Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khi nhà khoa học đồng hành cùng nhà nông
Thứ bảy: 04:00 ngày 08/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, lần đầu tiên nông dân thuộc “Tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh” được các nhà khoa học cùng đồng hành “ra đồng” nhằm hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tham quan mô hình trồng bưởi da xanh tại hộ ông Mai Thành Long.

Trước đó, đầu năm 2017, nông dân tại xã Suối Đá bắt đầu phát triển mạnh mô hình trồng bưởi da xanh. Để tập hợp những nông dân cùng sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, tháng 10.2017, xã Suối Đá đã thành lập “Tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh” (tổ hội)  với 11 hội viên, diện tích 11 ha. Tổ hội tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng theo chuyên đề cụ thể như: quy trình làm đất, bón lót, chọn giống, đào hố, kỹ thuật trồng; cách làm trái, cách phòng và chữa bệnh; cách sử dụng phân bón vi sinh, hoá học, thuốc BVTV… 

Theo ông Mai Thành Long (ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá), điều kiện tự nhiên của xã thuận lợi để phát triển của cây bưởi. Hiện nay, cây bưởi da xanh đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng truyền thống như lúa, mì. Tuy nhiên, khi sản xuất theo hướng VietGAP, hầu hết thành viên tổ hội còn lúng túng trong việc canh tác, nhất là việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Vì vậy, sản phẩm làm ra chưa được công nhận đạt chuẩn VietGAP, chưa có đầu ra ổn định, tất cả phụ thuộc vào thương lái.

Ông Long cho biết, bưởi da xanh là một trong những cây trồng được xã Suối Đá định hướng vào dự án mỗi xã một sản phẩm. Hiện người trồng bưởi da xanh sử dụng phân chuồng là chủ yếu, phân hoá học chỉ được bón hạn chế. Tuy nhiên, do chưa canh tác đúng yêu cầu tiêu chuẩn VietGAP nên trái bưởi ở đây vẫn chưa có giá trị cao.

Giữa tháng 10.2018, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, trong một lần về thăm gia đình tại xã Suối Đá, nhận thấy địa phương có Tổ hội trồng bưởi da xanh và trồng mãng cầu thu hút khá đông nông dân địa phương tham gia.

Cả hai loại cây trồng này đều là thế mạnh của địa phương nhưng mới chỉ có cây mãng cầu có chỉ dẫn địa lý, còn cây bưởi da xanh chưa có “tên tuổi” gì. Do đó, PGS.TS Phụng đã tổ chức buổi tập huấn nhằm truyền đạt, hướng dẫn miễn phí cho gần 30 nông dân xã Suối Đá thực hiện chương trình “Sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn - bền vững - bảo vệ môi trường”, bước đầu thực hiện trên cây mãng cầu và cây bưởi da xanh.

Bên cạnh đó, PGS-TS Phụng còn vận động một số nhà khoa học, nhà máy, doanh nghiệp là thành viên trong Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cùng tham gia chương trình hướng dẫn miễn phí cho nông dân. Định kỳ mỗi tháng một lần, đoàn cán bộ khoa học đến địa phương giúp đỡ nông dân cho đến khi có sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Khi đó, Công ty TNHH ISHOPGO (FARM 360) tiếp tục hỗ trợ nông dân quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch của đơn vị miễn phí.

Nông dân tham gia buổi tập huấn hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học.

PGS.TS Phụng cho biết, nông dân luôn quan tâm đến tình trạng được mùa mất giá. Để hạn chế tình trạng này, cần có sự liên kết 4 nhà. Đầu tiên là nhà nông liên kết với nhà khoa học để được cung cấp kiến thức, kỹ thuật mới nhất. Rồi liên kết giữa nhà nông với nhà nông để có “sức mạnh” về nông sản hàng hoá tốt. Nhà nông liên kết với Nhà nước để tận dụng các cơ hội Nhà nước tạo cho nông dân như vay vốn, tìm kiếm doanh nghiệp thu mua nông sản… Nông dân liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào giá rẻ, bảo đảm chất lượng và bao tiêu sản phẩm.

Vừa qua, với sự trợ giúp của các nhà khoa học, Tổ hội đã ký hợp đồng bán sản phẩm với một doanh nghiệp tại Bến Tre cho 3 hội viên đang thu hoạch với sản lượng trên 1,5 tấn bưởi với giá bình quân 30.000 - 35.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi hội viên sau khi trừ chi phí có lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/ha.

Thấy được hiệu quả từ quá trình liên kết, mới đây, đã có thêm 9 thành viên tham gia tổ hội, diện tích trồng bưởi da xanh hiện tăng lên 30 ha.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục