Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khi đường cũng là… chợ
Thứ sáu: 06:19 ngày 16/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ngày càng trở nên phức tạp. Mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, nhưng điệp khúc “dẹp rồi lại dẹp” vẫn lặp đi lặp lại, trở thành câu chuyện dài khó có hồi kết.

Ðội liên ngành xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở khu vực xung quanh chợ Thành phố Tây Ninh.

1.001 kiểu lấn chiếm

Những năm qua, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường là vấn đề đau đầu đối với các cơ quan, ban, ngành Thành phố Tây Ninh. Ðiển hình như chợ Thành phố, nhiều năm nay, hầu hết tuyến đường xung quanh ngôi chợ này đã trở thành nơi buôn bán của tiểu thương. Hai bên lề của đường Võ Văn Truyện, đoạn gần chợ, hầu như không còn chỗ trống dành cho người đi bộ. Thay vào đó là hàng trăm sạp rau, thịt, cá, quần áo, quán ăn, uống. Ðặc biệt là đường Phạm Văn Chiêu, không những hai bên lề, mà lòng đường cũng trở thành chợ.

Ngoài việc bày bán ngổn ngang, những tiểu thương ở đây còn dựng nhiều cây dù lớn để che nắng, che mưa. Những vật dụng này góp phần đáng kể vào việc lấn chiếm lòng, lề đường. Nhiều khách hàng không cần gửi xe gắn máy vào bãi mà điều khiển phương tiện chạy luồn lách vào những tuyến đường này để chọn lựa hàng hoá. Khi gặp được mặt hàng cần tìm, họ dừng xe lại mặc cả, mua bán ngay giữa lòng đường, “góp phần” không nhỏ trong việc gây ùn tắc giao thông.

Trên một số tuyến đường xung quanh chợ xã, phường cũng dễ bắt gặp cảnh lấn chiếm lòng, lề đường. Ðiển hình như chợ phường 3. Con hẻm số 42, nối liền từ đường Cách Mạng Tháng Tám với đường Nguyễn Thái Học cũng gần như là… chợ. Con hẻm này gần chợ nên hằng ngày có nhiều người bán hàng rong đặt sạp cố định bày sản phẩm trên lề đường và dưới lòng đường.

Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra ở chợ phường IV, chợ Ninh Thạnh. Vào những lúc cao điểm, hai bên lề đường Võ Thị Sáu, gần chợ phường IV, kẻ bán, người mua đông nghẹt. Còn chợ Ninh Thạnh tập trung đông nhất vào buổi chiều, khoảng 15-16 giờ, tiểu thương bày hàng hoá ra sát lề đường Ðiện Biên Phủ. Nhiều người chạy xe gắn máy thoải mái tấp xe vào lề, dựng xe dưới đường hoặc ngồi trên xe mua hàng.

Ở các huyện, việc lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán cũng ngày càng trở nên phổ biến. Ðơn cử như ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Khi ở xã nông thôn này có khu công nghiệp, cũng là lúc xuất hiện tình trạng buôn bán hàng hoá theo kiểu chạy theo nhu cầu của công nhân. Trên đường 784, khi công nhân vào ca và tan ca, sáng người buôn bán dạo bày trên lề đường bên này, chiều kéo sang lề bên kia để “họp chợ”.

Nói là bán dạo, nhưng nhiều tiểu thương đầu tư khá lớn. Họ dùng xe tải, xe lôi máy chở quần áo, giày dép, nón mũ, các loại trái cây bày ra lề đường hoặc chất trên xe để bán. Ngoài người bán dạo, còn có hơn 50 hộ dân trên địa bàn xã Chà Là buôn bán cố định có lấn chiếm lòng, lề đường. Những hộ kinh doanh cố định này thường bán những mặt hàng như gạo, dầu ăn, rau củ, thịt, cá, ăn uống, giải khát…v.v…

Buổi sáng, khi đến khu công nghiệp, những công nhân sử dụng xe gắn máy thường dừng xe dưới lòng đường để mua thức ăn như cơm hộp, bánh mì, bánh bao, xôi mặn... Buổi chiều, khi hết giờ lao động, trên đường trở về nhà, họ cũng thường tấp xe vào lề đường mua thức ăn về làm bữa cơm cho gia đình hoặc mua sắm vật dụng cá nhân.

Cần có biện pháp mạnh

Trước tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường nêu trên, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, nhưng xem ra đến nay chưa lập lại trật tự được.

Chiều 13.11.2018, chúng tôi theo chân Ðội Thanh tra giao thông TP. Tây Ninh xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở khu vực xung quanh chợ Thành phố. Khi Ðội Thanh tra giao thông đến nhắc nhở, tiểu thương buôn bán trên đường Võ Văn Truyện, Phạm Văn Chiêu nhanh chóng tém dẹp hàng hoá vào bên trong vạch vàng trên lề đường, trả lại lối đi cho khách bộ hành; nhưng chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Sáng hôm sau, họ lại bày bán hàng hoá lấn chiếm lòng, lề đường như cũ.

Ông Lê Văn Linh- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Tây Ninh chia sẻ, năm 2018, Thành phố đề ra mục tiêu quyết tâm xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị với chủ đề “Trả lại lòng, lề đường, vỉa hè thông thoáng”.

Các cơ quan chức năng đã tổ chức cho hơn 1,7 ngàn hộ dân ký cam kết không buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và tự tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, bạt mủ sai quy định tại các khu vực đông dân cư, khu vực công cộng và trên các tuyến đường chính với tinh thần tuyên truyền, nhắc nhở là chính.

Sau thời gian tuyên truyền, đoàn liên ngành Thành phố ra quân chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường trên 15 tuyến đường chính, xử lý hơn 1,1 ngàn trường hợp vi phạm; lập biên bản tạm giữ 333 vật dụng; tháo dỡ 322 mái che, bảng hiệu, bục tam cấp lấn chiếm vỉa hè và 24 nhà tạm vi phạm hành lang an toàn giao thông; xử phạt 37 trường hợp với số tiền 5,5 triệu đồng và lập biên bản bàn giao cho chủ tịch UBND phường, xã 15 tuyến đường nói trên để chính quyền địa phương quản lý, chống tái lấn chiếm.

Sau đợt ra quân xử lý, bộ mặt đường phố ngăn nắp, trật tự hơn, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Một bộ phận không nhỏ người dân sinh sống bằng các nghề sửa xe, bán nước giải khát, thức ăn nhanh, hàng hoá gia dụng vẫn tìm mọi cách để bám trụ trên vỉa hè.

Ông Linh cho biết thêm, để lập lại trật tự kỷ cương, trật tự vỉa hè, lòng đường và văn minh đô thị, trước mắt, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kết hợp với việc ra quân xử lý, chỉ đạo chủ tịch UBND phường, xã bố trí tổ công tác túc trực ở những điểm thường xuyên vi phạm, kiên quyết tạm giữ các vật dụng vi phạm.

“Về lâu dài, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát lại tình hình buôn bán của người dân và hoạt động giao thông trên địa bàn, Thành phố sẽ xin chủ trương của UBND tỉnh, quy hoạch những khu vực, tuyến đường được phép kinh doanh có thu phí, để dễ sắp xếp, quản lý”- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Tây Ninh dự kiến.

Ðể xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, mỗi địa phương có hướng xử lý. Ở phường Ninh Thạnh, với những hộ dân cố tình vi phạm nhiều lần, ông Trần Thanh Danh- Chủ tịch UBND phường Ninh Thạnh cho biết: “Sau giai đoạn tuyên truyền, phường sẽ phối hợp với đội liên ngành xử lý mạnh những hộ dân cố tình vi phạm nhiều lần. Ngày 1.12.2018 sắp tới, phường sẽ áp dụng biện pháp khác là cho tổ xử lý quay phim, chụp hình lại những trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, sau đó mời họ lên trụ sở UBND phường để xử lý nguội”.

Ông Phạm Phi Hùng- Chủ tịch UBND xã Chà Là cũng tỏ ra kiên quyết đối với những hộ dân cố tình lấn chiếm lòng, lề đường. Ông Hùng cho biết, thời gian qua, UBND xã xây dựng kế hoạch “dọn dẹp” 51 trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều hộ dân từ địa phương khác đến địa bàn buôn bán dạo cho công nhân ở khu công nghiệp.

UBND xã đã báo cho UBND huyện Dương Minh Châu chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông đến hỗ trợ với chính quyền địa phương giải quyết tình trạng này. “Nếu sắp tới vẫn chưa giải quyết dứt điểm, xã sẽ đề xuất lên cấp trên có biện pháp chế tài hoặc xử lý bằng cách thu giữ hàng hoá của những hộ dân buôn bán lấn chiếm”- ông Hùng nhấn mạnh.

Ðường Phạm Văn Chiêu được người dân buôn bán như giữa chợ  .

Ông Lê Văn Ðúng- Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho hay, trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1632/QÐ-UBND ngày 18.7.2017 về việc ban hành kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bước 1, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chấn chỉnh trước ngày 14.7.2017, và triển khai thực hiện từ ngày 15.8.2017 đến tháng 12.2017. Sau khi hoàn thành bước 1, sẽ tổ chức họp sơ kết, rút kinh nghiệm và dự kiến tổ chức thực hiện bước 2 vào năm 2018.

Ông Ðúng chia sẻ: “Sắp tới, Sở Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện bước 2 của kế hoạch. Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, các đơn vị quản lý đường bộ, các huyện, thành phố trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về Luật Giao thông đường bộ.

Sau khi hỗ trợ địa phương về công tác giải toả lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, lực lượng chức năng thuộc Sở phải có biên bản bàn giao cho chính quyền địa phương để tiếp tục quản lý, tránh tình trạng tái lấn chiếm xảy ra”.

Ðại Dương

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh