BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển nhân lực:

Khi nào xây dựng được trường dạy nghề có thương hiệu? 

Cập nhật ngày: 11/05/2018 - 06:13

BTN - Trừ Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, còn lại các cơ sở dạy nghề, trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại một cách chật vật. Về các con số được nêu ra trong bản quy hoạch và con số thực hiện được không phải lúc nào cũng có thể kiểm chứng vì điều này luôn biến động, chưa kể các con số nhiều khi còn mâu thuẫn với nhau.

Học viên trường nghề trong giờ thực hành tại xưởng.

Tháng 9.2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 35/2011/QÐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Tây Ninh 2011-2020. Mục tiêu của quy hoạch là nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là yêu cầu phát triển các ngành mũi nhọn mà Tây Ninh có lợi thế so sánh với các địa phương khác. Quy hoạch phát triển nhân lực còn nhằm hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có sự chuyển giao hợp tác về nhân lực giữa các địa phương để qua đó điều tiết cung cầu thị trường lao động

CHIỀU CAO TRUNG BÌNH: 1,65M

Quyết định của UBND tỉnh đã đưa ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đào tạo và nâng cao thể lực người lao động. Cụ thể, trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, quyết định của UBDN tỉnh nêu: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lên trung học phổ thông và trung cấp nghề đến năm 2015 và những năm tiếp theo đạt từ 90% trở lên.

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, theo kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề so với tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế - xã hội đạt 70% vào năm 2020. Trong lĩnh vực đào tạo đại học, đến năm 2020 đạt mức bình quân tối thiểu 500 sinh viên trên một vạn dân, con số này ở giáo dục nghề nghiệp là 600 sinh viên.

Ở hệ đào tạo trung cấp, phấn đấu năm 2020 đạt 1.200 học sinh trên một vạn dân. Ðối với vấn đề sức khoẻ, thể lực, quy hoạch phát triển nhân lực đề ra, đến năm 2020 tuổi thọ bình quân của người dân Tây Ninh đạt 75 tuổi và chiều cao trung bình trong độ tuổi thanh niên là 1,65m vào năm 2020. Ðến năm 2020, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng phải dưới 10%.

Về phương hướng phát triển nhân lực theo bậc đào tạo, theo bản quy hoạch, năm 2020, tổng số người trong độ tuổi lao động của tỉnh qua đào tạo vào khoảng 560.000 người. Trong số đó, nguồn nhân lực được đào tạo qua hệ thống dạy nghề chiếm khoảng 400.000 người, còn lại là các nhóm đối tượng khác.

Ðối với cơ cấu bậc đào tạo, đến năm 2020, số nhân lực được đào tạo nghề dưới 3 tháng là khoảng 50.000 người. Ðối với đào tạo theo hệ chính quy, nhân lực được đào tạo theo bậc cao đẳng khoảng 85.000 người, bậc đại học và sau đại học khoảng 60.000 người. Bản quy hoạch được thông qua năm 2011 cũng đã nêu chi tiết phát triển nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực gồm khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp.

Ðể các chỉ tiêu trong bản quy hoạch được trở thành hiện thực, quyết định của UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện chính sách và mở rộng, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng cũng như cơ sở đào tạo.

Tại thời điểm đó (năm 2011), quyết định của UBND tỉnh nêu: sử dụng vốn ngân sách đầu tư có hiệu quả trên cơ sở đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng giảng viên. Việc phát triển nhân lực sẽ theo hướng hình thành và phát triển các trường nghề mũi nhọn, trường dạy nghề chất lượng cao, có thương hiệu của tỉnh.

Quyết định của UBND tỉnh ghi rõ: tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao như chế độ học bổng, gửi người đi học ở nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia đào tạo nhân lực về chính sách huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nhân lực, theo kế hoạch sẽ huy động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, hợp tác quốc tế và huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp. Ðối với chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi để thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. quản lý và kinh doanh giỏi. Ðồng thời thu hút các chuyên gia, nhân tài, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học về Tây Ninh công tác.

Ðối với vấn đề mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác, bản quy hoạch đề cập đến sự hợp tác với các cơ quan tổ chức ở Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực. Bản quy hoạch còn đề cập đến sự phối hợp giữa tỉnh với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn quản lý, thực hiện các đề tài khoa học và cả đề tài ứng dụng…

Năm 2011, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố công bố công khai bản quy hoạch và triển khai thực hiện.

THIẾU LAO ÐỘNG KỸ THUẬT CÓ TRÌNH ÐỘ CAO

 Sau hơn 7 năm triển khai, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, quy hoạch và phát triển nhân lực tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2011-2020 đã được cụ thể hoá bằng các chương trình hành động, đề án, kế hoạch và phát triển nhân lực.

Các chính sách, chương trình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đã có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, số lượng cán bộ công chức tham gia học tập ngày càng tăng. Ðội ngũ cán bộ công chức từng bước được củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng, điều này góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội được đề ra.

Năm 2017, tổng số cán bộ, công chức, viên chức là 22.006 người, số người có văn bằng sau đại học chiếm 2,8% (năm 2010 lực lượng này chỉ 0,8%), số người có bằng đại học trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện đạt gần 58%.

Ðội ngũ giáo viên, giảng viên ngày càng được nâng cao chất lượng, đến nay đã có hơn 70% được đào tạo vượt chuẩn về văn bằng, cao hơn khoảng 20% so với năm 2010 (thời điểm xây dựng bản quy hoạch).

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được mạng lưới đào tạo nghề đa dạng, phong phú giúp cho người lao động có thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp. Từ đây, người lao động tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm trong các thành phần kinh tế, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề.

Tỷ lệ người lao động qua đào tạo và dạy nghề từ 45% năm 2010 lên 64% năm 2017. Lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế không ngừng được nâng cao chất lượng tay nghề. Số liệu thống kê cho thấy, số lao động được thu hút vào làm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế từ năm 2011 đến nay đều tăng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Ðó là tình trạng thừa lao động trình độ thấp nhưng thiếu lao động kỹ thuật có trình độ cao.

Cơ cấu hệ thống giáo dục được nhìn nhận là chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Việc phân luồng học sinh còn mất cân đối, thể hiện giữa phân luồng vào THPT và học nghề, giữa học nghề và đại học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hệ thống mạng lưới giáo dục đào tạo và dạy nghề, số lượng cơ sở dạy nghề có tăng nhưng so với các địa phương trong cả nước thì việc đầu tư phát triển trường đại học, trường nghề chất lượng cao còn chậm.

Việc thu hút các nguồn lực ngoài khu vực Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, số lượng dự án giáo dục thu hút được không đáng kể, kế hoạch xây dựng trường đại học tư thục gồm đại học Khai Minh và đại học Ðông Nam không triển khai thực hiện được do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Hay như việc xây dựng Trường cao đẳng Văn hoá, Thể thao và Du lịch chưa thực hiện được do nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá không đáp ứng được yêu cầu. Ðội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại.

Tỷ lệ tăng giáo viên dạy nghề chưa cân đối so với quy mô đào tạo. Mặt khác, sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hoạt động dạy nghề của tỉnh trong thời gian qua chủ yếu dựa trên năng lực thực tế của các cơ sở dạy nghề, chưa chú trọng đúng mức tới nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp.

Ðiều này dẫn đến tình trạng vừa không đủ học viên có tay nghề cao cung ứng cho doanh nghiệp, lại vừa có nhiều học viên không tìm được việc làm phù hợp. Chất lượng tay nghề thấp khiến cho doanh nghiệp phải đào tạo lại tay nghề cho người lao động sau khi tuyển dụng.

Mặc dù, nguồn lao động qua đào tạo đã được tăng lên nhưng vẫn còn bất cập trong cơ cấu, đó là tình trạng thừa lao động có bằng cấp nhưng thiếu lao động có kỹ thuật.

Ðánh giá về cơ chế chính sách ưu đãi mà bản quy hoạch đã đề ra, theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, trong giai đoạn vừa qua, tỉnh đã thu hút đầu tư để thực hiện xã hội hoá nhiều lĩnh vực liên quan đến giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao.

Trong đó, lĩnh vực giáo dục thu hút được 5 dự án đầu tư nhưng chưa thu hút được dự án nào để thành lập trường đại học. Ðối với lĩnh vực y tế, thu hút được một phòng khám đa khoa tư nhân, một bệnh viện đa khoa tư nhân. Trên địa bàn tỉnh, hiện có hai phòng khám đa khoa tư nhân và hai bệnh viện đa khoa tư nhân đang hoạt động.

Về chủ trương hợp tác, liên kết với các cơ quan tổ chức ở Trung ương, các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành, năm 2016, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã phối hợp với Trường đại học Kinh tế Fullbright tổ chức chương trình đào tạo cao cấp ngắn hạn cho cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Khoá đào tạo ngắn hạn này đã giúp cho lãnh đạo tỉnh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, tìm hiểu các chương trình, mô hình đào tạo hiệu quả để định hướng cho việc phát triển nhân lực của tỉnh trong thời gian tới.

Học viên trường nghề trong giờ thực hành tại xưởng.

CHẬT VẬT XÂY DỰNG “THƯƠNG HIỆU” TRƯỜNG NGHỀ

Bản quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã đi gần hết chặng đường (chỉ còn vài năm nữa là đến thời hạn cuối). Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy một số chỉ tiêu được đưa ra trong bản quy hoạch đã cơ bản đạt được và có thể đo lường được (dù chưa hoàn toàn chính xác), ví dụ như tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân; tỷ lệ, số lượng học sinh sau trung học cơ sở vào trung học phổ thông và trường nghề; số lượng người học nghề sơ cấp, ngắn hạn tăng cao (nhờ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn).

Tuy vậy, một mục tiêu khá quan trọng được đặt ra nhưng chưa thực hiện được đó là xây dựng và phát triển trường nghề có thương hiệu để thu hút người học.

Trừ Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, còn lại các cơ sở dạy nghề, trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại một cách chật vật. Về các con số được nêu ra trong bản quy hoạch và con số thực hiện được không phải lúc nào cũng có thể kiểm chứng vì điều này luôn biến động, chưa kể các con số nhiều khi còn mâu thuẫn với nhau.

Ðối với mục tiêu nâng cao thể lực nguồn nhân lực, vấn đề này khó có thể đo lường chính xác, chẳng hạn như chiều cao trung bình của người trưởng thành hoặc tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Theo WHO, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường và dinh dưỡng là những yếu tố cơ bản quyết định độ tăng chiều cao.

Dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai cũng được cho là ảnh hưởng đến chiều cao. Năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ em ở Tây Ninh là 11,5%; riêng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở thể thấp còi chưa được đánh giá (theo báo cáo).

Việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cho đến nay vẫn chưa được coi là thành công. Số lượng người có văn bằng không ngừng tăng lên nhưng lực lượng này phần lớn lao động trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, ít trực tiếp sản xuất.

Cách đây ít lâu, khi giám sát về công tác đào tạo phát triển nhân lực, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh đã đưa ra nhận định, các vị trí làm việc đòi hỏi trình độ cao trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là người đến từ nơi khác.

Ðào tạo, phát triển nhân lực là một chủ trương đúng nhưng đây cũng là một lĩnh vực có phần phức tạp thậm chí “nhạy cảm” vì không phải lúc nào, ở đâu người tài, có năng lực, khát khao cống hiến cũng được chào đón hoặc nằm trong diện quy hoạch.

VIỆT ÐÔNG


 
Liên kết hữu ích