Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khi người lính khóc...
Thứ bảy: 21:47 ngày 18/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lần đầu tiên từ lúc quen nhau tôi chứng kiến ông Sẹo khóc. À không, lần đầu tiên tôi chứng kiến một người lính khóc…

1. Ông tên Mai nhưng lũ trẻ xóm quen mồm cứ gọi ông là ông Sẹo. Gọi vậy bởi mình mẩy ông đầy những sẹo. Ông hay cao giọng bảo lũ nhỏ hiếu kỳ ngày ngày vẫn chạy theo ông nhìn ngắm, chỉ trỏ đám sẹo “kinh thiên”.

Nè, không phải sẹo đậu mùa hay vết trượt ngã lúc… trèo cây bắt tổ chim đâu nghen. Toàn thương tích của tao một thời trận mạc. Vậy nên sẹo ấy để chúng bây tự hào, không phải để sợ! Biết chưa? Trừng mắt gầm lên, cái sẹo lồi to, đỏ ửng bên má giật giật. Ông Sẹo khoái chí nhìn lũ khán giả nhỏ đứng há mồm nghệch mặt, dỏng tai như vịt nghe sấm rồi bật cười khà…

Ông Sẹo làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.

Xã núi thừa đất thiếu người, nhà lưa thưa đâu trăm nóc. Vậy nên cựu chiến binh trận mạc trở về vỏn vẹn chỉ có bốn, thêm ông nữa là năm. Ban đầu lập Hội “ra quân” cũng khí thế lắm. Mình ông Sẹo “ôm show” gần tất tật: tổ chức toạ đàm, nói chuyện truyền thống nhân lễ lạt, về trường sở, xuống xóm thôn làm công tác tham mưu…

Hăng quá đà. Được việc thật nhưng cũng mích lòng kha khá bàn dân. Lãnh đạo các ban, ngành bị ông quấy ngược lôi xuôi, không tiện nói ra nhưng việc nhiều khiến đổ mệt, phát cáu. Vài “chiến hữu” cùng Hội xầm xì bảo ông ham chơi nổi.

Nổi gì nổi. Lính mà. Không làm thì thôi, đã làm là phải làm tới nơi! Người ta mỉa mai gọi (vụng) sau lưng ông là Sẹo - Xe - Tăng. Ừ, thì xe tăng chớ xe… bò ha, lính mà! Ông Sẹo cứ khà khà tỉnh bơ khi nghe cái “hỗn danh” giang hồ mới đặt cho, giống như lần đầu nghe lũ nhỏ ê ê gọi ông là ông Sẹo...

2. Ông Sẹo thuộc lớp “tiền hiền” tự nguyện đi xây vùng kinh tế mới. Vậy nên từng chút thành tựu, từng ngày đổi thịt thay da của vùng đất mới “phá thạch khai sơn” ông đều nắm rõ. Tự hào lắm. Tự hào và muốn sẻ chia niềm tự hào ấy cho công chúng.

Vậy nên ông quan trọng chuyện giáo dục truyền thống: truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống dựng xây và phát triển đi lên của xã nhà và vân vân. Ý tưởng tốt nhưng vô thực tế thì… hơi gay: dân xóm núi đa phần kinh tế khó khăn, cứ bươn chải, lo toan chuyện sắn bắp rẫy rùng nhiều hơn là quan tâm các vấn đề chính sự.

Nói chuyện, toạ đàm truyền thống mà dòm xuống băng ghế lúc nào cũng chỉ loe hoe toàn đám già đầu tóc bạc phơ. Đoàn Thanh niên cũng bó tay. Kêu đoàn viên đi ăn nhậu thì mau; hễ nghe nói tới sinh hoạt truyền thống là đa phần chúng ngáp ngược ngáp xuôi, trốn như trốn dịch!

Ông Sẹo buồn.

Vậy nhưng, nếu ngồi buồn lâu thì đã không phải là… ông Sẹo. Trời sinh ông vóc vạc nhỏ con nhưng rất chi năng động. Có lần ông bị lũ thanh niên trêu chọc: bác Sáu “chiến binh” gì mà… nhỏ xíu. Thấp bé nhẹ cân như bác thì đánh đấm gì.

Ông Sẹo trợn mắt: Trời, ngu vừa chớ! Mầy không nghe câu “nhỏ con ngon độ” ha? Cho mày biết: Xưa, tao là lính trinh sát. Trinh sát mà tướng tá lộc ngộc, vai u đít bự như mầy sao chui bờ lủi bụi được; chưa vô tới đồn đã vướng mìn dính bẫy hay bị lính gác nó phát hiện, đòm cho phát đi toi. Còn nữa, quan trọng chỗ cái “nghề” (võ nghệ) của mình tới đâu chớ hổng phải nhỏ to. Không tin, mầy cứ thử tay không ra “pặc -co”* với tao coi…

Vụ này thì - biết ngay - có cho kẹo bọn chúng cũng không dám!

Ráng hết nhiệm kỳ, ông Sẹo lên gặp lãnh đạo xin từ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, chuyển xuống nhận chân trưởng thôn L, cái thôn nằm tận vùng sâu, heo hút và yếu kém mọi mặt nhất xã. Thiên hạ thắc mắc, ông Sẹo lại khà khà: Có làm sao đâu, ngồi cao lâu mỏi ghế, muốn xuống trụ sở thôn ngồi cho nó… gần dân chút vậy mà!

3. Cái ghế trưởng thôn coi vậy mà ngồi chẳng dễ!

Nói “ghế” cho oai chớ làm gì có ghế. Trụ sở thôn xập xệ như chòi vịt, ngả nghiêng mấy cái băng bàn phế thải từ trường tiểu học rinh về xài đỡ. Không sao, ông Sẹo cũng chẳng cần ghế bởi ông có rảnh đâu mà ngồi. Chạy lung tung việc: từ khâu giáo dục, an ninh, vệ sinh môi trường tới cả chuyện chồng chửi vợ, cha đánh con. Mọi thứ đều rối bét.

Phải thôi, L là thôn cá biệt, “cộm cán” nhất xã. Dân thôn đa phần giang hồ tứ chiếng, thêm cái gần rừng nên cung cách sinh hoạt, cư xử cũng rất “rừng”. Nghỉ việc rẫy nương là bày ăn nhậu, bạc bài. Chuyện sòng bạc, sòng nhậu thì ôi thôi, thứ gì cũng có! Đời trưởng thôn nào bầu lên ráng lắm cũng nửa nhiệm kỳ là “chạy mặt”…

Ông Sẹo về, mọi sự còn nguyên xi vậy.

Bắt đầu xăn tay áo. Bài thứ nhất của ông là tìm hiểu tình hình chung, sau đó mời đám “đại ca” có số má trong thôn tập trung - không phải nói chuyện truyền thống như mọi khi mà là để… nhậu! Chiếu nhậu bày luôn giữa trụ sở.

Chầu thứ nhất ngài tân trưởng thôn chiêu đãi. Chầu thứ 2, thứ 3 là các “đại ca” máu mặt xung phong đáp lễ. Rượu ngà ngà, cuộc chơi càng lúc càng xôm. Cái đám sẹo trên người ông Sẹo giờ lại hoá ra tác dụng quá tay: các “đại ca” nhận ra trưởng thôn mới không hề xa lạ, quan cách như mấy ông tiền nhiệm mà hết sức gần gũi với “phe ta”.

Tới lúc vui mồm ông Sẹo (úp mở) tiết lộ thêm: mình là lính trinh sát, từng mang đai đen nhị đẳng judo thì sự gần gũi tiến thêm một bước thành kính nể! Đêm ấy giao lưu bí tỉ. Các “hảo hán” muốn chứng tỏ mình cũng rất biết chơi, không những đáp lễ (tới nơi tới chốn) bữa rượu mời của ông Sẹo mà còn tay trong tay tuyên bố kết tình giao hảo, có gì cần anh cứ hô một tiếng chúng tôi lo! Thì có gì cần to tát đâu, chỉ là kêu gọi anh em đồng tâm hiệp lực giúp một tay giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Trước mắt, ráng lập đội dân phòng nhờ mấy anh em trẻ khoẻ “đầu quân”, mình giữ bình yên cho nhà mình, cho xóm thôn mình chớ giữ giùm cho ai mà sợ thiệt! Thứ hai, (tế nhị hơn) là bản thân anh em ăn nhậu có chừng mực chút, tự dàn xếp nội bộ gia đình, xóm thôn hạn chế bớt chuyện bạc bài gây gổ! A lê, gật đầu cái rụp, anh Sáu nói nghe được, gì chớ chuyện ấy có khó khăn chi. Nghĩa khí giang hồ, không hứa thì thôi, đã hứa là làm, làm tới nơi tới chốn!

Ông Sẹo thở dài nhẹ nợ. Thú thật, lần đầu gặp các “đại ca” đâu phải ông không ớn. Lạy trời lạy phật, khâu khó nhất đã qua thì các khâu khác chắc cũng không đến nỗi nào…

4. Tôi là bạn với ông Sẹo. Quen nhau khi tôi chân ướt chân ráo mò lên thôn L liên hệ với trưởng thôn nhờ vận động học sinh ra lớp phổ cập. Ông Sẹo tận tình giúp đỡ. Tâm đầu ý hợp riết thành thân, coi như bạn vong niên. Mãn hè chia tay, ông Sẹo cứ một hai dặn sang năm lại lên, ông sẽ cất sẵn vài ché rượu, chờ tôi lên cùng thù tạc. Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu, ông cầm tay tôi lắc lắc, cười khà…

Mùa hè kế tiếp, y hẹn, tôi lên thôn L. Thay đổi nhiều: xóm thôn giờ khang trang hơn trước. Cạnh trụ sở thôn mới mọc lên ngôi trường mẫu giáo. Có cả sân chơi cho các cháu. Nghe nói bàn ghế thiết bị lẫn cầu tuột, ngựa gỗ, xích đu… tất tật đều là “công quả” của ông Sẹo chạy vạy xin các “mạnh thường quân” tài trợ lúc mới lập trường.

Tiếp tôi nơi trụ sở thôn là một ông trẻ chừng ngoài bốn mươi. Lạ hoắc.

- Ủa, chú Sáu S…, à quên, Sáu Mai, không còn làm thôn trưởng?

- Nghỉ rồi.

- Sao nghỉ, anh có biết?

- Buộc thôi việc. Nghe đồn: quan hệ nam nữ bất chính…

Tôi thảng thốt:

- Sao có chuyện này được? Ông ấy là bạn tôi, tôi biết…

- Vậy thầy tìm gặp bạn thầy mà hỏi. Tôi chỉ biết có vậy!

Gã trưởng thôn mới hất mặt, nheo mắt nhìn tôi, cười nửa miệng.

Tôi quên luôn cái mục đích ban đầu đưa tôi tới gặp trưởng thôn, đâm bổ đi tìm ông Sẹo.

Câu chuyện “kỳ án” cuối cùng tôi cũng được nghe từ chính miệng ông Sẹo. Tóm tắt:

Bà Phương thôn L goá chồng, có 2 con trai. Hai ông “ôn thần” choai choai vừa nghịch vừa hư bỏ học, suốt ngày lêu lổng đầu đường cuối xóm. Bà Phương bất lực không quản nổi con, khóc mếu ra nhờ chính quyền giúp đỡ. Ông Sẹo thương cảnh bà mẹ goá con côi mới hay lui tới. Gần gũi khuyên răn chút chút vậy mà tác dụng.

Bác Sáu sửa cái hàng rào, lợp giúp mái nhà, lại còn dụ dạy võ cho khiến hai ông nhỏ khoái chí tử. Hai tướng từ ngày có bác Sáu kèm cặp biết nghe lời, bớt lêu lổng, chịu đi học lại. Bà Phương mừng lắm; vừa mừng vừa biết ơn. Hôm bà mời ông ở lại ăn cơm, hôm khác lại dấm dúi nải chuối, bì ổi “về cho các cháu”.

Ông Sẹo không dám từ chối sợ bà tủi thân. Người ta có dị nghị vào ra nhưng ông Sẹo cứ vô tư: cây ngay không sợ chết đứng, mình quang minh chính đại, đâu khuất tất gì? Cái sai của tao là tao ngay cán tàn nhưng bà Phương lại không nghĩ vậy.

Mày nghĩ coi, bộ dạng “dị nhân” như tao xưa nay ngoài mụ vợ già tao ra bà nào thèm để ý. Tao cứ tỉnh bơ một cục cho tới lúc bả dở chứng thú thiệt bả đã… thầm thương tao mới tá hoả! Nhưng còn tá hoả hơn nữa khi bà vợ tao - không biết nghe đứa nào xúi bẩy - ra chợ túm tóc bà Phương đánh ghen, lại còn lu loa lên tận uỷ ban tố cáo chuyện tao… trai gái! Lùm xùm tới mức ấy nếu không bị buộc thôi việc tao cũng phải xin từ chức chớ còn mặt mũi nào…

Ông Sẹo ứa nước mắt, tay run run bưng ly rượu đầy. Rượu sóng sánh, đổ ra ngoài quá nửa. Tôi ngồi lặng.

Lần đầu tiên từ lúc quen nhau tôi chứng kiến ông Sẹo khóc. À không, lần đầu tiên tôi chứng kiến một người lính khóc…

Y.N

* Par corps: đấu tay đôi

(tiếng Pháp)

Tin cùng chuyên mục