Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi nào bỏ chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên? 

Cập nhật ngày: 06/07/2020 - 00:33

BTN - Ngày 1.7, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực. So với trước đây, có một số thay đổi liên quan đến chính sách, chế độ làm việc của giáo viên, học phí đối với học sinh phổ thông.

Học sinh lớp 9 dự kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh năm 2020.

Nâng chuẩn giáo viên

Trước tiên, theo quy định, từ ngày 1.7, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm; giáo viên phổ thông, từ tiểu học đến trung học phổ thông phải có bằng đại học.

Cụ thể, Điều 72 của Luật nêu: “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định”.

Như vậy, theo quy định trên, những giáo viên nào chưa có bằng cấp theo chuẩn mới bắt buộc phải đi học (nếu muốn tiếp tục công tác). Tuy nhiên, việc đi học nâng cao văn bằng hiện nay cũng còn nhiều rối rắm. Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nói sẽ có kế hoạch để giáo viên học miễn phí hoặc học theo từng chuyên đề.

Sau đó, Bộ lại quy định, nếu không đi học, giáo viên vẫn có thể đứng lớp dạy bình thường với điều kiện có nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, kết quả xếp hạng thi đua… Hiện nay, tại Tây Ninh đang có một số lớp học theo hình thức vừa làm vừa học dành cho giáo viên (phải đóng học phí).

Không còn phụ cấp thâm niên

Theo quy định của luật mới, chế độ phụ cấp thâm niên, sau một thời gian áp dụng đã chính thức bị bãi bỏ. Điều 76 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Còn theo Điều 77 (chính sách đối với nhà giáo) thì: “Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hoà nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Căn cứ Điều 76, 77 của Luật, chế độ phụ cấp thâm niên không còn được quy định trong luật. Vì quy định như trên nên sau khi luật có hiệu lực, giáo viên, cán bộ quản lý băn khoăn, kể từ ngày 1.7.2020 trở đi, giáo viên có được hưởng phụ cấp thâm niên nữa hay không? Khi được hỏi về điều này, nhiều cán bộ làm công tác quản lý trong ngành Giáo dục tỉnh nhà đều chung một câu trả lời: “Chưa có thông tin, chưa nghe nói gì, vẫn đang chờ hướng dẫn”.

Cũng có ý kiến “dự đoán”, có thể giáo viên vẫn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đến hết năm 2020. Vì tuy luật đã bắt đầu có hiệu lực nhưng còn chờ văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) hướng dẫn chi tiết. Điều 77 có ghi “Chính phủ quy định chi tiết điều này”.

Như vậy, hiện tại, chưa thể biết khi nào dừng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Theo quy định, chế độ phụ cấp thâm niên được áp dụng đối với giáo viên có thời gian công tác đủ 5 năm trở lên. Từ năm thứ 5 trở đi, mỗi năm giáo viên được hưởng 1% phụ cấp thâm niên trên tổng số lương thực lãnh. Giáo viên càng công tác lâu năm thì phụ cấp thâm niên càng cao. Khi chính thức bị cắt, nhiều giáo viên sẽ bị giảm thu nhập.

Hình thức làm việc

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2020), chỉ còn 3 nhóm đối tượng được hưởng chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, gồm: những người được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; cán bộ công chức chuyển sang viên chức khi đáp ứng điều kiện theo quy định; người được tuyển dụng làm viên chức tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ba nhóm đối tượng vừa nêu, những trường hợp còn lại đều phải ký hợp đồng làm việc có thời hạn. Sau 12 tháng đến đủ 60 tháng, cơ quan sử dụng lao động sẽ xem xét xem có tiếp tục ký hợp đồng làm việc với viên chức đó nữa hay không.

Mặc dù luật đã quy định nhưng hiện vẫn còn ý kiến cho rằng, quy định về nhóm đối tượng làm việc lâu dài (không xác định thời hạn) có thể vẫn còn những điều cần được xem xét. Đó là quy định “người được tuyển dụng làm viên chức tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn”.

Vấn đề là, nếu sau một thời gian công tác, vì một lý do nào đó, những viên chức (bao gồm cả giáo viên) chuyển công tác về vùng nội địa, tức ra khỏi vùng khó khăn thì có tiếp tục được hưởng “biên chế suốt đời” hay không?

Miễn học phí cho nhiều cấp học

Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, học sinh tiểu học, trung học cơ sở và cả một số nhóm học sinh mầm non (tuỳ theo địa bàn sinh sống) không phải đóng học phí. Các điểm 3, 4, 5 trong Điều 99 quy định: “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.

Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 điều này và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”.

Trên thực tế, điểm mới về chế độ học phí trong Luật Giáo dục năm 2019 chỉ dành cho học sinh trung học cơ sở. Riêng học sinh cấp tiểu học, chế độ thu học phí đối với học sinh đã bãi bỏ từ rất lâu. Cũng như chế độ phụ cấp thâm niên, năm học 2020-2021, học sinh cấp trung học có đóng học phí nữa hay không, vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Việt Đông