trời mà vẫn chưa chiếm được đỉnh núi. Pháo địch bắn vào quanh đỉnh núi ngày càng dữ dội. Mãi đến sáng 6.1.1975, núi Bà Đen và các khu vực xung quanh chân núi mới được giải phóng.

Làng Khedol ngày trước rất nhiều khó khăn, nhà cửa trâu bò nheo nhóc lộn xộn, nhưng giờ thì đã khác xa. Ngoài gieo cấy lúa, bà con còn trồng thêm mảng cầu. Cuộc sống đã từng bước vươn lên, kinh tế phát triển, nên cái gì cũng đổi mới khang trang. Ngày nay, làng Khmer Khedol không chỉ là nơi của việc đồng áng hai mùa mưa nắng, mà còn là nơi tìm đến của nhiều du khách, và là nơi khơi dậy niềm cảm hứng của các nghệ sỹ đến đây sáng tác.

Theo dấu người xưa, lần dò tìm hiểu Khedol mới thấy mảnh đất tươi đẹp này có một bề dày văn hóa lịch sử. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay Khedol hầu như đã thay đổi hẳn để vươn tầm cao mới ở tương lai.

Đào Thái Sơn