BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi đại biểu nhân dân “giải oan” cho người dân

Cập nhật ngày: 21/09/2010 - 06:42

Nhân dịp lễ Quốc khánh vừa qua có một phạm nhân mang án tù chung thân được trở về nhà ở số 45/C2 khu phố 3, phường 1, thị xã Tây Ninh, lúc đã gần nửa đêm ngày 1.9.2010. Thế nhưng, không phải phạm nhân đó được đặc xá, giảm án, mà là được “miễn chấp hành hình phạt còn lại” theo Văn bản số 248/TA-HS ngày 5.8.2010 của TAND tối cao do Chánh án Trương Hoà Bình ký. Khi được “miễn chấp hành hình phạt” thì phạm nhân ấy đã thụ hình tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được 9 năm về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”…

Theo các bản án sơ thẩm, phúc thẩm từ 9 năm trước, vào khoảng tháng 9 năm 2001 một người hành nghề chạy xe ôm tên là Nguyễn Tiến Tùng (SN 1970, ngụ tại 45/C2 khu phố 3, phường 1, thị xã Tây Ninh) có hai lần được một nhân viên ngành xuất nhập khẩu thuê vận chuyển loại thuốc Valium và Tranxênê từ khu vực biên giới xã Tân Lập, huyện Tân Biên về nhà riêng. Và Tùng được trả công tới 1,1 triệu đồng. Thế là Tùng nảy sinh ý định mua loại thuốc ấy từ Campuchia đem về bán kiếm lời. Hai tháng sau, Tùng làm quen và nhờ một người Campuchia tên là Khươn mua giúp Tùng 11.300 viên thuốc, gồm 8.000 viên Valium và 3.300 viên Tranxênê, tổng trọng lượng 1,776 kg, với giá 709 USD. Nguyễn Tiến Tùng vận chuyển số thuốc tân dược trên về thành phố HCM, trên đường đi thì bị Công an thành phố HCM bắt quả tang.

Cha con ông Nguyễn Sắc Tố (phải) và Nguyễn Tiến Tùng đoàn tụ trong đêm 1.9.2010.

Theo kết quả giám định số 75, ngày 31.12.2001 của Tổ chức giám định khoa học hình sự - Công an TP.HCM kết luận 8.000 viên thuốc Valium có trọng lượng 1,392 kg có chứa thành phần Diazepam; 3.000 viên nhộng hiệu Tranxênê loại 5mg, trọng lượng 346,2 gam có chứa thành phần Clorazepate và 300 viên nhộng hiệu Tranxênê loại 10 mg, trọng lượng 38,292 gam có chứa thành phần Clorazepate. Bản án sơ thẩm số 828/HSST ngày 28.6.2002 của TAND thành phố HCM xử phạt Nguyễn Tiến Tùng án tù chung thân, thời gian chấp hành án tính từ ngày 28.11.2001. Và bản án phúc thẩm số 1588/HSPT ngày 19.8.2002 của TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Tùng.

Hay tin con mình bị phạt tù chung thân vì tội mua bán trái phép chất ma tuý, cha của Nguyễn Tiến Tùng là ông Nguyễn Sắc Tố (SN 1936, ngụ phường 1, TXTN) hết sức đau khổ. Ông Tố là người tham gia cách mạng, rời quân đội về nghỉ hưu khi tuổi đã cao. Ông luôn bị dày vò vì nghĩ rằng mình không giúp được gì cho con, để con ít học (Tùng mới học hết lớp 6) không có việc làm, phải chạy xe ôm kiếm sống, rồi vì ham lời mà mang trọng tội. Thế nhưng, ông Tố cảm thấy “có cái gì đó…” oan ức cho con mình. Ông thắc mắc, tại sao Công an thành phố giám định số “thuốc tân dược” do Tùng mua bán có chứa thành phần Diazepam và Clorazepate, mà không xác định hàm lượng chất ma tuý chứa trong số thuốc là bao nhiêu, mà khi toà xử cứ lấy hơn 1,7 kg (kể cả vỏ thuốc, lọ thuốc) rồi quy tội con ông thật nặng tới mức án tù chung thân (?!). Rồi sau đó, sang năm 2003, 2004 ông Tố đọc báo biết được các vụ án như vụ đôi vợ chồng Đào Xuân Thanh, nguyên là Chủ tịch UBND phường ở Hà Nội, mua bán tới 46 ký thuốc có chứa chất ma tuý Bromazepam đã được cơ quan pháp luật tính hàm lượng, quy ra trọng lượng, để rồi khi toà xét xử họ đã được khoan hồng, không phải vào tù; hay vụ Lê Thị Trọng và Lưu Vũ Dạ Ly vi phạm tới 5 lần mua bán trái phép 22 kg thuốc tân dược có chứa Diazepam, cơ quan pháp luật quy theo hàm lượng ra 763,11 gam Diazepam và bị xử phạt mỗi bị cáo 12 năm tù… Vậy là cha Tùng bắt đầu mang đơn đi “kêu oan” cho con.

Biên bản bàn giao quyết định miễn chấp hành hình phạt tù, trả tự do cho Nguyễn Tiến Tùng.

Qua hơn 6 năm gõ hết tất cả các cửa từ địa phương tới Trung ương, đến năm 2007 ông Nguyễn Sắc Tố mới nộp “đơn cầu cứu” thứ 303 (mỗi lá đơn xin cứu xét cho con, ông Tố đều đánh số thứ tự) cho ĐBQH Nguyễn Đình Xuân thuộc Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh. Nghiên cứu đơn của ông Tố, đối chiếu với các quy định pháp luật, ông Xuân nhận thấy việc TAND các cấp kết án chung thân đối với Nguyễn Tiến Tùng là “có dấu hiệu oan sai”. Cụ thể là ông Xuân đã viện dẫn mục 1.4 Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24.12.2007 của liên Bộ Công an, Tư pháp, TAND Tối cao và VKSND Tối cao: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là ma tuý hoặc tiền chất ma tuý… thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng trọng lượng chất ma tuý, tiền chất” để “lên tiếng” với các cơ quan pháp luật của Trung ương, và cho rằng đối với vụ Nguyễn Tiến Tùng các cơ quan tố tụng chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến việc phạt Tùng tù chung thân là chưa đủ cơ sở.

Sau nhiều lần đại biểu Xuân kiến nghị, chất vấn các vị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, các vị Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội… cuối cùng ngày 13.8.2010, Chánh án TAND Tối cao Trương Hoà Bình đã có Văn bản số 258/TA-HS trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Đình Xuân về vụ Nguyễn Tiến Tùng. Theo đó Chánh án Trương Hoà Bình cho biết đã chỉ đạo Toà hình sự TAND tối cao rút hồ sơ nghiên cứu thận trọng thêm một lần nữa, sau đó chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Tối cao nghiên cứu để cùng trao đổi, thống nhất đường lối giải quyết. Sau đó TAND Tối cao đã hướng dẫn về thủ tục và yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai (nơi phạm nhân Nguyễn Tiến Tùng đang chấp hành hình phạt) chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành ngay các thủ tục “miễn chấp hành hình phạt” cho Nguyễn Tiến Tùng.

Đoạn kết của câu chuyện pháp luật này, như đã nêu ở phần trên, Nguyễn Tiến Tùng được trả tự do, trở về gia đình vào đêm 1.9.2010 (vì đến chiều hôm đó Tùng mới được ra khỏi trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai). Tuy nhiên, sau khi “giải oan” được cho Nguyễn Tiến Tùng, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân vẫn cảm thấy còn ray rứt, vì ông nghĩ rằng có lẽ đây không phải là trường hợp duy nhất mà các cơ quan tố tụng đã làm chưa hết trách nhiệm của mình, cũng như không áp dụng nguyên tắc “có lợi cho bị can”, chưa kể là đã không “áp dụng pháp luật một cách thống nhất”.

DUY NHÃ