Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bằng mô hình hỗ trợ bò sinh sản, 10 năm qua, Ðoàn Thanh niên xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) đã giúp cho 25 hộ gia đình nghèo, phần lớn trong đó là các hộ đoàn viên thanh niên khó khăn có vốn để làm ăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Anh Thiệt với công việc chăm sóc bò.
Anh Dương Quan Lớn- nguyên Phó Bí thư Xã đoàn, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã cho biết, mô hình trên ra đời từ năm 2007. Khi ấy, ý tưởng khởi phát ban đầu là tổ chức các buổi chiếu phim gây quỹ để hỗ trợ đoàn viên thanh niên, học sinh nghèo hiếu học- một ý tưởng khá táo bạo bởi trước đó chưa có đơn vị nào thực hiện.
Kết quả nhận được sau 5 lần chiếu phim kết hợp với việc tổ chức các gian hàng ẩm thực là sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân. Trừ tất cả chi phí tổ chức, số tiền thu về cho quỹ là 137,8 triệu đồng. Có trong tay số tiền ấy, tất cả các thành viên trong Ban chấp hành Xã đoàn đều vui sướng đến rơi nước mắt.
Ngay sau đó, 83 suất học bổng, 15 xe đạp trị giá 33 triệu đồng đã được trao cho các em học sinh nghèo; 5 đoàn viên thanh niên khó khăn cũng được trao vốn với mức 5 triệu đồng/người để làm kinh tế gia đình.
Tất cả số tiền còn lại, Xã đoàn dùng mua 6 con bò giống để tiến hành việc hỗ trợ nuôi bò sinh sản xoay vòng dành cho đoàn viên thanh niên nghèo. Sau khi nhận bò giống, người nuôi tự bỏ công chăm sóc, đến khi bò sinh sản thì được quyền sở hữu bò con, chỉ trả lại bò mẹ để chuyển cho hộ đoàn viên khác nuôi theo cách tương tự.
Chị Vương Thị Thu Dân- Bí thư Xã đoàn Bàu Ðồn cho biết, từ 6 con bò giống nói trên, qua nuôi xoay vòng, số lượng bò con được sinh ra cứ tăng lên hằng năm, đến nay đã là 24 con.
Mô hình đã tạo điều kiện cho các hộ đoàn viên nghèo có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. “Khi tôi tiếp nhận mô hình này từ những bậc đàn anh, đàn chị đi trước, tôi đã nuôi quyết tâm làm cho mô hình này có sức lan toả hơn nữa.
Khi bò bắt đầu sinh sản, tôi đã nhìn thấy niềm vui và sự tin yêu của các bạn đoàn viên, thanh niên và các hộ gia đình khó khăn ở xã mình”- chị Dân xúc động nói.
Sau một hồi chạy lòng vòng sâu vào khu dân cư ấp 1, xã Bàu Ðồn giữa cái nắng oi bức của buổi trưa hè, chúng tôi đã đến nhà anh Nguyễn Văn Ðậm giữa lúc anh đang lui cui tắm mát cho con bò mẹ mang thai gần 3 tháng tuổi.
Anh Ðậm, năm nay 32 tuổi cho biết, vợ chồng anh mới ra riêng, cuộc sống chưa ổn định. Giữa lúc loay hoay tính chuyện khởi nghiệp với hai bàn tay trắng thì may sao đôi vợ chồng trẻ được Ðoàn Thanh niên xã “cho mượn” con bò mẹ để nuôi.
Anh Ðậm chia sẻ niềm vui xen lẫn nỗi xúc động của mình: “Vợ chồng tôi háo hức từng ngày kể từ khi bò mẹ đậu thai, bởi chúng tôi biết mình sắp có được một số vốn kha khá để làm ăn”.
Không chỉ chăm lo cho đoàn viên thanh niên lập nghiệp, mô hình hỗ trợ bò sinh sản xoay vòng còn mở rộng đối tượng phục vụ đến các hộ gia đình thuộc diện khó khăn trong xã.
Hộ anh Võ Văn Thiệt, 44 tuổi là một trong số đó. Giờ đây, anh Thiệt đã có được chút vốn- đó là một chú bê con mập mạp tròn 4 tháng tuổi. Giữa trưa nắng, anh vẫn miệt mài cắt cỏ cho bò ăn, rồi lúi húi pha nước cám cho bò uống.
Anh phấn khởi khoe: “Lúc mới được nhận bò mẹ, nghe nhiều người chê con bò xấu tướng- vì có xoáy lao đao, làm ăn sẽ gặp vất vả, tôi cũng nản lắm. Nhưng nghĩ lại, mình đang khổ như vậy, tự dưng được Ðoàn Thanh niên giao bò đến tận nhà, còn chẳng phải có phước lắm hay sao?”. Anh lại hồ hởi kể tiếp: “Phải nói đem con bò này về nuôi rồi mới thấy… vui thiệt, vì nó ăn khoẻ, ăn nhiều”.
Niềm vui của anh Thiệt được nhân đôi khi con bò “xấu tướng” ấy nhanh chóng sinh con. Con bò mẹ được dẫn ra khoe với chúng tôi trong khi chú bê con hơn 4 tháng tuổi nhảy lửng cửng theo chân mẹ, anh Thiệt vui vẻ nói: “Ðối với những người khá giả thì thế nào tôi không biết nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi, được hỗ trợ bò để nuôi là quý vô cùng. Tôi chỉ biết nói là rất mừng mà thôi”.
Anh kết lại câu chuyện của mình bằng câu nói như nhắn nhủ: “Hy vọng sẽ có nhiều người còn khó khăn như tôi sẽ tiếp tục được Ðoàn Thanh niên giúp đỡ như thế. Cách hỗ trợ như vậy theo tôi là quá đủ rồi”.
ÐĂNG KHOA