Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khi Bộ trưởng nói “chuyện nước” với dân
Thứ hai: 21:21 ngày 10/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Buổi sáng ngày cuối tuần, Bàn Dân lại có dịp nhàn đàm với mấy ông bạn đọc thân quen. Vừa vào quán cà phê, Bàn Dân chưa kịp chào hỏi đã phải bắt chuyện ngay:

- À, ông nhà báo vô đây tham gia đề tài “Bộ trưởng nói chuyện nước với dân” với tụi tui đi.

- Vụ này mới à nghen! Sao hôm nay mấy ông chọn đề tài “Bộ trưởng nói chuyện nước” nghe “vĩ mô” quá vậy?

- Tụi tui bàn với nhau về chuyện đại biểu Quốc hội chất vấn các vị bộ trưởng có trực tiếp truyền hình mấy hôm trước. Theo đó, sau khi ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trả lời đại biểu chất vấn về việc quản lý khai thác và bảo vệ nguồn nước tại các lưu vực sông, thì ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được chủ toạ phiên chất vấn mời phát biểu giải trình thêm về vấn đề có liên quan đến hạn mặn, thiếu nước ngọt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa qua. Ông “Tư lệnh nghề nông” nói ngắn thôi, mà tụi tui nghe rất tâm đắc nên trao đổi với nhau cho rõ thêm để có cách vận dụng vào thực tế cuộc sống cho phù hợp.

- Mấy ông theo dõi kỹ thời sự trên nghị trường Quốc hội như vậy là hay lắm đó. Mà mấy ông tâm đắc điều gì trong phát biểu của ông Bộ trưởng NN&PTNT vậy?

- Tôi thấm thía nhứt là câu ông nói: “Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên” nghĩa là mọi người vẫn nghĩ “nguồn nước là vô hạn”, mặc dù thực sự nước là tài nguyên hữu hạn. Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Ðã đến lúc chúng ta cần phải “tuyên ngôn” với bà con nông dân cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận vừa ngắn hạn, vừa dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt”, ông Bộ trưởng còn nêu ví dụ về cách khai thác, sử dụng nước rất hiệu quả của tỉnh Trà Vinh, cũng là một tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm giáp biển Ðông, nhưng Trà Vinh vẫn không vấp phải khó khăn, thiếu thốn nước ngọt như các tỉnh khác. Còn ở nước ngoài, ông Bộ trưởng nêu điển hình là nước Israel, dù là nước ở vùng sa mạc nhưng không bị khó khăn về nước là vì họ khai thác, sử dụng nước rất tiết kiệm và hiệu quả…

- Dù sao ông Bộ trưởng cũng nói chuyện ở miền Tây Nam bộ, nơi bị thiếu nước ngọt trong mùa hạn mặn vừa qua. Chớ còn mình ở miền Ðông, tỉnh mình đâu có thiếu nước ngọt, đâu có bị nước biển xâm lấn. Nước sông, nước hồ, nước ngầm ở xứ mình rất dồi dào, đến nỗi vừa rồi ông Chủ tịch tỉnh Bến Tre đề xuất ý kiến đưa nước sông Ðồng Nai, sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng ở miền Ðông xuống chi viện cho miền Tây nữa đó mà. Như vậy ông định nghiên cứu, trao đổi ý kiến ông “Tư lệnh nghề nông” để ứng dụng vào thực tế cuộc sống ở tỉnh mình như thế nào?

- À, ông Bàn Dân định “tháu cáy” tui hay sao mà “hỏi đố” tui như vậy! Mà thôi, ông muốn hỏi “trắc nghiệm” tui thì tui cũng cố gắng “trả bài” cho ông đây. Rõ ràng, tỉnh mình có nguồn nước ngọt thật dồi dào là một thực tế. Nguồn nước ngọt ở tỉnh mình vừa có hai dòng sông và một hồ chứa lớn nhứt nước, vừa có trữ lượng nước ngầm rất lớn mà cơ quan chuyên môn nghiên cứu khoa học của Bộ TN&MT đã có điều tra, khảo sát và kết luận.

Tuy nhiên, tui nghĩ không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan, như lời ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nói “chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên”. Mà chúng ta, dân Tây Ninh mình, càng phải tìm hiểu thật cặn kẽ ý kiến mà ông Bộ trưởng đề xuất để có cách ứng xử với nguồn “tài nguyên hữu hạn” của tỉnh ta sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất có thể…

- Ông nói rõ hơn về “cách ứng xử” ấy được không?

- À, chuyện đó nãy giờ tụi tui có bàn kỹ. Ðể ông này nói Bàn Dân nghe đi, ông này tâm đắc “chuyện ứng xử” ấy lắm!

- Ông này không chịu nói còn “gài độ” tui nữa. Thôi để tui nhắc lại chuyện đã nói lúc Bàn Dân chưa tới. Thế này, tụi tui có nhắc việc ông Bộ trưởng nói là đã đến lúc chúng ta dùng nước phải trả tiền, chứ không phải cứ sử dụng “miễn phí”.

Thật ra, chuyện ông Bộ trưởng nói là chuyện ở đồng bằng sông Cửu Long, chuyện dân sông nước miền Tây sử dụng nước sông. Từ sinh hoạt đến sản xuất, có ai xài nước sông mà phải trả tiền bao giờ. Cứ như vậy đến lúc bị nước biển xâm nhập, nước sông mặn chát phải “chạy đôn chạy đáo” mua từng chai nước ngọt mới biết khổ.

Còn dân Tây Ninh mình, đâu có ai dùng nước sông, và chỉ có những hộ dùng nước giếng mới không phải trả tiền. Còn mọi người dùng nước sạch sinh hoạt từ hệ thống cấp thuỷ, hay nước tưới cho cây trồng, hoặc nước công nghiệp sử dụng trong các xí nghiệp, nhà máy từ hệ thống thuỷ lợi đều phải trả phí đó chứ.

Mà khi đã phải tốn phí ắt mọi người phải có ý thức tiết kiệm. Tuy vậy trong thực tế vẫn có những người kém ý thức, mặc nhiên họ nói “tui trả tiền, tui có quyền sử dụng tuỳ ý” để rồi họ dùng nước xả láng, xả tràn nước bẩn ra môi trường… Thái độ như thế, cách xử sự như thế đâu thể nào chấp nhận được, phải có cách tuyên truyền, giáo dục họ nâng cao ý thức sử dụng tài nguyên nước mới được, phải vậy không, Bàn Dân?

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh