BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi việc in sách cho học sinh được “thương mại hoá” (?!)

Cập nhật ngày: 17/07/2022 - 23:52

BTN - Có lần Bàn Dân tình cờ nghe được câu chuyện của hai người bạn già tâm tình với nhau về kỷ niệm thời thơ ấu:

-À, ông có nhớ mấy câu thơ này không: “Cu kêu mấy lượt/ Lác đác mưa phùn…”?

-Sao lại không, tôi đọc tiếp cho mà nghe: “Nêu đã dựng cao/ Cà Mau - Quan ải…”. Đó là bài “học thuộc lòng” miêu tả phong tục ăn tết cổ truyền của dân tộc mình, in ở khoảng cuối cuốn sách tập đọc lớp Năm hồi đó, tức là lớp Một bây giờ.

Năm mấy sáu chục năm rồi, ông vẫn còn nhớ sao tôi lại quên được chớ?! Ông đố tôi rồi, giờ tôi đố lại ông nghen. Đố ông vậy chớ đoạn văn này ở trong bài nào: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”?

-Dễ ợt, vậy mà cũng đố. Đó là bài “Tôi đi học”, trích trong tập truyện Quê mẹ của nhà văn Thanh Tịnh, in trong sách giáo khoa môn Việt văn lớp Đệ thất hồi đó, tức là lớp Sáu bây giờ. Tôi cũng như ông, hay cũng như bao nhiêu bạn đồng song lứa tụi mình, sao mà những bài học trong sách giáo khoa ngày xưa, chúng mình nhớ lâu đến thế ông hả!

Câu chuyện lan man về một thời xa xưa của những người “hoài cổ”, tự dưng lại khiến Bàn Dân liên tưởng đến một chuyện đang thu hút sự quan tâm của dư luận, có thể nói là khá thời sự hiện nay. Đó là chuyện liên quan đến việc soạn sách, in sách, bán sách giáo khoa hiện nay.

Gần đây, trong kỳ họp giữa năm nay của Quốc hội, sau khi tiếp nhận ý kiến cử tri và nội dung thảo luận của các vị đại biểu dân cử, vị “tư lệnh” ngành Giáo dục đã phải đăng đàn giải trình về các vấn đề: Nào là “sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 hiện nay có nhiều lỗi, không phù hợp nhưng vẫn chưa được chỉnh sửa; nào là “việc cải cách sách lớp 1 trong chương trình học hiện  nay là “quá nặng và tạo áp lực trong quá trình học tập với học sinh (lớp 1)”; nào là “sách giáo khoa phải sửa chữa, bổ sung liên tục hằng năm nên không thể tái sử dụng cho các năm sau gây lãng phí nguồn lực rất lớn”…

Trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết những vấn đề trên Bộ đều đã xem xét và đã “hướng dẫn chi tiết các minh chứng đánh giá tiêu chuẩn sách”, trong đó nêu rõ “Sách giáo khoa được biên soạn, thiết kế phù hợp, khoa học giữa các phần theo hướng khuyến khích người học sử dụng lâu dài tránh lãng phí”. Kết thúc phần trả lời về vấn đề trên, người đứng đầu ngành Giáo dục bày tỏ mong muốn: “Thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Qua hai câu chuyện về những “kỷ niệm thời thơ ấu” của các học sinh tiểu học, trung học cơ sở của “năm, sáu mươi năm trước” và về “tình trạng sách biên soạn rồi in và sửa chữa, bổ sung liên tục hiện nay”, Bàn Dân càng suy nghĩ càng thêm thắc mắc: tại sao sách giáo khoa ngày xưa chẳng những về số lượng in rất ít và về các đầu sách của mỗi môn học cũng không nhiều, nhưng người học thì “nhớ như in” từng bài học trong đầu. Còn bây giờ thì chỉ nghe than phiền “sách giáo khoa nhiều lỗi quá” lại “quá tải” và giá sách quá cao, phụ huynh học sinh “không kham nổi”?

Nỗi thắc mắc trên, Bàn Dân cũng như các bậc cha mẹ học sinh còn chưa được giải toả thì gần đây lại nghe tin các vị có chức trách về việc in sách, bán sách giáo khoa vừa bị kỷ luật. Cụ thể là:

Bộ trưởng GD&ĐT vừa ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vì “đã có những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật, như có khuyết điểm, vi phạm chính sách, pháp luật của nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất - kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới…”.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam nói chung cũng như quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng và có một số vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.

Chưa hết, gần đây nhất, đầu tháng 7.2022, người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục lại nhận được một tin mới (không rõ là tin vui hay không vui), rằng: trong năm 2021 vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục đạt doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng, lãi sau thuế 287 tỷ đồng. Khi nghe hai tin trên, thoạt đầu Bàn Dân (và chắc cũng như nhiều người đọc khác) cảm thấy có cái gì đó lấn cấn, mâu thuẫn với nhau.

Nhưng gẫm lại thì nó (hai tin trên) cho thấy một sự quan hệ tác động lẫn nhau: phải chăng chính những hành vi sai phạm về sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới đã đem lại cái “hiệu quả” của nhà xuất bản sách giáo khoa ấy? Và nếu như thế thì có phải chăng là việc viết sách, in sách học cho học sinh đã thực sự “thương mại hoá”, cho nên… (?!).

Bàn Dân