BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi động vật hoang dã công khai ra chợ

Cập nhật ngày: 10/12/2009 - 02:51

Những chú chim chờ... chết!

Theo bà Út, một phụ nữ hơn 50 tuổi ở “chợ chuột cầu Nổi” cho biết, “chợ” này đã tồn tại trên 10 năm nay. Bà Út là một trong những người đầu tiên “mở chợ” và gắn bó cho đến giờ. “Chợ chuột cầu Nổi” là tên mà nhiều người gán cho gần mười sạp bán cá, ốc, chuột ở đầu cầu Hiệp Hoà, thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành.

Lúc đầu, chợ chuột hình thành ở sát ngay đầu phía Tây cầu Nổi, với vài thau cá, ốc và vài rọ chuột của những ngư dân bắt dưới rạch Tây Ninh, hoặc của mấy hộ gia đình nghèo bắt ốc, bắt chuột ở các cánh đồng ven sông. Do “hàng hoá” ở đây hầu như không phải qua khâu trung gian nên giá khá rẻ so với mua ở các chợ tập trung. Đồng thời, người mua không phải sợ cân thiếu mà cá lại tươi roi rói nên chợ ngày một đắt khách.

Đáp ứng nhu cầu của người mua, chợ chuột ngày càng đông người bán, hàng hoá ngày càng phong phú hơn, từ những loại rẻ như ốc bươu vàng cho đến những loại “đặc sản” đắt tiền như rắn, chim, cò. Mấy năm về trước, cạnh chợ chuột xuất hiện một quán nhậu chuyên các món chuột. Quán luôn đắt khách và trở nên nổi tiếng, là “điểm hẹn” của nhiều thực khách sành ăn ở nhiều địa phương trong tỉnh. Cách đây vài tháng, người viết bài này được đồng nghiệp đãi món đặc sản chuột nướng ở vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, so với món chuột đồng nướng ở quán cạnh chợ chuột cầu Nổi, thì chuột nướng ở xứ Tháp Mười chưa chắc đã ngon hơn!

Trước cảnh mua bán mất trật tự an toàn giao thông tại đầu cầu, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã cương quyết di dời chợ chuột ra xa cầu khoảng hơn 100m. Khoảng 2 năm nay, các tiểu thương ở chợ này dường như “có ý thức” hơn sau nhiều lần bị lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính do buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Họ không còn bày hàng hoá lấn đường mà thuê đất, cất sạp lùi vào phía trong. Nếu như lúc mới hình thành, chợ chủ yếu hoạt động vào buổi chiều thì thời gian gần đây, chợ chuột hoạt động suốt từ sáng sớm cho đến tối. Hiện tại, chợ có khoảng 10 sạp hàng, bán ốc, cua, cá, chuột và cả gà, vịt…

Điều đáng nói là hiện nay đang vào “mùa chuột” nhưng ở một số sạp hàng, người ta chủ yếu bán… rắn và chim, cò. Ở đây hầu như có đủ loại rắn, từ loại “bình dân” có giá dưới 100.000 đồng/kg như rắn nước cho đến những loại “hiếm”, đắt tiền như rắn ri voi, rắn long

Cả chục kg rắn các loại ở một sạp gần cầu Nổi.

thừa… có giá trên 300.000 đồng/kg. “Rắn bắt ngoài đồng cả đấy, không phải rắn nuôi đâu”, một chị phụ nữ chỉ cho tôi xem cặp rắn ri voi nặng gần 3 kg “chào hàng”. Ở các sạp trong chợ, hầu như sạp nào cũng có từ vài kg tới trên cả chục kg rắn các loại. Có thể nói rằng, không ở chợ nào trong tỉnh có bán “đầy đủ” các loại rắn như ở đây.

Ngoài rắn, ở chợ chuột cũng có khá nhiều chim các loại như mỏ nhác, cúm núm, chim lá rụng, cả đến những con cò ốm nhách. Hầu hết chim, cò các loại được bán ở đây còn sống, bị dính bẫy, lưới của những người đi săn chuyên nghiệp. “Chúng tôi mua lại của những người đi bẫy vào ban đêm. Sáng sớm họ đã mang ra đây bán”, một người đàn ông trung niên bán chim cho biết. Quan sát các sạp chim, cò ở chợ chuột cầu Nổi, người viết bài này nhận thấy khách hỏi mua chim, cò hầu hết là… “quý ông”. Nhìn bề ngoài, họ có vẻ khá giả. Điều này cũng dễ hiểu bởi người lao động có thu nhập thấp không ai dám bỏ ra mấy trăm ngàn đồng để mua mấy  con rắn, con chim làm mồi nhậu.

Mong rằng ngành chức năng có biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác không mua bán động vật hoang dã như chim, rắn để bảo vệ môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái.

DU THI