Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi nào Tây Ninh có Trường cao đẳng Y tế ? 

Cập nhật ngày: 10/08/2022 - 01:00

BTN - Từ năm 2021, các cơ sở y tế công lập chính thức không nhận nhân viên y tế trình độ trung cấp. Vì vậy, học viên trung cấp y khi ra trường khó tìm việc. Trong khi đó, các bệnh viện hệ thống công lập lại đang thiếu y sĩ, điều dưỡng.

Học viên Trường trung cấp Y tế Tây Ninh tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh.

Đào tạo nhiều, nhân lực vẫn thiếu

Trường trung cấp Y tế Tây Ninh được thành lập năm 1978, là trường đào tạo nhóm ngành sức khoẻ bậc trung cấp duy nhất toàn tỉnh ở 5 nhóm ngành: y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, hộ sinh, kỹ thuật viên (KTV) xét nghiệm. Bình quân mỗi năm có khoảng 40/192 trung cấp điều dưỡng ra trường, ngoài ra còn có trung cấp dược và y tế khác tốt nghiệp vào làm tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Từ năm 2021, liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 26/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y viên chức y tế hạng IV kể từ ngày 1.1.2021. Theo đó, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức hạng IV Y tế phải tốt nghiệp cao đẳng, vì vậy, việc dừng tuyển viên chức y tế trung cấp đã ảnh hưởng đến quy mô đào tạo hệ trung cấp tại trường do số hồ sơ đăng ký nhập học các nhóm ngành giảm dần thời gian gần đây.

Thống kê năm 2022, toàn ngành Y tế Tây Ninh có 881 điều dưỡng, hộ sinh, trong đó số lượng điều dưỡng viên có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tỉ lệ 38,48%. Bác sĩ Trần Thung- Hiệu trưởng Trường trung cấp Y tế cho biết, xét nhu cầu điều dưỡng tính theo vạn dân theo chỉ tiêu Nghị quyết số 20/NQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, phấn đấu đến năm 2025 có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.

Theo nhu cầu, nhà trường phải đào tạo 339 điều dưỡng, thiếu 2.809 người so với chỉ tiêu Nghị quyết và xã hội. “Bình quân mỗi năm, trường chỉ có hơn 40 học viên ra trường, không đáp ứng nhu cầu xã hội và các bệnh viện cũng như vị trí việc làm. Vì vậy, việc thiếu nhân lực ngành điều dưỡng trở thành một trong những vấn đề ảnh hưởng đến công tác chăm sóc bệnh nhân toàn diện hiện nay”- bác sĩ Trần Thung nói.

“Chúng ta đã đi một bước tương đối dài, dự kiến cuối năm 2022 Tây Ninh sẽ có Trường cao đẳng Y tế. Khi đó sẽ giải quyết được một phần nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt. Đây là một trong những giải pháp chúng tôi cố gắng sớm hoàn thành để thực hiện tuyển sinh trong thời gian sắp tới”.

Bác sĩ CKII Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế

Khi nào có Trường cao đẳng Y tế?

Hiện tại, số lượng nhân viên y tế trung cấp còn khá nhiều (gần 1.000 người) trong các đơn vị sự nghiệp công lập và hệ thống y tế tư nhân, số nhân viên y tế có trình độ cao đẳng trở lên, đặc biệt là các chuyên ngành như hộ sinh, điều dưỡng và dược lại quá thấp.

Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển dụng hằng năm của ngành Y tế công lập lại cao hơn số hồ sơ thi tuyển vào các chức danh, vị trí việc làm. Có những vị trí rất thiếu nhưng lại không có nguồn dự tuyển, một phần đòi hỏi trình độ từ cao đẳng trở lên, mặt khác nguồn đầu vào có nhưng thu nhập tại các bệnh viện tư nhân thu hút hơn, không thuộc tiêu chuẩn viên chức y tế hạng IV.

Theo bác sĩ Trần Thung, viên chức y tế thi tuyển vào hệ thống công lập là điều hợp lý, vì có những vị trí việc làm nếu không thi thì không biết xét vào đâu. Hiện tại, trường chỉ đào tạo hệ trung cấp nên học viên ra trường không thể nộp hồ sơ thi tuyển vào hệ thống bệnh viện công lập mà đi thẳng vào các bệnh viện tư nhân, ở đó học viên có thể vừa làm vừa học, nâng dần kiến thức, chuyên môn.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực điều dưỡng, đồng thời đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhiều cơ sở y tế công lập chấp nhận tuyển dụng trước, người được tuyển tự học nâng cao trình độ rồi thi tuyển sau.

“Có những bệnh viện tư nhân đầu tư cả nguồn lực tiền bạc cho các em học nâng lên. Thứ nhất là thu hút được bệnh nhân, thứ hai cạnh tranh về chất lượng. Thật sự nguồn nhân lực của trường không bị lãng phí, vì đào tạo đã có chuẩn nghề nghịệp rồi.

Học viên ra trường đều có việc làm. Điều băn khoăn của chúng tôi đó là trường chưa được nâng cấp lên hệ cao đẳng, trong khi yêu cầu của Thông tư 26, viên chức hạng IV phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Các bệnh viện tư thì không có yêu cầu này. Trường đang liên kết với các trường cao đẳng khác đào tạo để các em đáp ứng được điều kiện hành nghề. Đây là một trong các giải pháp tạm thời khi Tây Ninh chưa có trường cao đẳng y tế”- bác sĩ Thung trăn trở.

Bác sĩ Trần Thung cho biết thêm, cách đây 2 năm, một số học viên đã ra trường, mặc dù được tuyển dụng vào các bệnh viện tư, thu nhập khá, nhưng vẫn xung phong vào bệnh viện, cơ sở y tế theo hình thức hợp đồng, chờ nâng cao trình độ theo đúng chức danh nghề nghiệp hạng IV để được tuyển dụng chính thức. Trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19, học viên của trường tích cực tham gia chống dịch. Hiện tại, những học viên năm I, năm II vẫn tiếp tục công tác tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 cho người dân, vừa trang bị thêm kiến thức, vừa học hỏi kinh nghiệm những người đi trước.

Sẽ nâng cấp thành trường cao đẳng vào cuối năm 2022

Tây Ninh là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong khu vực chưa có trường cao đẳng y tế. Bác sĩ CKII Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, theo lộ trình của Bộ Y tế, kể từ năm 2021, viên chức y tế phải có trình độ từ cao đẳng trở lên, không được tuyển dụng trình độ trung cấp. Hiện tại, Tây Ninh chỉ có một Trường trung cấp y tế, là nơi đào tạo nguồn lực cho y tế toàn tỉnh, nên đòi hỏi khách quan phải nâng cấp lên hệ cao đẳng.

Theo bác sĩ Sơn, đề án thành lập Trường cao đẳng Y tế trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Y tế Tây Ninh đã được thực hiện qua nhiều bước, lấy ý kiến sở ban, ngành liên quan (lần 2) và đang hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Khi được thành lập, trường sẽ trở thành cơ sở đào tạo và phối hợp đào tạo y khoa cho cán bộ y tế tỉnh nhà, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. “Dự kiến quy trình sẽ hoàn thành cuối năm 2022 để thành lập Trường cao đẳng Y tế. Khi đó, chúng ta sẽ giải quyết được một phần nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Tuy nhiên chỉ hiệu quả sau vài năm nữa”- bác sĩ Sơn nói.

Khó khăn khác, khi nguồn tuyển hệ cao đẳng ít, đầu vào sẽ rất khó khăn, trong khi chỉ số hấp dẫn của ngành Y tế giai đoạn này không cao, thu nhập của nhân viên y tế- đặc biệt là ở tuyến cơ sở, y học dự phòng thấp hơn so với mặt bằng chung. Thống kê của Sở Y tế, qua 2 năm chống dịch, tình trạng thiếu nhân lực càng trầm trọng hơn. Ngành đang thiếu 845 biên chế, tương đương 24,6% trong tổng số biên chế được giao là 3.439 người, trung bình một người phải làm việc cho 4 người. Trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo cũng thiếu, ảnh hưởng rất lớn trong quản lý, điều hành.

Học viên Trường trung cấp Y tế tham gia hiến máu tình nguyện.

Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Sơn cho biết, suốt 2 năm chống dịch Covid-19 căng thẳng, ngành Y tế không thể tuyển dụng đầu vào mà chỉ có đầu ra do nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ hưu, nghỉ việc. Mặt khác, khi ngành có chỉ tiêu tuyển dụng thì số người tuyển vào chỉ được hơn 50% nhu cầu.

“Việc thành lập Trường cao đẳng Y tế cũng là một trong những giải pháp chúng tôi cố gắng sớm hoàn thành để giải quyết số lượng lớn đã đào tạo hệ trung cấp nhưng không thể xin được việc làm”- bác sĩ Sơn cho biết thêm, thời gian học của y tế lúc nào cũng lâu hơn, tuy nhiên khởi đầu cũng tương tự và không có thêm một số phụ cấp khác. Ví dụ như ngành Giáo dục có phụ cấp thâm niên... còn Y tế chỉ có phụ cấp ưu đãi nghề.

“Chúng ta biết rằng, trong dịch bệnh, ngoài nguy cơ nhiễm bệnh có thể dẫn đến tử vong, người làm công tác y tế còn đối mặt với nguy cơ trách nhiệm do điều kiện khách quan, chủ quan. Thực tế, thời gian qua người vào ngành y tế ngày càng giảm, đây là thực trạng không riêng của Tây Ninh mà là của toàn quốc, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực và cho tới thời điểm này vẫn chưa thể giải quyết”- bác sĩ Sơn nhận định.

Tâm Giang


 
Liên kết hữu ích