Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ở nước ta, mùa Vu Lan luôn gắn liền với việc báo hiếu. Có người còn gọi Vu Lan là “lễ hội của trái tim”, là “ngày về nguồn”, ngày “kết nối yêu thương”… Đó là ngày mà trái tim của mọi phật tử đều hướng về cha mẹ.

Lại đến mùa Vu Lan, đối với Phật giáo, đặc biệt là ở Việt Nam và Trung Quốc thì đó là một đại lễ.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo đại thừa “Phật thuyết kinh Vu Lan bồn” do nhà sư Trúc Pháp Hộ dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán vào đời Tây Tấn (khoảng năm 750-801 sau Công nguyên) sau đó được truyền sang Việt Nam nhưng chưa rõ vào thời gian nào.
Vu Lan phiên âm từ chữ Sancrist: ULLAMBANA, dịch theo chữ Hán là “giải đảo huyền” có nghĩa “cứu nạn treo ngược”. Giải là gỡ ra để khỏi phải vướng mắc, giải thoát khỏi sự mê lầm. Đảo huyền là treo ngược. Cụm từ “giải đảo huyền” có nghĩa là cởi trói cho những ai bị treo ngược, giải thoát cho họ thoát khỏi mọi đau thương, tai nạn. Sâu xa hơn là giải thoát cho con người thoát khỏi sự trói buộc của tham, sân, si.
![]() |
Tại một buổi lễ Vu Lan. |
Ở nước ta, mùa Vu Lan luôn gắn liền với việc báo hiếu. Có người còn gọi Vu Lan là “lễ hội của trái tim”, là “ngày về nguồn”, ngày “kết nối yêu thương”… Đó là ngày mà trái tim của mọi phật tử đều hướng về cha mẹ- hai đấng sinh thành cao cả mà suốt đời mình, không ai có thể đền đáp cho hết công lao sinh dưỡng cao như Thái sơn và mênh mông như nước trong nguồn chảy ra. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của cuốn đoản văn “Bông hồng cài áo” (NXB Lá Bối 1964), một tác phẩm viết về mẹ nổi tiếng suốt hàng chục năm qua. Ngày tôi còn đi học, quyển sách ấy không chỉ thường xuyên nằm trong cặp sách mà còn dùng nó làm quà bỏ vào bao thư, tặng cho bạn bè vào mùa Vu Lan. Dựa vào tác phẩm, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã viết ca khúc “Bông hồng cài áo” một ca khúc cảm động cũng rất nổi tiếng. Cho đến bây giờ, thế hệ học sinh chúng tôi ngày ấy, nay đều ngoài tuổi sáu mươi cả nhưng vẫn không thể không xúc động khi đọc lại. Trong mỗi từ, mỗi lời ca đều có bóng hình thân yêu của người mẹ hiền, ngọt ngào đằm thắm như chuối ba hương, như đường mía lau, như xôi nếp một… càng xúc động đối với những ai không còn mẹ trên đời!
Trong dịp Vu Lan, bên cạnh những nghi thức mang tính chất tôn giáo có một tập quán rất đẹp, đó là việc cài hoa hồng lên áo. Những người còn mẹ sẽ được cài một đoá hồng đỏ thắm, những người mất mẹ đành ngậm ngùi nhận đoá hoa hồng trắng!
Năm 1962, sau khi thiền sư viết xong tác phẩm “Bông hồng cài áo” ông gửi cho đoàn sinh viên phật tử Sài Gòn. Anh chị em sinh viên đọc xong trong tâm trạng thật xúc động, họ đã cùng chép tay ra 300 bản làm quà tặng cho bạn bè thuộc các phân khoa Trường đại học Sài Gòn, mỗi bản có kèm theo một bông hồng đỏ hoặc trắng. Cuốn sách “Bông hồng cài áo” đã thúc đẩy anh chị em sinh viên phật tử tổ chức lễ cài bông hồng lên áo. Cho đến nay, lễ này đã trở thành một tập quán tốt đẹp.
Nhân mùa Vu Lan năm nay, tôi mua được tập “Tự truyện Trần Văn Khê- Những câu chuyện từ trái tim”. Đây là tác phẩm mà giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê vừa xuất bản khi ông tròn 90 tuổi. Những tâm sự của ông về người mẹ thương yêu đã qua đời khi ông vừa 9 tuổi đã khơi dậy thật nhiều xúc cảm trong tôi.
“Hay hồi tôi ở Honolulu (Mỹ) khi có một bàn tay phụ nữ tấn tấm ra giường và đắp mền cho mình, tôi mơ hồ cảm nhận đó là bàn tay yêu thương của mẹ…”. Hay “… Nhắm mắt lại, tôi cảm nhận được như mẹ đang ở bên mình, đang chăm sóc mình…”. Một cụ già đã chín mươi tuổi vẫn còn tưởng nhớ thiết tha đến mẹ mình như thế!
Mùa Vu Lan về, thật hạnh phúc cho ai đó khi được cài lên áo mình một đoá hồng đỏ thắm...
PHAN KỶ SỬU