Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trung tâm Văn hoá- Thể thao huyện, thành phố:
Khó hoạt động vì… thiếu đủ thứ
Thứ ba: 06:20 ngày 25/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tình hình chung là hiện nay các Trung tâm VH,TT-TT huyện, thành phố trong tỉnh đều gặp khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn kinh phí hoạt động còn thấp so với nhu cầu…

Sân khấu ngoài trời (còn gọi là bãi hát Hoà Thành cũ) của Trung tâm VH-TT huyện Hoà Thành dù rộng rãi nhưng đã xuống cấp.

Trung tâm Văn hoá, Thông tin - Thể thao (Trung tâm VH,TT-TT)- có nơi gọi là Trung tâm Văn hoá- Thể thao (Trung tâm VH-TT) là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần, rèn luyện thể chất của người dân trên địa bàn. Các trung tâm này còn đảm nhận vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Tình hình chung là hiện nay các Trung tâm VH,TT-TT huyện, thành phố trong tỉnh đều gặp khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn kinh phí hoạt động còn thấp so với nhu cầu…

Thành phố… còn thiếu

Trung tâm VH,TT-TT thành phố Tây Ninh là một điển hình cụ thể. Trung tâm này chia làm 3 cơ sở nhỏ gồm trụ sở chính nằm ở góc ngã tư đường Tua Hai và Cách Mạng Tháng Tám thuộc phường 2; Khu hành chính cách đó vài chục mét và  Thư viện nằm trên đường Ngô Gia Tự, cách đó một ngã tư.

Theo anh Nguyễn Nhật Lê Vinh- Giám đốc Trung tâm, việc chia nhỏ như trên là do nguồn quỹ đất trên địa bàn Thành phố hạn hẹp, khó phân bổ. Ðiều này cũng gây khó khăn cho việc quản lý cũng như triển khai hoạt động của Trung tâm. Những năm qua, hoạt động của Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ người dân, thậm chí có phần thua kém so với một số Trung tâm VH-TT ở các huyện.

Nguyên nhân đầu tiên là do cơ sở vật chất trụ sở chính của Trung tâm ngày một xuống cấp. Trụ sở này được xây dựng từ trước năm 1975 và được sửa chữa, sử dụng đa chức năng trước khi trở thành trụ sở chính của Trung tâm VH,TT-TT Thành phố từ tháng 5.2008.

Ðể có thể hoạt động, Trung tâm đã trích khá nhiều kinh phí tu sửa trong thời gian qua. Bên trong trụ sở, ngoài khu sảnh ngay tầng trệt tương đối lớn được dùng làm nơi tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thì các phòng chức năng còn lại đều rất nhỏ hẹp. Hiện tại, trụ sở này là nơi làm việc của các cán bộ phụ trách nghiệp vụ thể thao. Khu nhà hành chính cũng nhỏ hẹp không kém.

Ban giám đốc, kế toán, cán bộ phụ trách nghiệp vụ văn hoá đều tập trung cả ở một gian rộng chừng 25 mét vuông. Thư viện Thành phố thì trông cũ kỹ, nằm khép nép trên đường Ngô Gia Tự thuộc khu phố 1. Nhìn chung, tất cả các điểm làm việc nói trên đều chưa xứng tầm với một Trung tâm VH,TT-TT của Thành phố.

Trung tâm VH,TT-TT thành phố Tây Ninh có hơn 40 năm tuổi.

Bên cạnh cơ sở vật chất nghèo nàn thì nguồn kinh phí hạn hẹp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Trung tâm. Trong năm 2016, kinh phí hoạt động của Trung tâm VH,TT-TT Thành phố khoảng 1,3 tỷ đồng. Trong đó bao gồm kinh phí trả lương cho 11 cán bộ, nhân viên và cả kinh phí hoạt động Thư viện, xem ra khoản dành cho việc triển khai tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao chẳng còn bao nhiêu.

Trung tâm chưa có sân phục vụ nhu cầu tập luyện môn bóng đá nên thông thường, để tham gia một giải đấu nào đó, Trung tâm đều phải thuê sân khá tốn kém. Thật ra, Trung tâm cũng có một sân bóng đá đã được quy hoạch 5 năm rồi nhưng hiện vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì nó vẫn còn là một bãi đất trống trơ trọi trên đường Yết Kiêu.

Mặc dù nằm ở khu trung tâm Thành phố, nơi tập trung nhiều hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, song nguồn thu xã hội hoá của Trung tâm VH,TT-TT Thành phố rất ít ỏi, chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/năm. Nguyên nhân là do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên Trung tâm không thể mở lớp năng khiếu, câu lạc bộ cho người dân đến sinh hoạt; các doanh nghiệp cũng chưa mặn mà với phong trào văn hoá, thể thao tại địa phương.

Huống chi huyện!

Ở huyện Dương Minh Châu, Trung tâm VH-TT huyện được thành lập vào năm 2012 và được UBND tỉnh quy hoạch một khu đất rộng đến 4,9 ha ngay khu vực trung tâm huyện.

Từ bên ngoài nhìn vào, Trung tâm VH-TT huyện Dương Minh Châu chỉ toàn... cỏ với cỏ, trông khá nhếch nhác. Nhiều người dân thường đến đây cắt cỏ về cho bò ăn. Trong Trung tâm chỉ có dãy nhà Thư viện khá khang trang với 5 phòng chức năng và một căn nhà cấp 4 cũ dùng làm kho chứa dụng cụ. Trung tâm chưa có trụ sở làm việc chính. Cán bộ, nhân viên Trung tâm đành phải “tá túc” tại Thư viện.

Ông Phạm Tiến Hải- quyền Giám đốc Trung tâm cho biết, UBND huyện đã có kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc cho Trung tâm nhưng cụ thể thời gian nào triển khai thì chưa biết. Do chưa có trụ sở nên hầu hết các hoạt động văn hoá văn nghệ của Trung tâm đều phải tổ chức bên ngoài.

Về vị trí mặt bằng được quy hoạch, theo ông Hải là không thuận lợi vì địa điểm nằm khá sâu trong tuyến đường nhỏ, xung quanh ít nhà dân. Ngay cả Thư viện huyện tiếng là hoạt động đã hơn chục năm nay nhưng rất ít người vào đây đọc sách, trung bình mỗi tháng chỉ đón khoảng 200 - 300 lượt người.

Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, Trung tâm VH-TT huyện Dương Minh Châu cũng gặp một số khó khăn chung như nguồn kinh phí dành cho công tác văn hoá, thể thao còn ít, công tác xã hội hoá khó thực hiện vv…vv…

Tương tự, Trung tâm VH,TT-TT huyện Châu Thành cũng không có dãy nhà làm việc riêng mà phải bố trí làm việc ngay trong nhà thi đấu đa năng. Nhưng nhà thi đấu này cũng đã ngót nghét 20 năm tuổi, đang xuống cấp nhiều chỗ. Các phòng chức năng nhỏ hẹp ở đây được tận dụng làm nơi làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm.

Sau khi  Thư viện huyện được tách ra khỏi Trung tâm từ năm 2015 thì nguồn kinh phí hoạt động hằng năm của Trung tâm chỉ 800 triệu đồng, bao gồm cả quỹ lương của 9 cán bộ, viên chức cơ quan. Nguồn thu xã hội hoá của Trung tâm này chỉ đạt khoảng 70 triệu đồng/năm. Nhiều trang thiết bị của Trung tâm đã cũ kỹ, thường xuyên phải sửa chữa, khắc phục.

Mặc dù môi trường làm việc còn nhiều khó khăn song những năm qua, Trung tâm VH,TT-TT huyện Châu Thành đều cố gắng hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm; kết quả tham gia các hội thi, hội diễn, giải đấu thể thao tỉnh tổ chức đều đạt thành tích cao. Ông Ngô Văn Lam- Giám đốc Trung tâm cho biết, huyện đã có kế hoạch di dời và xây mới Trung tâm nhưng đến nay đã 5- 6 năm mà vẫn chưa thực hiện.

Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có Trung tâm VH-TT huyện Hoà Thành là hoạt động sôi nổi nhất so với các huyện khác. Ðó cũng nhờ Trung tâm này có vị trí thuận lợi, lại có nguồn thu xã hội hoá đáng kể. Bên cạnh đó, Trung tâm còn được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND huyện, nguồn đầu tư dồi dào... Dẫu vậy, Trung tâm VH-TT huyện Hoà Thành vẫn đang phải đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, và không đủ diện tích bố trí các phòng chức năng cũng như phòng cho các câu lạc bộ sinh hoạt; sân khấu ngoài trời cũng trong tình trạng cũ kỹ và xuống cấp.

Lê Thuỳ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục