Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Không có nhiều bất ngờ với những cầu thủ vừa được HLV Park Hang-seo bổ sung trong đợt tập trung thứ hai cho vòng loại World Cup 2022. Họ có cùng điểm chung: Đá trên hàng công.
HLV Park Hang-seo động viên các cầu thủ sau trận hòa 0-0 trên sân của Thái Lan ở lượt trận ra quân vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Đức Đồng.
HLV Park Hang-seo buộc phải thay đổi cách tiếp cận trận đấu, khi bị đặt vào tình thế "Thắng hoặc Thua" trong cuộc đua điểm số có nhiều thiệt thòi của bảng G so với các bảng khác. Có thể vẫn là đấu pháp phòng ngự - phản công vốn rất hoàn thiện, nhưng ông cần thêm chất liệu mới cho hàng tấn công. Đó chính là lý do khiến VFF phải thu xếp để V-League 2019 đột xuất điều chỉnh lịch thi đấu lần thứ năm trong mùa giải, dành cho đội tuyển Việt Nam gần ba tuần lễ trọn vẹn để tìm hình hài mới của lối chơi.
Tô Văn Vũ, Mạc Hồng Quân, Võ Huy Toàn, Ngô Hoàng Thịnh đều là mẫu cầu thủ có phong cách thi đấu đơn giản, hiệu quả và có khuynh hướng đưa bóng về phía cầu môn đối phương càng nhanh càng tốt. Sau khi Ngô Hoàng Thịnh không thể góp mặt, người được gọi bổ sung là tiền đạo ít tiếng tăm Nguyễn Việt Phong. Chừng đó đủ nói lên mối bận tâm rất lớn của HLV Park Hang-seo trước hai trận đấu mà Việt Nam buộc phải thắng nếu muốn đi tiếp, trước Malaysia (ngày 10/10) và Indonesia (ngày 15/10).
Nhưng rõ ràng, ông Park hầu như không được quyền lựa chọn trong trường hợp này. Ông có gọi bao nhiêu cầu thủ tấn công tại V-League lúc này, dường như vẫn không đủ. Độ vênh đấu pháp giữa đội tuyển và các CLB đang thực sự tạo ra một bài toán quá khó.
Hà Nội là đội bóng ghi nhiều bàn nhất V-League 2019, đó là yếu tố quyết định đến hai chức vô địch gần như tuyệt đối của họ hai mùa liên tiếp. Nhưng, sự vượt trội đó phần nhiều đến từ chất lượng tiền đạo ngoại binh. Mùa trước, Hà Nội lập kỷ lục với 72 bàn sau 26 trận, thì riêng bộ đôi Oseni và Hoàng Vũ Samson đóng góp 32 bàn, chiếm tỷ lệ 44%. Nội binh ghi nhiều bàn nhất là Nguyễn Quang Hải với 9 bàn.
Tính đến vòng 24 mùa này, sau khi đăng quang, Hà Nội ghi 56 bàn nhưng Pape Omar và Samson (trước khi chuyển sang Quảng Nam) đã có 20 bàn, chiếm 36%. Chân sút nội số một của họ là Nguyễn Văn Quyết cũng chỉ ghi 9 bàn. Trong bối cảnh hàng thủ vẫn để thủng lưới trung bình hơn một bàn mỗi trận, chính các tiền đạo ngoại đã đưa Hà Nội đến ngôi vô địch. Nói cách khác, nếu "bỏ Tây" ra khỏi đội hình, chưa chắc Hà Nội đã hơn đội nhì bảng TP HCM - nơi mà các chân sút ngoại chỉ ghi được 10 bàn, chiếm tỷ lệ 26%.
Những trận đấu tại AFC Cup, một phiên bản mô phỏng đấu trường châu lục ở cấp đội CLB, càng cho thấy vấn đề nghiêm trọng đó. Hà Nội rất mong manh trong khả năng phòng ngự kể cả khi họ tạo được thế trận tấn công vượt trội đối thủ. Sự có mặt của các ngoại binh với nhiệm vụ tì đè, lôi kéo và không chiến là yếu tố quyết định giúp cân bằng công – thủ cho Hà Nội. Trong bối cảnh đó, Omar, Kebe chính là nền tảng giúp Văn Quyết hay Quang Hải thường xuyên đóng vai người hùng với việc đưa bóng vào lưới đối phương.
Nhưng quen chơi tốt khi "có Tây" cũng có thể sẽ gây ra những bất lợi khi không có sự hỗ trợ ấy. Tần suất đứt quãng phong độ của Quang Hải mỗi lần lên đội tuyển có vẻ như đang nhiều hơn, nhất là những lần tập trung ngắn ngày gần đây. Không thể phủ nhận sự xuất sắc của Quang Hải nếu nhìn ở các pha bóng cá nhân, nhưng xét tổng thể lối chơi chung của đội tuyển, anh "tái hòa nhập" chậm hơn các cầu thủ HAGL vốn đã quen đá "không Tây" ở V-League.
Hà Nội vẫn sẽ là bộ khung chiến thuật của đội tuyển Việt Nam. Nhưng những người đã quen đá "có Tây" ở phía trên ấy sẽ không dễ tạo dựng cơ hội cho đối tác của họ trên đội tuyển. Như vậy, khi cần thiết lập gấp một hệ thống ghi bàn, HLV Park Hang-seo phải tìm những người đá trên cao nhất có phong cách chơi bóng "giống Tây" nhất có thể. Đó có thể là lý do mà ông vẫn giữ "lão tướng" Nguyễn Anh Đức, chọn Mạc Hồng Quân và bất ngờ giới thiệu "cánh chim lạ" Nguyễn Việt Phong bất chấp tiền đạo của Viettel chưa ghi bàn nào tại V-League. Các cầu thủ này đều có thể hình tốt để tranh chấp, biết chơi không chiến và khả năng chạy chỗ không bóng.
Đó cũng là nguyên nhân quan trọng nhất mà dù cần người ghi bàn, HLV Park Hang-seo lại không gọi hai cầu thủ Việt Nam đang có số bàn thắng nhiều nhất V-League hiện nay là Văn Quyết và Minh Vương. Bởi họ không phải tiền đạo kiểu trung phong và không có khả năng pressing tầm cao. Riêng với Văn Quyết, dù là cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng quốc tế nhất hiện nay, nhưng có lẽ trong con mắt của ông Park, anh vẫn là kiểu cầu thủ chơi tốt trong môi trường "được phục vụ" chứ không phù hợp với phong cách trách nhiệm chia đều ở đội tuyển hiện nay.
Với các trận đấu mà "ai ghi bàn không quan trọng, quan trọng là thắng" sắp đến, HLV Park Hang-seo không có quyền chọn con người tốt nhất từ V-League, mà buộc phải chọn một cách tiếp cận mới cho đội tuyển. Nếu thành công, xem như bóng đá Việt Nam đã bước thêm một nấc thang nữa của đẳng cấp.
Nguồn VNE