Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thời công nghệ 4.0, thông tin Cơ quan chức năng “cấm taxi Uber và Grab” lan truyền nhanh hơn điện. Giới tài xế còn ngỡ ngàng chưa hiểu rõ mình bị cấm như thế nào, thì giới tiêu dùng, cụ thể là “các thượng đế” từng sử dụng Grab hay Uber đã xì xào to nhỏ về việc tại sao lại cấm, tại sao cái gì không quản lý được thì cấm...
Thực tế thì “lệnh” của Bộ GTVT chỉ là cấm hai hãng taxi công nghệ mới này tạm thời ngừng triển khai dịch vụ đi chung xe (GrabShare) và (UberPool) để giải quyết những xung đột lợi ích giữa các hãng taxi truyền thống và công nghệ mới. Cơ sở của lệnh cấm là Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có nêu rõ: “Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký một hợp đồng vận chuyển khách”. Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, quy định được đưa ra nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách, phòng ngừa những hệ lụy phát sinh trong quá trình thuê xe.
Như vậy, “đảm bảo quyền lợi cho khách hàng” là điểm nhấn rõ ràng trong Thông tư này. Theo đó, một hợp đồng giữa người mua và người bán, ở đây là giữa khách đi xe và nhà xe khi cùng đồng ý thực hiện hành vi mua bán dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán. Khi ấy, cả nhà xe và khách hàng đều thấy quyền lợi của mình được bảo đảm, hoàn toàn không thấy có điểm nào khách hàng bị thua thiệt, hay bị nhà xe ép quyền lợi.
Uber và Grab là mô hình kinh doanh theo công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử. Loại hình dịch vụ vận tải này là một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và giảm chi phí cho xã hội. Xe hợp đồng điện tử đã tạo một môi trường cạnh tranh để taxi truyền thống cũng phải hạ giá thành và tăng chất lượng dịch vụ. Không chỉ vậy, loại hình này chính là một giải pháp về giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn. Nhờ có sự tiện dụng và chi phí thấp của xe hợp đồng điện tử, nhiều người trong thành phố đã không còn muốn sở hữu xe riêng, hoặc nếu có thì cũng rất ít khi sử dụng trong nội thành.
Quay lại với Thông tư số 63, Thông tư này cùng với Grab và Uber đều xuất hiện vào năm 2014. Bởi vậy, có thể những vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn công nghệ và kinh doanh phát triển quá mạnh mẽ, nhà quản lý chưa kịp thời điều chỉnh, chưa có quy định cụ thể để quản lý những hình thức kinh doanh mới. Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc trong công chúng hiện nay là tại sao nhà quản lý lại đang bảo vệ “sự tụt lùi” trong xã hội.
Trong “cuộc chiến” xung đột lợi ích giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ mới, các “thượng đế” cho rằng không nên buộc xe hợp đồng điện tử phải chịu điều tiết hay quản lý theo kiểu taxi truyền thống.
Lắng nghe ý kiến của các bên, có thể thấy rõ, xung đột này đang rất cần một hành lang pháp lý đủ mạnh. Việc luật định để điều chỉnh những loại hình kinh doanh mới trong cuộc Cách mạng 4.0 cần phải nhanh hơn nữa, tránh để những mâu thuẫn trong kinh doanh biến tướng thành mâu thuẫn khác, làm cho môi trường kinh doanh bị xấu đi. Nhiều người thậm chí đã nói rằng, taxi thì đã cập nhật công nghệ 4.0, còn “công nghệ quản lý” mới ở thời 0.4.
Thiết nghĩ, nếu đã thừa nhận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chúng ta không thể tiếp tục quản lý xã hội với kiểu tư duy từ những năm trước.
Nguồn baoquocte