Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự:
Khi tất cả “cựu thù” đều đã là bạn
Thứ hai: 10:09 ngày 14/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi nghĩ, chuyện chính phủ Pháp cử người đứng đầu Bộ Quốc phòng đi dự lễ kỷ niệm một trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mà trong đó chính quân đội nước họ là người chiến bại, ắt là một chuyện... có ý nghĩa lắm chứ!

- Chào nhà báo, tôi chờ gặp ông cả tuần nay rồi đó nghen!

-Lâu vậy à, nhưng Bàn Dân nghĩ cũng bình thường thôi, vì cái hẹn “đàm thế sự” của tụi mình đã mặc định vào buổi cà phê sáng Chủ nhật từ lâu rồi mà. Sao, ông ấp ủ tới một tuần, chắc điều ông muốn bày tỏ cũng có đủ thời gian để suy gẫm thật thấu đáo rồi chứ?

-Đúng là sự kiện tôi muốn đề cập diễn ra đã một tuần, nhưng chuyện mà tôi “suy gẫm” như ông nói lại còn lâu hơn nhiều, ít nhất cũng đúng năm tháng rồi đó.

-Ông nói nghe lạ thật, sự kiện mới xảy ra một tuần, mà ông đã suy gẫm đúng năm tháng là sao, là chuyện gì vậy?

-Là chuyện nguyên thủ quốc gia- lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước mình cùng với Tổng thống Cộng hoà Pháp mới công bố nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp cao nhất “Đối tác chiến lược toàn diện” hôm 7.10 đó. Còn điều tôi suy gẫm là chuyện ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp sang nước ta dự kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7.5.2024, không phải là đúng năm tháng hay sao! Tôi nghĩ, chuyện chính phủ Pháp cử người đứng đầu Bộ Quốc phòng đi dự lễ kỷ niệm một trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mà trong đó chính quân đội nước họ là người chiến bại, ắt là một chuyện... có ý nghĩa lắm chứ!

-Bàn Dân nghĩ trong quan hệ đối ngoại, chuyện các nước có bang giao với nhau, cử đại diện nước mình đi dự một cuộc lễ lớn của nước bạn là chuyện bình thường thôi; sao trong chuyện này ông lại nghĩ là “có ý nghĩa” với hàm ý “rất đặc biệt” là ý làm sao?

-Tôi thì tôi nghĩ rằng việc chính phủ Pháp cử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sang nước ta dự lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ bao hàm ý nghĩa công nhiên thừa nhận chiến thắng ấy là rất xứng đáng, là một chiến thắng quân sự thể hiện chính nghĩa và thực lực của bên thắng trận, là trận chiến cuối cùng của một cuộc chiến tranh giữa các quốc gia có ý nghĩa và tác động rất sâu sắc đối với hoà bình thế giới.

Còn một điều nữa, điều này là suy nghĩ chủ quan của tôi thôi nghen... chuyện họ cử người đứng đầu các lực lượng vũ trang nước họ sang nước ta tôi nghĩ họ muốn thể hiện sự “tâm phục khẩu phục” đối với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của quân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta.

-Bàn Dân không phản đối, cũng như không có nhận định gì khác đối với “suy nghĩ chủ quan” của ông. Nhưng Bàn Dân cũng xin nói thiệt, cái câu “tâm phục, khẩu phục” mà ông vừa nói, Bàn Dân đã đọc được từ lâu rồi...

-Vậy hả, vậy là “suy nghĩ chủ quan” của tôi cũng đâu có gì quá đáng, mà ông đọc được ở đâu vậy, kể tôi nghe với?

-Đó là câu chuyện ghi trong hồi ký của một ông đạo diễn điện ảnh người Nga khi ông sang nước ta để làm bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ từ 70 năm trước, lúc tin tức về chiến thắng của quân dân Việt Nam ta còn đang làm nóng cả thế giới. Đó là chuyện ông đạo diễn Roman Carmen phỏng vấn tướng de Cartries, viên tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp ngay trong trại tù binh sau ngày cứ điểm này thất thủ.

Roman Carmen viết: “Tôi đi vào vấn đề chính. Chúng tôi đang làm một bộ phim phản ánh các sự kiện ở Việt Nam. Tôi muốn quay phim viên tướng trong bối cảnh ông ta đang ở trại.

Tướng de Cartries: -Tôi không phản đối.

-Ngoài ra, tôi muốn được yêu cầu ông dành cho tôi một cuộc phỏng vấn, nói một số câu trước micro.

De Castries mỉm cười: -Ông muốn tôi phát biểu với lời khai nào đó?

-Tướng quân, ông có thể nói những điều ông muốn.

-Được, tôi sẽ nói. Tôi thấy dễ dàng nói về điều đó, về những thử thách đã xảy ra trong số phận của tôi, sự tham gia của cá nhân tôi vào cuộc chiến, việc hình thành những niềm tin hoàn toàn của tôi về chiến tranh và hoà bình.

Có người nói với tôi, Điện Biên Phủ hoàn toàn không phải là chiến thắng của người Việt Nam, mà chỉ là kết quả sự tập trung quy mô lớn của các lực lượng Quân đội nhân dân chống lại khu đồn trú nhỏ của pháo đài. Thật ra đó chỉ là nhận định của những người thiếu hiểu biết.

Bởi trong đó (trận Điện Biên Phủ-NV) là cả một nghệ thuật quân sự! Napoleon cũng biết cách tập trung các lực lượng lớn tấn công vào lực lượng nhỏ bé của kẻ thù. Quân đội Việt Nam đã thể hiện chiến lược cao trong trận chiến này.

Tướng Navarre đã tập trung ở Điện Biên Phủ một quả đấm quân sự đáng kể, nhưng chiến thuật tập trung của ông ta đã bị bẻ gãy bởi chiến lược của Tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nói điều này không phải vì tôi không tôn trọng Navarre ở vị trí Tư lệnh. Ông ta khá mạnh về chiến lược. Chúng tôi, thuần tuý là những quân nhân cần phải nói một cách trung thực: Chúng tôi đã thua trận Điện Biên Phủ!”.

Chính người chỉ huy cao nhất của đối phương nói như vậy, ông thấy có phải là họ đã “tâm phục, khẩu phục” quân dân ta từ 70 năm trước hay không?

-Đúng rồi, và bây giờ khi nước Cộng hoà Pháp trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện thứ 8” với Việt Nam thì đúng là tất cả các nước cựu thù từng xâm lược, chiếm đóng nước ta từ xa xưa đến cận đại, đều đã trở thành bạn bè, đối tác ở mức quan hệ cao nhất của nước ta rồi. Hay quá ông hả!

 Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh