BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi nông dân quyết tâm làm ra sản phẩm sạch 

Cập nhật ngày: 05/10/2020 - 00:37

BTN - Với việc dành nhiều tâm huyết để sản xuất được sản phẩm có chất lượng cao, mơ ước của nông dân Tây Ninh đã rất gần với hiện thực. Ðiều quan trọng hơn hết là người nông dân dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi.

Dưa lưới nhà kín. Ảnh: Ðỗ Thành Nhân

5 năm qua, Tây Ninh thực hiện quyết liệt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất, chế biến với xuất khẩu; chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn và an toàn sinh học; phát huy năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp tăng giá trị sử dụng trên một hécta đất.

Trước đây, nông dân Tây Ninh chỉ nghĩ đến việc trồng cây gì, nuôi con gì mà thị trường đang có giá, thì vài năm trở lại đây, người nông dân đã có tư duy mới hơn về nuôi trồng. Ông Phan Văn Thà, một nông dân sản xuất giỏi ở thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên cho biết, trước đây chỉ sản xuất truyền thống, chưa lắng nghe và chú trọng thị trường cần gì. Bây giờ phải thay đổi tư duy, thay đổi suy nghĩ, phải làm cái thị trường cần chứ không làm cái mình có. Mà cái thị trường cần hôm nay phải là sản phẩm có chất lượng, sạch.

Chính sách chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của tỉnh là động lực để nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Có hơn 180 ha trồng cao su và mía, ông Thà chuyển 60 ha sang trồng mít thái, 20 ha trồng bưởi da xanh và áp dụng từng khâu, từng bước để cải thiện năng suất. Hiện nay, vườn mít thái được công nhận đạt chuẩn VietGAP, bán ra với giá khá cao, đỉnh điểm là hồi tháng 7.2019, mít thái có giá 74.000 đồng/kg. Một trái mít loại 1 từ 18-20kg giá hơn 1 triệu đồng.

Ông Phan Văn Thà khẳng định: Không phải trồng tự nhiên mà mít có giá như thế, phải làm đạt chất lượng VietGAP trước. Theo ông Thà, muốn sản phẩm có giá trị thì phải cải tạo vườn, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, ông đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm mít và bưởi da xanh. Ðây là bước đầu tiên để sản phẩm tiếp cận nhanh, được người tiêu dùng tin tưởng hơn.

Mô hình bưởi da xanh ở Tân Biên. (Ảnh: Lê Ðức Hoảnh)

Trong năm 2019, Tây Ninh triển khai quy hoạch 18 vùng sản xuất với diện tích khoảng 17.000 ha tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng để phát triển rau củ quả, cây ăn trái, chăn nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, nhằm cung cấp sản phẩm lâu dài theo đơn đặt hàng của các công ty chế biến trái cây như Tanifood, Nafoods, BD HAPIMEX.

Thông qua đó, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất lâu dài giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Năm qua, Tây Ninh đã chuyển đổi hơn 10.000 ha đất trồng lúa, mía, cao su sang trồng cây ăn trái, cây khoai mì, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Việc chuyển đổi vùng đất trồng mía, mì, cao su sang trồng cây ăn trái giúp người nông dân Tây Ninh tăng thu nhập gấp nhiều lần. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một hécta đất trồng trọt đến năm 2020 đạt 100 triệu đồng, tăng 15,7% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng cho biết, lúc đầu có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ông đi tìm giống cây phù hợp với vùng đất phèn. Thấy cây khóm miền Tây thích hợp nên mạnh dạn đầu tư trồng hơn 50 ha theo quy trình VietGAP.

Vườn bưởi da xanh rộng 50 ha ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên của ông Nguyễn Văn Tĩnh cũng là một mô hình VietGAP áp dụng công nghệ cao. Các công đoạn chăm sóc bưởi được cơ giới hoá. Những hàng bưởi cách nhau từ 6 - 7m. Theo giờ trong ngày, công nhân chỉ cần mở van, nước sẽ phun tưới cho cây khắp vườn, nhật ký chăm sóc cây trồng hằng ngày được cập nhật bằng phần mềm và chỉ cần một người để làm các công việc này. “Cái nào thay thế bằng máy móc được thì thay thế hết, càng làm càng nhẹ tiền lại, ngày nay làm nông nghiệp phải chất lượng, sạch chứ không chạy theo sản lượng, giá rẻ”- ông Tĩnh cho biết.

Cũng với tư duy làm ra sản phẩm sạch, ông Nguyễn Thế Tân- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Natani bày tỏ: để nâng cao giá trị sản phẩm của mình, nông dân trồng mãng cầu cần thị trường ổn định. Chính vì vậy, Natani có chương trình liên kết với nhà vườn canh tác theo quy trình nông nghiệp sạch (organic), đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao, hữu cơ vi sinh để có được trái mãng cầu thơm, dai như truyền thống lại vừa bảo đảm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Không chỉ đáp ứng cho thị trường trong nước mà còn hướng đến việc xuất khẩu ra nước ngoài.

Bà Võ Thị Nuôi- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Xoài Tứ Quý cho biết, HTX đang áp dụng trồng cây theo mô hình VietGAP và hướng tới Global GAP. HTX đã thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, cố gắng bảo đảm chất lượng, nâng cao giá trị của trái xoài.

Cơ giới hoá trong chăm sóc vườn bưởi ở Tân Biên. (Ảnh: Thanh Nhi)

Trong hành trình nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp không chỉ có nông dân, mà còn có nhiều doanh nghiệp tâm huyết. Họ sẵn sàng đồng hành cùng nhà nông. Trong đó, Nhà máy chế biến rau quả Tanifood với tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng, công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày đã mở ra cơ hội cho nông dân Tây Ninh tăng gia sản xuất.

Bà Lê Thị Mai Huyền- Giám đốc Công ty Ðức Thành trăn trở: đầu ra của ngành nông nghiệp rất khó khăn, vì vậy công ty mở thêm ngành sản xuất thực phẩm sạch, an toàn là dưa lưới và xây thêm một nhà máy xay lúa hướng đến xuất khẩu, với mong muốn hỗ trợ người dân Tây Ninh có được nơi sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Là một tỉnh có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, việc tìm kiếm giải pháp để nâng cao giá trị cho các sản phẩm luôn là điều mà người nông dân Tây Ninh mong muốn. Hàng nông sản làm ra, đã đến lúc không chỉ dừng lại ở chợ, trên kệ của cửa hàng, siêu thị trong nước mà phải đến được tay người tiêu dùng ở nước ngoài. Với việc dành nhiều tâm huyết để sản xuất được sản phẩm có chất lượng cao, mơ ước của nông dân Tây Ninh đã rất gần với hiện thực. Ðiều quan trọng hơn hết là người nông dân dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi.

Phương Quỳnh