Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Muốn củng cố vị thế của người thầy, xã hội phải thực sự “tôn sư trọng đạo” từ trong thâm tâm của mỗi người có đi học và có con cháu đi học, chứ không chỉ “tôn” và “trọng” trên đầu môi chót lưỡi.
-Chào ông nhà báo, có chuyện này tôi cảm thấy hoang mang quá, xin thỉnh ý ông nhé?
-Ông sao… hay “đao to búa lớn” quá! Anh em mà, muốn hỏi gì thì hỏi, chứ còn “xin” với “thỉnh”, Bàn Dân không dám nhận đâu!
-Thật mà, chuyện này nghe bức xúc thật, nhưng dư luận xã hội lại có nhiều chiều trái ngược nhau, tôi thắc mắc nên mới hỏi ông. Đó là chuyện đang gây xôn xao trên khắp các báo cũng như mạng xã hội về việc mấy vị phụ huynh học sinh buộc cô giáo phải quỳ hơn nửa giờ đồng hồ vì cô giáo đã phạt con em họ phải quỳ gối trong lớp học.
Tôi đọc báo, lướt mạng thấy có rất nhiều người bình luận. Có nhiều ý kiến cho rằng vị phụ huynh bắt cô giáo quỳ là xúc phạm danh dự nhân phẩm của cô.
Thậm chí có người cho rằng vị phu huynh ấy đã phạm tội làm nhục người khác, tức là đã vi phạm pháp luật hình sự, cần phải khởi tố, xét xử đúng pháp luật. Nhưng cũng có người cho rằng nguyên tắc giáo dục không cho phép giáo viên phạt học sinh quỳ, cô giáo đã phạt học sinh quỳ, thì cô cũng phải quỳ trước cha mẹ học sinh mới được.
Và cũng không ít người cho rằng cô giáo phạt học sinh quỳ là vi phạm quyền trẻ em được Nhà nước bảo vệ. Vậy nếu xử lý phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ, cũng phải xử lý cô giáo phạt học sinh quỳ… Dư luận nhận định trái ngược nhau như vậy, theo ông đâu là đúng, đâu là sai?
-Quả thật là đối với vị phụ huynh buộc cô giáo phải quỳ 40 phút, có nhiều ý cho rằng chẳng những về mặt đạo đức xã hội đã phản lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, mà về mặt pháp luật còn có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác.
Chuyện này về phía cơ quan có thẩm quyền đã trả lời công luận là đang xem xét, nếu xác định có dấu hiệu phạm tội sẽ xử lý theo pháp luật. Còn tổ chức Đảng đang quản lý vị phụ huynh là đảng viên kia đã biểu quyết khai trừ ông ấy ra khỏi Đảng. Như vậy cũng gần như là đã làm rõ rồi, ông còn hoang mang, thắc mắc gì nữa?
-Tôi còn thắc mắc là vì chưa nắm được những thông tin ông vừa nói. Và chuyện tôi còn hoang mang sâu xa hơn: do đâu vị thế của “thầy giáo” trong xã hội bây giờ lại “lung lay” dữ dội đến như vậy ông hả? Và muốn khôi phục lại vị thế của người thầy như ngày xưa, thời mình còn đi học, theo ông phải làm sao?
-Câu hỏi này khó trả lời nghen! Nhưng ông đã hỏi, Bàn Dân cũng mạo muội nói lên ý kiến của mình như thế này: Muốn củng cố vị thế của người thầy, xã hội phải thực sự “tôn sư trọng đạo” từ trong thâm tâm của mỗi người có đi học và có con cháu đi học, chứ không chỉ “tôn” và “trọng” trên đầu môi chót lưỡi. Đối lại, “thầy phải ra thầy” chứ không phải “thầy chỉ ở trên lớp” còn hết giờ lên lớp rồi thì không còn vai trò của thầy nữa.
BÀN DÂN