Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khép lại SEA Games 2017: Bớt lãng phí, còn thiên vị
Thứ sáu: 14:08 ngày 01/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nếu chỉ là sự kiện giải trí, SEA Games 2017 xứng đáng được ca ngợi như kỳ SEA Games 2015 ở Singapore. Nhưng đây là thi đấu thể thao luôn đòi hỏi công bằng, minh bạch...

Nỗi buồn của VĐV pencak silat Thái Lan khi bị xử ép trong trận thua VĐV chủ nhà Malaysia. Ảnh: NAM KHÁNH

SEA Games 2017 đã khép lại với một buổi lễ bế mạc vào đêm 30-8 không thể... chán hơn. Toàn nói, nói và hát với phần lớn là tiếng Malaysia. Điều này khiến cánh truyền thông nước ngoài chúng tôi như bị lạc lõng hoàn toàn.

Nhiều bài học tốt

Thông thường, lễ bế mạc nhàm chán hơn lễ khai mạc là chuyện thường thấy với mọi kỳ đại hội thể thao, kể cả Olympic. Nhưng cách người Malaysia tổ chức buổi lễ bế mạc dường như “chỉ để dân Malaysia xem” có phần bất xứng với hình ảnh thân thiện, rộng mở mà họ thể hiện trước đó trong buổi lễ khai mạc, cũng như suốt hơn hai tuần diễn ra các môn thi đấu. Trưởng đoàn thể thao VN Trần Đức Phấn thừa nhận ở SEA Games 2021, VN cần phải học hỏi nhiều điều từ công tác tổ chức của Malaysia.

Thật sự nếu chưa tính đến những gì ngay trong sân đấu, SEA Games 2017 mang đẳng cấp gần tương tự Asiad 2014 (Hàn Quốc) lẫn SEA Games 2015 (Singapore).

Những sân đấu luôn đầy ắp người và sôi động cuồng nhiệt, kể cả ở một số môn vốn ít người xem như các môn võ biểu diễn, marathon...

Việc ban tổ chức tìm kiếm tài trợ quá tốt (hơn 25 triệu USD) giúp họ giảm giá vé xuống mức cực thấp, người dân chỉ phải bỏ ra khoảng 10 MYR (50.000 đồng) hoặc miễn phí để vào các nhà thi đấu.

Các khán đài, sân đấu càng cuồng nhiệt hơn với hệ thống âm thanh, ánh sáng, công nghệ giải trí phủ khắp. Những trận đấu ở SEA Games vì thế mang dáng dấp của các trận quyền anh hàng đầu thế giới.

Ban tổ chức cho thấy họ cũng rất biết cách làm “nức lòng” du khách nước ngoài. Ở một số môn thi đấu đặc biệt đông khán giả, mỗi khi có VĐV của nước nào bước ra sân, một bản nhạc sôi động của quốc gia ấy được phát lên (của Việt Nam là bài Việt Nam ơi).

Nhưng trên hết là tinh thần tiết kiệm của SEA Games 2017. Chính phủ Malaysia chỉ chi ra 105 triệu USD cho công tác tổ chức của kỳ SEA Games này, bằng một nửa của Singapore 2015 (gần 200 triệu USD) và 1/3 của Myanmar 2013 (295 triệu USD).

Trải qua ba tuần tác nghiệp ở Kuala Lumpur, chúng tôi mục kích rõ vì sao kỳ SEA Games này lại tiết kiệm đến thế. Trừ khu liên hợp thể thao quốc gia Bukit Jalil và sân vận động Shah Alam, những cụm thi đấu chính còn lại là Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur (KLCC) và Trung tâm triển lãm - thương mại quốc tế (MITEC).

Đây đều là những tòa nhà mang mục đích sử dụng ngoài thể thao nhưng đã được trưng dụng cho mùa SEA Games với những dàn khán đài, sân đấu lắp ráp được đưa vào.

Và thế là SEA Games 2017 có 2 nhà thi đấu cực kỳ hoành tráng, tổ chức tổng cộng 13 môn thi đấu quan trọng.

Kết thúc SEA Games, những nhà thi đấu này trở lại với mục đích ban đầu. Và người dân Malaysia không có gì phải phàn nàn về “những con voi trắng” - thuật ngữ chỉ những công trình bị bỏ hoang, lãng phí sau sự kiện.

Những tranh cãi muôn thuở

Đó là những mặt tích cực của SEA Games và đều là ở bên ngoài sân đấu. Trở lại với buổi lễ bế mạc “như chỉ dành cho dân Malaysia xem”, đó dường như là hình ảnh đại diện cho kỳ SEA Games này.

Ban tổ chức tạo nên sự sôi động bên lề cuộc chơi, làm hài lòng những người dân Malaysia, nhưng những đoàn thể thao đến từ các quốc gia khác thì chưa hẳn. Như phần đông các kỳ SEA Games trước đó, Kuala Lumpur vẫn ngập tràn tranh cãi xoay quanh trọng tài, chuyện chủ nhà được thiên vị, đỉnh điểm là trong những ngày thi đấu cuối cùng của các môn võ.

Chung cuộc, Malaysia giành đến 145 HCV, gấp đôi con số của Thái Lan (72 HCV), trong số này có khoảng 40 HCV đến từ những môn thể thao chấm điểm cảm tính. So với Singapore cách đây 2 năm, Kuala Lumpur 2017 có nhiều tranh cãi hơn hẳn.

Nhưng liệu có thể chỉ trích Malaysia trong suốt chiều dài lịch sử của SEA Games? Tại SEA Games 2015, Malaysia giành được 62 HCV. Và sau 2 năm, họ đã tăng được 83 HCV, theo tỉ lệ là tăng 2,33 lần “nhờ” vào việc làm chủ nhà.

Ở SEA Games 2001 trên đất Malaysia, Việt Nam chỉ giành được 33 HCV, nhưng trong kỳ SEA Games liền sau đó được tổ chức trên sân nhà, đoàn Việt Nam tăng lên 158 HCV, với mức nhảy vọt là 122 HCV và gấp những 4,78 lần.

Điều này cho thấy câu chuyện “nước nào tổ chức, nước đó vơ vét huy chương” đã trở thành truyền thống của SEA Games. Nhưng dù sao SEA Games 2017 vẫn để lại những hình ảnh đẹp, đáng học hỏi về kinh tế, du lịch. Tuy nhiên kỳ đại hội thể thao trên nền tảng văn minh, hiện đại và tiết kiệm ấy sẽ trọn vẹn hơn nếu không có cái chất “ao làng” thường thấy của những kỳ SEA Games.

Thủ tướng Thái Lan khen Malaysia

Ngay sau những chỉ trích mạnh mẽ từ phía trưởng đoàn thể thao nước nhà tại SEA Games 2017 Thana Chaiprasit, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã lên tiếng bảo vệ công tác tổ chức của Malaysia.

Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Prayut Chan-o-cha: “Thường thì những quốc gia chủ nhà sẽ giành nhiều HCV vì họ đã có sự tổ chức, chuẩn bị tốt. Chúng tôi cũng thế trong lần Thái Lan đăng cai SEA Games khi chúng tôi có được sự chủ động về các môn thể thao và lần này Malaysia còn làm tốt hơn”.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục