Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi “kỹ sư vườn” làm nông nghiệp sạch
Thứ tư: 20:40 ngày 16/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều năm qua, ông Huỳnh Biển Chiêu (sinh năm 1957, ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) được nhiều người biết đến với biệt danh “kỹ sư vườn”.

Nhiều năm qua, ông Huỳnh Biển Chiêu (sinh năm 1957, ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) được nhiều người biết đến với biệt danh “kỹ sư vườn”.

Ông đã có hơn 17 năm thăng trầm, gắn bó với vườn mãng cầu 17 ha tập trung ở xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) và xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh).

Ông đã tự mày mò, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp và tự tìm đầu ra cho trái mãng cầu “sạch” đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng ông Chiêu vẫn chưa hài lòng với những kết quả đạt được.

Gần hai năm nay, ông lại tiếp tục mạnh dạn đầu tư làm nông nghiệp sạch cho vườn mãng cầu của mình bằng cách ứng dụng canh tác theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn OMRI của Hoa Kỳ.

Nhờ được Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tư vấn và giới thiệu, từ năm 2017, ông Chiêu bắt đầu sử dụng thử nghiệm phân bón dạng nước đậm đặc LALITHA 21 của Công ty Acela Biotek, với mục đích bổ sung các vi sinh vật hữu ích trong đất nông nghiệp.

Lần đầu tiên, ông thử nghiệm tưới nhỏ giọt loại phân bón này trên 40 cây mãng cầu để đối chứng với các cây còn lại trong diện tích vườn mãng cầu của mình.

Kết quả, những cây mãng cầu sử dụng phân bón sinh học có lượng trái đậu tăng hơn 20%, số trái đạt loại 1 chiếm 70% - 80%. Sau khi thu hoạch, cây được cắt tỉa cành, nhanh đâm chồi, không có dấu hiệu mất sức và rút ngắn thời gian dưỡng cây để làm trái cho vụ kế tiếp.

Phấn khởi trước kết quả thử nghiệm lần đầu, ông Chiêu tiếp tục ứng dụng thử nghiệm thêm một ha và đến nay, ông quyết định sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ này cho toàn bộ diện tích 17 ha mãng cầu của mình.

Nói về tính hiệu quả của việc sử dụng phân bón hữu cơ, kỹ sư Lê Ðức Sơn- cán bộ của Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, người nông dân sẽ giảm hơn 50% phân hoá học trong chu kỳ đầu và sau đó sẽ không còn sử dụng phân hoá học, góp phần bảo đảm môi trường sản xuất nông nghiệp sinh thái, giúp chuyển hoá những phụ phẩm nông nghiệp thành dinh dưỡng cho cây trồng, tiết kiệm nguồn nước tưới, đặc biệt là tăng năng suất cùng với sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định.

Ðược biết, phân bón hữu cơ ông Chiêu đang sử dụng có giá thành tương đối cao, nhưng bù lại, khi áp dụng sẽ đem lại lợi ích cho nông dân rất nhiều. Một trong những lý do quan trọng là sản phẩm mãng cầu do ông canh tác đã có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài nước.

Cụ thể, mỗi tháng, ông Chiêu xuất khẩu sang Canada và Dubai trung bình 4 tấn mãng cầu loại 1 với giá 72.000 đồng/kg. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong nước đều đặt mua mãng cầu từ vườn của ông với giá dao động từ 25.000 đồng- 40.000 đồng/kg.

Ông Chiêu cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ thành lập hợp tác xã và kết nối các hộ nông dân trồng mãng cầu xung quanh áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ.

TRÚC HUỲNH

 

data:
Giá Phanh cẩu Hitachi 3 tấn, 5 tấn
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục