Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Một vụ tranh chấp đất của những người là anh chị em với nhau xảy ra ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng đã nhiều lần được Báo Tây Ninh phản ánh, nhưng vụ việc vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết ổn thoả. Cuối cùng, người đi khiếu nại yêu cầu xử lý đối tượng có hành vi trái pháp luật phải… đứng trước vành móng ngựa. Đây là bài học cho nhiều người, trong đó có cả chính quyền địa phương.

Kẻ bị thương, người bỏ trốn
Ngày 13.1.2015, TAND huyện Trảng Bàng mở phiên toà sơ thẩm đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Lê Văn Tể (61 tuổi, ngụ ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng) ra xét xử.
Theo cáo trạng, khoảng 7 giờ ngày 7.9.2013, bị cáo Lê Văn Tể cùng 2 người con là Lê Văn Thành và Lê Văn Tài đến khu đất rẫy của mình làm việc, mang theo 3 cây rựa. Họ thuê xe máy cày đến cày phần đất của mình ở ấp Sóc Lào để trồng mì, nhưng bị bà Nguyễn Thị Sạng đến ngăn cản vì cho rằng đất này đang tranh chấp, Giữa ông Tể và bà Sạng xảy ra gây gổ. Do tức giận, ông Tể dùng sống lưng của cây rựa dài 1 mét chém liên tiếp vào chân bà Sạng, làm bà ngã xuống đất.
Ông Tể tiếp tục chém vào mặt, bà Sạng đưa tay lên đỡ nên bị gãy đốt ngón tay trái và bị thương vùng gò má phải. Bị chém, bà Sạng tri hô, ông Lê Văn Lý (em chồng bà Sạng) ở gần đó chạy đến, bị một nhóm thanh niên không rõ lai lịch chặn đánh. Riêng ông Tể, sau khi gây thương tích cho bà Sạng thì bỏ cây rựa lại hiện trường rồi kêu 2 người con là Thành và Tài về xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Sạng và ông Lý được gia đình đưa đến BVĐK Tây Ninh điều trị. Ngày 1.1.2014, bà Sạng có đơn yêu cầu xử lý hình sự hành vi của Tể, còn ông Lý không yêu cầu xử lý các đối tượng đã đánh ông. Kết luận giám định pháp y của Phòng Giám định y khoa BVĐK Tây Ninh xác định tỷ lệ tổn thương của bà Sạng là 11%.
Tại phiên toà, ông Tể thừa nhận hành vi dùng sống lưng của cây rựa huơ chém vào chân bà Sạng vì bà đã ngăn cản không cho ông Tể canh tác trên phần đất hợp pháp mà ông đã được cấp giấy CNQSDĐ, nhưng không thừa nhận cố ý gây thương tích cho bà Sạng.
Ông Tể trình bày trước toà, thời gian trước đây vợ chồng bà Sạng nhiều lần ngăn cản không cho ông sử dụng phần đất của mình, và ông đã nhiều lần báo chính quyền địa phương. Đồng thời ông Tể cũng không đồng tình với kết luận thương tật của cơ quan giám định pháp y, nên yêu cầu giám định lại.
Tại phiên toà, HĐXX cũng cho biết toà đã 2 lần đề nghị cơ quan chức năng giám định lại tỷ lệ thương tật của bà Sạng, nhưng không được chấp thuận.
Bị kích động hay cố ý
Tại phiên toà, luật sư Đinh Quốc Dũng (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng, ông Tể phòng vệ chính đáng. Việc ông Tể gây thương tích cho bà Sạng là do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra. Theo luật sư Dũng, bởi xuất phát từ việc tranh chấp QSDĐ kéo dài và không được các cơ quan pháp luật giải quyết triệt để nên đã dẫn đến sự việc như hôm nay.
Luật sư Dũng cho biết, ngày 7.9.2013, ông Tể phát rẫy và canh tác trên đất của mình (được pháp luật bảo vệ) thì bà Sạng từ nhà chạy đến đất của ông Tể ngăn cản. Bà Sạng cầm rựa chém lia lịa vào mặt, ông Tể né tránh nên không trúng. Ngoài ra bà Sạng còn dùng những ngôn từ thô tục để chửi mắng ông Tể.
Khi đó ông Tể tay đang cầm rựa và bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của bà Sạng gây ra, nên phản ứng lại để bảo vệ mình bằng cách dùng rựa huơ qua, huơ lại gây thương tích nhẹ cho bà Sạng.
Phần đất mà bà Sạng ngăn cản không cho ông Tể sản xuất là phần đất do ông Tể khai phá từ những năm 1975-1976 với diện tích 1 ha. Lúc khai phá, ông Tể bị thương do đạn bom trong chiến tranh còn sót lại, hiện vết thương vẫn còn trên mặt và đất này ông được cấp quyền sử dụng.
Tại phiên toà, luật sư Dũng cho biết, trước đây khi vụ việc tranh chấp xảy ra, ngày 22.3.2013, UBND huyện Trảng Bàng có Công văn số 251/UBND gửi UBND xã Đôn Thuận và Công an huyện nêu rõ: “Nếu ông Lê Văn Dũng vẫn không chấp hành thì yêu cầu ông Lê Văn Tể khi nào tiến hành trồng rẫy báo ngày giờ chính xác để UBND xã và công an huyện cử lực lượng bảo vệ.
Trong quá trình ông Tể trồng mì nếu có bất kỳ đối tượng nào ngăn cản thì tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật”. Trước đó, ngày 5.7.2011, ông Tể có yêu cầu công an xã vào đất ông đang canh tác để bảo vệ cho ông chôn trụ rào.
Ngày đó có khoảng 20 người gồm: công an, ấp đội, các ban, ngành của xã tham gia nhưng ông Dũng và gia đình đã dùng rựa đuổi chém vợ chồng ông Tể. Ngày 6.12.2012, ông Dũng cùng gia đình dùng hung khí rượt chém cả công an huyện, công an xã khi đến hỗ trợ ông Tể cày đất. Hành vi của vợ chồng ông Dũng bà Sạng đã gây ra nhiều tổn thất cho gia đình ông Tể do hơn 4 năm không sản xuất được, tổng số tiền thiệt hại là hơn 160 triệu đồng, nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Theo luật sư Dũng, việc bà Sạng mang rựa từ nhà đến đất của ông Tể đang canh tác để chém ông nhằm ngăn cản không cho ông sản xuất là trái pháp luật. Bà Sạng còn dùng lời lẽ thô tục kích động tinh thần nên buộc ông Tể phải tự vệ bằng việc huơ sống rựa trúng chân bà Sạng, đây là phòng vệ chính đáng. Ông Tể có đơn khiếu nại kết luận giám định thương tật và đề nghị giám định lại là có cơ sở pháp luật, nhưng chưa được chấp nhận.
Vì đâu nên nỗi
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo Tể là vi phạm đến tính mạng, sức khoẻ của bà Sạng nên phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Toà tuyên phạt bị cáo Tể 12 tháng tù, cho hưởng án treo, đồng thời đền bù cho bà Sạng gần 13 triệu đồng.
HĐXX cũng nhận định, trong vụ án này, bị hại cũng có lỗi một phần, Toà án sẽ kiến nghị đến cơ quan chức năng xử lý vợ chồng ông Lê Văn Dũng về hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất của công dân.
Vụ xét xử đã kết thúc, nhưng chuyện đất ông Tể bị vợ chồng ông Dũng chiếm, bản thân ông Tể không thể vào đất mình canh tác… vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết rốt ráo, dứt điểm. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ông Tể phạm tội với mục đích tự vệ. Nếu như trước đây, vấn đề tranh chấp đất này được xử lý kiên quyết hơn thì có lẽ ông Tể không phạm tội, phải đứng trước vành móng ngựa.
Đây không chỉ là bài học cho ông Tể mà còn cho cả chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của mình.
Huy Thông – Đức Tiến
Ngày 26.11.1994, ông Lê Văn Tể được UBND huyện Trảng Bàng cấp giấy CNQSDĐ, với diện tích 11.514m2. Năm 2010, khi ông Tể đang chặt bỏ cây điều thì ông Lê Văn Dũng (là em vợ ông Tể) ngăn chặn và nói rằng, đất này là của cha mẹ ông cho từ năm 1986. Ông Dũng làm đơn khiếu nại, đồng thời ngang nhiên chiếm đất và không cho ông Tể canh tác. Trong khi các cấp chính quyền huyện Trảng Bàng đang xem xét giải quyết thì ông Dũng và gia đình không cho vợ chồng ông Tể vào đất. Ông Dũng trồng cây cao su trên đất ông Tể. Sau đó, ông Tể báo với UBND xã Đôn Thuận, UBND huyện Trảng Bàng. Ngày 11.7.2011, UBND xã Đôn Thuận tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Dũng về hành vi ngang nhiên chiếm đất của người khác để trồng cây cao su. Tuy nhiên, ông Dũng không chịu ký tên vào biên bản. Ngày 18.8.2011, UBND huyện Trảng Bàng ban hành QĐ số 2901/QĐ-UBND, bác đơn khiếu nại của ông Lê Văn Dũng nhưng ông Tể vẫn không thể vào được phần đất của mình để canh tác. |