Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông nhà báo nè, có vụ này tôi nghe nói toàn xã hội đều phải chống nó, mà sao nó cứ xuất hiện tràn lan gieo rắc bao nhiêu mầm hoạ làm khổ cho biết bao người vậy ông?
-Ý ông muốn nói đến cái vụ tin giả, tin xấu độc đầy dẫy trên internet, trên mạng xã hội đó hả! Vậy là ông đang đề cập đến vấn nạn làm đau đầu, nhức óc mọi người trong xã hội ngày nay đó! Chuyện này không đơn giản đâu ông …
-Thì bởi, tôi mới hỏi ông! Tôi nghĩ ông làm nghề báo, tức là nghề đưa thông tin về những sự việc có thật, mới xảy ra trong cuộc sống cho nhiều người biết. Như vậy đối với những kẻ làm cái chuyện đưa tin giả tràn lan trên mạng, làm cho xã hội bấn loạn cả lên, chắc mấy ông cũng bức xúc lắm chứ?!
-Hẳn là vậy rồi, không riêng gì những người làm công tác truyền thông, mà toàn xã hội ai lại không bức xúc trước vấn nạn tin giả, tin xấu độc gây tác hại khủng khiếp đối với nền kinh tế - xã hội, cho nên toàn xã hội, từ công dân, tổ chức, đến cơ quan Nhà nước đều không chấp nhận việc lợi dụng truyền thông xã hội để trục lợi bất chính, xâm hại người khác hay mưu cầu lợi ích phi pháp. Vì thế Nhà nước ta, cũng như mọi quốc gia trên thế giới đều có đầy đủ hành lang pháp lý để chế tài nó.
-Nhưng, tôi thấy… dường như chế tài của pháp luật chưa đủ sức răn đe đối với thực trạng tin giả, tin xấu độc hả ông?!
-Chuyện đó thì… ông nghe ở đâu, thấy cái gì mà nhận định như vậy?
-Tôi đâu dám nhận định theo chủ quan, cảm tính mà tôi nghe thấy qua một buổi toạ đàm do Cổng thông tin điện tử của Chính phủ mới tổ chức hôm 15.11 này đó!
-À, vậy ra ông cũng có theo dõi cuộc toạ đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả” đó hả!
-Đúng rồi, tôi thấy các vị khách mời tham dự cuộc toạ đàm ấy rất tiêu biểu, từ cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức đại diện giới công thương, luật sư, nhà báo, chuyên gia truyền thông hàng đầu cả nước. Các vị ấy đều cho rằng việc chống tin giả, tin xấu độc là cực kỳ khó khăn, thuộc loại “thiên nan, vạn nan” đó ông!
-Bàn Dân cũng có theo dõi cuộc toạ đàm ấy, nên cũng có phần đồng cảm với ông. Tuy rằng chủ đề toạ đàm là “Bảo vệ doanh nghiệp…” nhưng chúng ta có thể hiểu rộng ra là bảo vệ toàn xã hội “trước tin giả”. Và qua đó chúng ta cũng không thể đòi hỏi các vị khách mời ấy phải đưa ra cho được giải pháp hết sức thuyết phục, hết sức khả thi… ngay tại chỗ được. Bởi lẽ thực trạng tin giả bây giờ là vấn đề toàn cầu rồi, vì thực tế không gian mạng vẫn không phải là “không gian ảo”. Trong khi đó mỗi người dùng mạng lại quen nghĩ nó là “chuyện đâu đâu trên cõi vô hình” nên cứ tự nhiên thoải mái “phịa” ra tin giả, chia sẻ tin giả, tin xấu độc mà không thấy có trách nhiệm gì cả. Tới chừng bị cơ quan chức năng “sờ gáy” mới “ngộ ra” rằng mình không thể vô can một cách vô trách nhiệm trước tác hại của việc “vô tình” phát tán tin giả.
Trước thực trạng ấy, sau khi phân tích đủ mọi khía cạnh, các vị tham gia toạ đàm thống nhất với nhau rằng, đã đến lúc mọi người không nên nghĩ rằng phòng, chống tin giả, tin xấu độc chỉ là việc của ngành Thông tin - Ttruyền thông và ngành Công an, mà phải là việc của mọi người, mọi ngành trong toàn xã hội. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải xác định trách nhiệm của mình là “cơ quan quản lý ngành nào trong đời sống xã hội thì phải quản lý ngành ấy trên không gian mạng”.
-Đúng rồi, tôi nhớ có vị tham gia toạ đàm có nêu ví dụ về trường hợp một video clip quảng cáo “ba đời nhà tôi đều là thần y có phương thuốc gia truyền điều trị dứt điểm các bệnh nan y ung thư, tiểu đường”, sau khi có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các ngành chức năng thì không còn “chen ngang” làm phiền mọi người đang theo dõi các kênh mạng giải trí, kể cả các kênh thời sự, chính trị… Tôi nghĩ trong vụ đó phải có sự tham gia tích cực của ngành Y tế mới xác định được nội dung quảng cáo ấy là đúng hay sai.
-Ông phán đoán như vậy là “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng Bàn Dân cũng xin hỏi thêm là ông có nhớ một minh chứng thuyết phục nhất cho việc phối hợp hành động hiệu quả trong việc phòng, chống tin giả, tin xấu độc giữa các ngành quản lý Nhà nước không?
-Sao lại không, đó là chuyện xử lý tin giả trong thời gian cả nước ta tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19 hai năm trước. Lúc đó tôi nhớ rất rõ là mỗi khi xuất hiện trên mạng một tin thất thiệt nào đó thì chỉ trong vài giờ sau, hay chậm nhất là một ngày đã thấy trên báo chí, truyền thông chính thống đưa tin cơ quan chức năng “làm việc” với kẻ tung tin không có căn cứ và lập tức ngăn chặn không để cho tin xấu kịp lan truyền.
-Vậy là ông nắm khá chi tiết cuộc toạ đàm về phòng, chống tin giả. Ông có ý kiến gì đối với kết luận rút ra từ hoạt động ấy không?
-Chuyện đó thì tôi trả lời ngay với ông rằng tôi rất tâm đắc với nội dung kết luận toạ đàm. Đó là, muốn làm lành mạnh thông tin trên truyền thông xã hội, phòng chống tin giả, tin xấu độc, căn cơ nhất là phải thực hiện đúng, tăng cường hiệu lực hiệu quả Nhà nước pháp quyền và xây dựng cho được tinh thần thượng tôn pháp luật trong tất cả mọi công dân của đất nước ta.
Bàn Dân