Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm mạnh.
Bê tông hoá đường giao thông nông thôn tại xã Thanh Điền.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, tiêu chí về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng, tạo “đòn bẩy” nâng “chất” nhiều tiêu chí khác để thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm mạnh.
Quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thay đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nông sản sạch, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất (tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 80%) nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho người dân…
Sau hơn 5 năm đạt chuẩn xã NTM, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Điền tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch duy trì, giữ vững, nâng chất theo các tiêu chí NTM nâng cao.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thanh Điền cho biết, đến nay, xã đã đạt 16/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu, địa phương có kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với dịch vụ và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững quốc phòng và an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Thanh Điền, đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của địa phương. Trên địa bàn xã có 1 cụm công nghiệp với 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng số hơn 10.000 công nhân, người lao động, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 45/71 xã đạt chuẩn NTM, đạt 63,4%; bình quân toàn tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã, tăng 3,5 tiêu chí so với năm 2016 (13,6 tiêu chí). Thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Năm 2020, Trường Đông (thị xã Hoà Thành) là xã duy nhất của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao với việc hoàn thành 16/16 tiêu chí. Đây là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu.
Trong đó, chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Phấn đấu duy trì và gia tăng thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đạt từ 65 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Đông, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề nông thôn là hướng đi phù hợp, để nâng “chất” tiêu chí thu nhập, địa phương đã và đang triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, quyết tâm giữ vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp giúp người dân tăng thu nhập như: triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các kênh hỗ trợ, như: vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giống, vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất; đẩy mạnh khôi phục sản xuất cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân, toàn tỉnh có 45/71 xã đạt chuẩn NTM, đạt 63,4%; bình quân toàn tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã, tăng 3,5 tiêu chí so với năm 2016 (13,6 tiêu chí). TP. Tây Ninh và thị xã Hoà Thành đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Điểm nổi bật nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư trên 2.200km đường giao thông nông thôn; vận động người dân đóng góp trên 110.000 ngày công hoàn thiện 58km đường giao thông nông thôn; đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng để gắn trên 8.000 bóng đèn thắp sáng đường quê; trồng 7.300 cây xanh; khai thông 26km kênh mương nội đồng; kiên cố hoá 239km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã.
Đến nay, toàn tỉnh có 278 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; 255 nhà văn hoá đạt chuẩn; cải tạo, nâng cấp 15 chợ nông thôn; 80/80 xã bảo đảm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, có phủ sóng mạng để truy cập internet khu vực nông thôn; toàn tỉnh có 69 mô hình toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tại Tây Ninh đạt 3.266 đô la Mỹ (USD), cao hơn 1,57 lần so với năm 2015. Với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn dưới 1%, Tây Ninh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, là 1 trong 5 tỉnh/thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người tại Tây Ninh đạt 3.266 đô la Mỹ (USD), cao hơn 1,57 lần so với năm 2015. Với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn dưới 1%, Tây Ninh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, là 1 trong 5 tỉnh/thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.
Thời gian qua, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng đến thời điểm này, các xã đăng ký về đích NTM kiểu mẫu năm 2021 đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thu nhập.
Với những kết quả tích cực đã đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng NTM”, với mục tiêu phấn đấu có 26 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã biên giới; 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (có 10 xã biên giới). Đồng thời, tỉnh phấn đấu có 12 xã chuẩn kiểu mẫu (có 2 xã biên giới); 6 huyện đạt chuẩn huyện NTM và thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (100% xã, phường đạt chuẩn); nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, thu nhập bình quân đến năm 2025 bằng 1,8 lần so với năm 2020...
Nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao. Đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh đã triển khai sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và tạo được sự chuyển biến sâu sắc.
Các cơ chế, chính sách của tỉnh trong xây dựng NTM đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm; diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.
Minh Dương