Thể thao   Bóng đá

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi cờ đến tay Sài Gòn FC và HAGL 

Cập nhật ngày: 21/07/2020 - 08:43

Sài Gòn FC ngày càng nghiêm túc khi liên tục dẫn đầu V-League 2020, trong khi HAGL cũng cho thấy tham vọng bằng vụ tuyển mộ Nguyễn Anh Đức.

Vòng 10 đánh dấu V-League 2020 vừa đi nửa chặng đường. Vì vậy, cũng cần nhắc lại, đây là mùa giải đặc biệt, với thể thức thi đấu khiến số phận của các đội bóng có thể thay đổi chỉ sau một vòng đấu.

Điển hình là vị thế mong manh của Hà Nội FC. Nếu không thắng được Hải Phòng tại Hàng Đẫy vừa qua, Hà Nội sẽ rất khó đua tranh vô địch mùa này. Bởi khi đó, khoảng cách của họ với đầu bảng Sài Gòn FC lên đến chín hoặc 10 điểm.

Muốn san lấp, Hà Nội phải toàn thắng 10 trận còn lại, và chờ Sài Gòn FC phải thua ít nhất ba trận. Cả hai giả thuyết đó đều khó xảy ra, nếu dựa trên thành tích hiện tại: Đá 10 trận, Hà Nội chỉ thắng bốn, trong khi Sài Gòn FC vẫn là đội duy nhất còn bất bại.

ĐKVĐ Hà Nội (áo tím) đang gặp quá nhiều vấn đề. Ảnh: Giang Huy.

Chưa bàn đến khả năng thua của Sài Gòn FC, riêng việc thắng trận đối với Hà Nội FC thực sự nan giải trong nhịp độ thi đấu hiện nay. Trước Hải Phòng, họ chỉ giữ 55% thời gian bóng, tung được tám cú sút, và chỉ ba đi đúng hướng, còn bàn ấn định thắng lợi lại có phần may mắn.

Khi Hà Nội chơi tấn công mà chỉ ghi được 14 bàn, có lẽ HLV Chu Đình Nghiêm cần điều chỉnh hệ thống chiến thuật, cần sự thực dụng nhiều hơn để thích ứng với tình thế hiện tại, thay vì hy vọng ở sự tái hồi của hậu vệ Đoàn Văn Hậu. Nếu Hà Nội tiếp tục quên thói quen chiến thắng, tự họ đã dâng chức vô địch cho đối phương.

Một ứng cử viên khác, là TP HCM, cũng đang sa vào sự bế tắc về mặt chiến thuật. Biểu đồ thi đấu của đội bóng này quá thiếu ổn định. Đang thắng hai trận liên tiếp, kế đó lại là mạch hai trận khác không thắng.

Trong năm chiến thắng từ đầu giải đến nay, TP HCM đã bốn trận làm tung mành lưới đối phương đến ba lần, còn khi để thua, thì đấy là những tỷ số sít sao, chỉ cách biệt một bàn.

Con số này nói lên rằng TP HCM là không biết cách kiểm soát nhịp độ thi đấu. Họ "đá theo bài", khi nào đúng phom thì thắng, không thì sẽ chuyển sang trạng thái lúng túng, mà không biết cách chuyển đổi lối chơi. HLV Chung Hae-seong dường như chưa phải là người giỏi về chỉ đạo trên sân.

Nguyễn Xuân Nam - chân sút luôn ghi bàn khi vào thay người trong ba trận đầu mùa - là một ví dụ. Đến nay, khi anh bị đối thủ đọc vị, ông Chung chưa thể giúp Xuân Nam ghi bàn trở lại. Hàng công TP HCM hiện tại trông đợi vào Công Phượng, coi như là phơi bày luôn điểm mạnh nhất của họ ra trước mặt các đối thủ.

Một chi tiết khó hiểu, Chủ tịch của TP HCM hiện là ông Nguyễn Hữu Thắng, một người rất rành đường đi nước bước tại V-League và được đánh giá là biết "cương nhu đúng lúc".

Hồi ông Thắng giúp SLNA vô địch mùa 2011, đội của ông không mạnh, nhưng lại biết trận nào cần thắng, trận nào chỉ cần một điểm là đủ. Ông chắc chắn biết với thể thức thi đấu hiện nay, mọi trận đấu đều là trận chung kết. Tính ổn định quan trọng hơn khả năng thăng hoa.

Nhưng vừa mới thắng Than Quảng Ninh 3-0 trên sân khách, vài ngày sau TP HCM lại thua Hà Tĩnh 0-1. Điều này cũng giống năm phút cuối điên rồ ở trận hòa Đà Nẵng tại vòng 7, khi TP HCM ghi bàn gỡ hòa rồi vượt lên nhưng lại để đối phương san bằng nhanh chóng. Đá như vậy, sẽ khó để TP HCM tranh vô địch.

Hà Nội hay TP HCM có điều chỉnh từ bây giờ có khi cũng đã là quá muộn. Sài Gòn FC đang thực sự nghiêm túc với tham vọng vô địch. Hai trận đấu gần nhất trên sân nhà, đội bóng của Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành ghi đến sáu bàn và giữ sạch lưới.

Trước Thanh Hóa, họ chỉ giữ bóng 43%, tung ra năm cú sút đúng hướng để ghi ba bàn. Đến trận đấu tại vòng 10 với Nam Định, hiệu suất còn tốt hơn: giữ bóng 38%, sút đúng hướng bốn lần và vẫn ghi ba bàn.

Từ chỗ chỉ chú tâm vào phòng ngự, ghi 10 bàn trong tám trận đầu tiên để bảo đảm một suất ở tốp 8 giai đoạn hai, bây giờ Sài Gòn FC chuyển sang trạng thái hoàn toàn khác. Khi các đối thủ kịp nhận ra, có lẽ họ đã đi quá xa tầm bám đuổi.

Như vậy, trong khi Hà Nội FC vẫn đang phải dốc sức góp nhặt từng điểm số để kiếm chỗ trong tốp 8, thì Sài Gòn FC lại chơi bóng với sự thoải mái cao nhất.

Sài Gòn FC đang đứng trước vận hội lớn để phất cờ ở V-League. Ảnh: Đức Đồng.

Nếu nhìn ở góc độ thời điểm và cơ hội, sự có mặt của HAGL trong nhóm đầu rất đáng chú ý. Bầu Đức đưa Anh Đức về Pleiku và vẫn tuyên bố là "đá cho vui", nhưng màn trình diễn trước Quảng Nam cho thấy điều ngược lại.

Đây là trận bất bại thứ tư liên tiếp của HAGL và trong bốn trận đó, họ chỉ để thủng lưới hai bàn. Quan trọng hơn, HAGL vẫn là đội đá sân nhà tốt nhất giải: bốn thắng và một hòa, kiếm đến 13 trong 16 điểm đang có.

Dù chịu 12 bàn thua, ở Pleiku, đội bóng của bầu Đức chỉ hai lần để đối phương ghi bàn. Năm 2004, ở lần vô địch V-League gần nhất, HAGL lên ngôi nhờ thành tích trên sân nhà với 11 trận toàn thắng, trong khi toàn giải, họ chỉ thắng 14 trận. Thống kê ấy hẳn rất đáng để bầu Đức "lưu tâm".

Hiện nay, năng lực của HAGL kém xa thời Dream Team 16 năm trước, nhưng hoàn cảnh đến từ sự đặc biệt của thể thức thi đấu có thể sẽ là yếu tố bù đắp cho đội bóng trẻ này.

Bầu Đức từng buông xuôi V-League bởi ông tin rằng "1 ông mập không thể đánh 5 ông ốm", nhưng hiện nay, liên minh năm đội sẽ chẳng còn ở giai đoạn hai. Ngược lại, biết đâu HAGL lại nhận được những hỗ trợ nào đó từ các đội bóng có mối quan hệ tốt, chẳng hạn như TP HCM.

Đường vẫn còn dài. Nhưng cái cách mà Sài Gòn FC điều chỉnh trạng thái thi đấu cho thấy các đội bóng hoàn toàn có thể tạo ra bất ngờ nếu biết tận dụng tốt thời cơ, thích ứng nhanh với thể thức. HAGL cũng vậy.

Những chiến thắng của họ trước các đối thủ trực tiếp như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thanh Hóa cho thấy năng lực của HAGL không thuộc nhóm xuống hạng, mà ở nhóm đầu. Vấn đề là bầu Đức có "máu" vô địch không, để đội bóng biết cách phất cờ khi đến tay.

Nguồn VNE