Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tính đến ngày 30.11.2017, toàn tỉnh có tới 74 nhà máy, cơ sở chế biến khoai mì với tổng công suất thiết kế gần 7.300 tấn sản phẩm/ngày (218.880 tấn sản phẩm/tháng). Từ đó, nhu cầu sử dụng củ mì để sản xuất tinh bột của các nhà máy khá cao, nhưng nguồn cung trong tỉnh không đủ đáp ứng.
Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích mì được trồng trên địa bàn tỉnh năm 2016 là 61.636 ha, đạt sản lượng hơn 2 triệu tấn củ; năm 2017, diện tích mì trong tỉnh còn 54.156 ha, nhưng sản lượng tăng cao, hơn 2,4 triệu tấn củ.
Bước sang năm 2018, ngay trong những ngày đầu năm, dịch bệnh khảm lá mì lại xuất hiện và có nguy cơ bùng phát, đe doạ đến những vùng trồng nguyên liệu khoai mì. Trong khi đó, tính đến ngày 30.11.2017, toàn tỉnh có tới 74 nhà máy, cơ sở chế biến khoai mì với tổng công suất thiết kế gần 7.300 tấn sản phẩm/ngày (218.880 tấn sản phẩm/tháng). Từ đó, nhu cầu sử dụng củ mì để sản xuất tinh bột của các nhà máy khá cao, nhưng nguồn cung trong tỉnh không đủ đáp ứng.
Đóng gói sản phẩm bột mì tại nhà máy sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH TM DV CN Hùng Duy 8 tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.
NHÀ MÁY KHÔNG CHẠY HẾT CÔNG SUẤT
Từ đầu vụ thu hoạch mì đến nay, các nhà máy thu mua củ mì với giá khá cao so với các niên vụ trước. Giá củ mì có lúc trên 2.000 đồng/kg, có lúc vọt lên 2.500 đồng/kg. Thế nhưng, do dịch bệnh khảm lá mì hoành hành năm 2017, nhiều diện tích mì bị giảm năng suất hoặc phải tiêu huỷ. Vì thế, dù củ mì được giá, nhiều người trồng mì trong tỉnh vẫn không có lãi, thậm chí bị lỗ.
Một chủ doanh nghiệp chế biến mì ở huyện Tân Biên cho biết, với giá thu mua củ mì hiện nay, lẽ ra người trồng mì có lãi rất lớn. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên sản lượng mì thấp, người dân không đủ mì bán cho nhà máy không nhiều. Để duy trì hoạt động của nhà máy, doanh nghiệp đang phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu củ mì nhập khẩu từ Campuchia. Do sự phụ thuộc này nên giá cả lên xuống thất thường. Dù vậy, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng không đủ để nhà máy hoạt động hết công suất, thông thường chỉ chạy được khoảng 60% đến 70% công suất thiết kế.
Ông Chung, một chủ nhà máy mì ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành chia sẻ, làm nghề chế biến tinh bột mì hàng chục năm qua, chưa lúc nào ông cảm thấy khó khăn vì thiếu hụt nguyên liệu củ mì như năm vừa qua. Ông dự đoán, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình trạng thiếu hụt củ mì sẽ càng trầm trọng hơn, thậm chí, có thể nhà máy không có nguyên liệu để chế biến.
Hiện tại, để có củ mì cho cơ sở hoạt động, đích thân ông Chung phải sang tỉnh Bình Phước tìm mua củ mì, chứ không thụ động trông chờ vào nguồn củ mì do thương lái chở đến bán như những năm trước.
VÙNG NGUYÊN LIỆU TRONG TỈNH CHỈ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC 50-60% CÔNG SUẤT
Không thể phủ nhận nhiều năm qua, cây mì được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, giúp cho đời sống nông dân khá lên. Ngành chế biến tinh bột mì cũng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong tỉnh.
Theo Sở Công Thương, công nghiệp chế biến mì tạo việc làm cho 4.000 lao động khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp này đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến mì chiếm tỷ trọng trên 18% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, và chiếm hơn 46% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống.
Sản phẩm tinh bột mì được xuất khẩu đến thị trường các nước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU... Đồng thời, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trong nước. Đáng chú ý, đã có 10 doanh nghiệp được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm sau tinh bột mì.
Hiện có 5 dự án đang hoạt động sản xuất các mặt hàng như bột biến tính, mạch nha. Sản phẩm bột biến tính tuy chỉ ở cấp trung bình, nhưng cũng bảo đảm chất lượng để cung cấp cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như bánh kẹo, thức ăn gia súc cao cấp, kể cả sản phẩm công nghiệp như sản xuất chất bôi trơn giàn khoan dầu khí...
Những năm qua, từ năm 2014 đến nay, diện tích trồng mì và năng suất, sản lượng củ mì biến động không nhiều. Số lượng cơ sở chế biến bột mì tính đến tháng 12.2017 là 74 cơ sở, không tăng so với năm 2010. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2017, có 31 dự án đầu tư nâng công suất nên tổng công suất của các cơ sở chế biến mì trong tỉnh đạt 7.296 tấn/ngày, tăng 1.906 tấn so với năm 2015 và tăng 4.206 tấn so với năm 2010.
Trong khi các cơ sở chế biến tinh bột mì đều tăng công suất thiết kế, nhưng diện tích nguyên liệu củ mì được trồng ở tỉnh những năm qua không tăng nhiều, nên đã xảy ra tình trạng không có đủ nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở chế biến hoạt động đúng công suất thiết kế.
Thực tế, nguồn nguyên liệu củ mì tươi cung cấp cho công nghiệp chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 50%-60% so với tổng công suất thiết kế. Đối với các nhà máy sản xuất tinh bột mì đầu tư ở vùng biên giới, chủ yếu mua nguyên liệu từ Campuchia, cũng chỉ đáp ứng cho chế biến đạt từ 60%-80% công suất thiết kế.
Cũng theo nguồn tin từ Sở Công Thương, do thiếu mì nên các nhà máy mì phải cạnh tranh về giá để có thể thu mua nguyên liệu đưa vào chế biến. Trong khi đó, giá xuất khẩu mặt hàng tinh bột mì thời gian qua lại không tăng và phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đầu ra không ổn định nên hiệu quả kinh doanh thấp. Rõ ràng, khó khăn chồng chất khó khăn, khiến cho ngành sản xuất, chế biến tinh bột mì của tỉnh không khỏi “lao đao”…
Sản phẩm bột mì tại nhà máy sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH TM DV CN Hùng Duy 8.
CẦN GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN CÂN ĐỐI VÙNG NGUYÊN LIỆU
Nhiều chủ cơ sở chế biến tinh bột mì ở các huyện có diện tích mì tập trung dự đoán, trong thời gian tới, nguyên liệu mì sẽ thiếu hụt trầm trọng hơn. Bởi hiện nay, diện tích mì vụ Đông - Xuân vừa xuống giống đã bị nhiễm bệnh khảm lá và đang có dấu hiệu gia tăng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng thu hoạch. Đồng thời, nếu cứ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu củ mì nhập khẩu từ Campuchia thì khó đoán trước điều gì sẽ xảy ra, nếu chẳng may mì trồng bên Campuchia cũng bị nhiễm bệnh khảm lá!
Do đó, để ngành chế biến tinh bột mì phát triển bền vững, các ngành chức năng tỉnh cần nghiên cứu quy hoạch những vùng chuyên canh cây mì, trong đó hướng dẫn người dân áp dụng các phương pháp tiên tiến khoa học khi trồng mì để đạt năng suất cao và hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Có như thế, ngành sản xuất tinh bột mì trong tỉnh mới không còn đối mặt với khó khăn về nguyên liệu.
Mới đây, Sở Công Thương đã báo cáo UBND tỉnh về đánh giá cung cầu của việc đầu tư, nâng công suất nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Công Thương đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là từ nay đến hết năm 2020 tạm dừng việc đầu tư nâng công suất chế biến, đầu tư mới (hình thức di dời nâng công suất) nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh.
Phương án 2 là các dự án đầu tư mới, nâng công suất chế biến tinh bột khoai mì chỉ cho phép đầu tư khi đáp ứng được các điều kiện: cân đối được vùng nguyên liệu (có xác nhận của chính quyền địa phương), có biên bản ghi nhớ với người trồng mì để bảo đảm nguyên liệu phù hợp với quy mô công suất của nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, dự án phải sử dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu sau tinh bột, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Hy vọng trước thực trạng khó khăn mà ngành sản xuất - chế biến tinh bột khoai mì của tỉnh đang gặp phải, tỉnh sẽ có những chủ trương, giải pháp để tháo gỡ giúp ngành chế biến tinh bột khoai mì phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
THIÊN TÂM