Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi chính quyền và người dân đồng lòng
Thứ hai: 00:29 ngày 22/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cứ đến mùa mưa, người dân địa phương lại nơm nớp lo sợ ảnh hưởng đến việc sản xuất. Do đó, khi nghe chính quyền địa phương phổ biến chủ trương nâng cấp hệ thống kênh tiêu, ông Chí không ngần ngại hiến khoảng 300m2 đất để làm đường bờ kênh.

Một tuyến kênh tiêu được đầu tư, nâng cấp.

Dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng tại huyện Dương Minh Châu hiện nay cơ bản hoàn thành. Người dân tại các địa phương có dự án yên tâm hơn trong sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không còn lo tình trạng nước ngập vào mùa mưa như trước đây. Kênh tiêu được cải tạo xong, đường bờ kênh nâng cấp thành đường sỏi đỏ để phục vụ việc vận chuyển nông sản khiến người dân vô cùng phấn khởi.

Chủ trương hợp lòng dân

Theo Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp tỉnh, hệ thống kênh tiêu trong vùng dự án được xây dựng và hình thành cùng với hệ thống tưới tiêu của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng với thiết kế ban đầu là phục vụ tưới tiêu cho cây lúa.

Gần đây, năm 2010, Nhà nước đầu tư Dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chỉ kiên cố hoá hệ thống kênh tưới, không đầu tư sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh tiêu. Do đó, cứ đến mùa mưa, người dân canh tác nông sản tại các địa phương trong dự án như Phước Minh, Phước Ninh, Lộc Ninh… hầu như phải “đánh cược với ông trời”.

Bởi, nếu mưa sớm, hệ thống kênh tiêu không được cải tạo, nâng cấp, không phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, dẫn đến tình trạng nhiều cánh đồng bị ngập nước khiến mì, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng nặng.

Một cán bộ Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp tỉnh cho biết, những năm gần đây, cây lúa ở một số vùng không còn phù hợp với điều kiện sản xuất và kinh tế, đa số người dân đã chuyển sang trồng mía, mì và cao su.

Do biến đổi khí hậu, kinh tế thị trường biến động, mì, mía, cao su bị dịch bệnh, giá cả không ổn định, đầu ra sản phẩm bấp bênh, nên Nhà nước có chủ trương chuyển hướng nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, UBND tỉnh cùng Sở NN&PTNT thành lập Dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng ở hai xã Phước Ninh và Phước Minh, huyện Dương Minh Châu.

Do hệ thống kênh tiêu trong vùng dự án từ lâu chưa được đầu tư nạo vét, nâng cấp; hoặc chỉ nạo vét hằng năm cho thông thoáng dòng chảy, đa số kênh tiêu đã bị bồi lấp, cây cỏ mọc đầy lòng kênh, một số công trình trên kênh chỉ phù hợp tiêu thoát cho trồng lúa, không phù hợp để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau quả như nhiệm vụ của dự án đề ra.

Phần lớn các tuyến kênh tiêu trước khi triển khai dự án, lòng kênh bị bồi lắng, bờ kênh đất, nhiều đoạn hẹp, lầy lội, nhiều ổ gà, ổ voi, có nhiều rãnh thoát nước cắt ngang bờ, một số vị trí dân đặt cống tạm, còn lại không có cống, việc đi lại khó khăn. Các cống điều tiết không còn phù hợp với nhiệm vụ của tiêu thoát nước...

Ðại diện Ban Quản lý dự án cho biết, để triển khai dự án, việc nạo vét cải tạo các tuyến kênh; nâng cấp đường bờ kênh rộng 4m, mặt đường sỏi đỏ 3m như hiện nay là cả một quá trình khó khăn, đặc biệt là việc vận động người dân di dời các công trình, vật dụng lấn chiếm lưu không bờ kênh để trả mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ngoài ra, để đường bờ kênh hoàn thành đúng theo thiết kế, có những đoạn, Ban Quản lý dự án cùng lãnh đạo huyện Dương Minh Châu, các xã có dự án đi qua vận động người dân hiến đất. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, người dân hiểu được lợi ích của dự án nên đã đồng lòng di dời các công trình, cây cối lấn chiếm lưu không kênh; nhiều hộ dân hiến đất để làm đường bờ kênh mà không đòi đền bù hay bất cứ quyền lợi nào khác.

Cụ thể như thi công nâng cấp hệ thống kênh tiêu T0-3, người dân đã hiến 8.795m2 đất, không yêu cầu bồi thường. Ðến nay, tổng diện tích đất mà người dân hiến để hoàn thành các tuyến đường kênh của dự án là 22.300m2.

Ông Nguyễn Ðình Chí, ngụ ấp Phước Lộc B, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu sử dụng nguồn nước từ kênh tiêu để tưới cho ruộng mì.

Vì lợi ích lâu dài

Theo đại diện Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp tỉnh, để dự án hoàn thành đúng tiến độ là sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác vận động người dân.

Ông Nguyễn Ðình Chí, ngụ ấp Phước Lộc B, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, một trong những hộ dân hiến đất làm đường bờ kênh cho biết, trước đây hệ thống kênh tiêu tại khu vực này bị bồi lắng, cỏ dại mọc dưới lòng kênh; đường bờ kênh nhỏ, hư hỏng, khó khăn trong vận chuyển nông sản.

Cứ đến mùa mưa, người dân địa phương lại nơm nớp lo sợ ảnh hưởng đến việc sản xuất. Do đó, khi nghe chính quyền địa phương phổ biến chủ trương nâng cấp hệ thống kênh tiêu, ông Chí không ngần ngại hiến khoảng 300m2 đất để làm đường bờ kênh.

Theo ông Chí, giờ hệ thống kênh đã hoàn thành, đường bờ kênh trải sỏi đỏ nên người dân địa phương rất phấn khởi, an tâm trồng trọt. Ðiều làm người dân vui hơn là, kênh tiêu hiện nay không chỉ tiêu thoát nước mà còn được thiết kế để trữ nước vào mùa khô, người dân thuận tiện sử dụng nguồn nước tưới cho cây mì.

Ông Chí cho biết, không còn lo cảnh ngập nước, có thể tính đến chuyện chuyển đổi cây trồng như làm vườn cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao. Ðường bờ kênh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, con em đi học.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, người dân xã Lộc Ninh phấn khởi khi nghe chủ trương mở rộng đường bờ kênh, cải tạo hệ thống kênh tiêu, bảo đảm việc thoát nước, ông vận động gia đình hiến hơn 500m2 đất. Ông Tùng cho rằng, diện tích đất mà ông hiến không đáng là bao so với lợi ích lâu dài từ dự án này.

Thiên Tâm

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh