BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông:

Khó khăn, rủi ro, nhưng không thể không thi 

Cập nhật ngày: 07/07/2021 - 00:24

BTN - Ngày 7.7, cùng với hơn một triệu thí sinh trong cả nước, 9.683 thí sinh Tây Ninh bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021.

Ngày 7.7, cùng với hơn một triệu thí sinh trong cả nước, 9.683 thí sinh Tây Ninh bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021.

Ðây là năm thứ hai liên tiếp, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong điều kiện đặc biệt: dịch bệnh Covid - 19 đã và đang có diễn biến ngày càng phức tạp trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có Tây Ninh.

Tổ chức một kỳ thi an toàn, đúng quy chế, nghiêm túc, khách quan, công bằng cho tất cả mọi thí sinh là yêu cầu được đặt lên hàng đầu.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Bảo đảm công tác phòng, chống dịch

Năm nay, Tây Ninh tổ chức một hội đồng thi, 18 điểm thi chính thức, 9 điểm thi dự phòng đặt tại các trường THPT, THCS thuộc khu vực trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

“Các địa điểm tổ chức thi có tường rào bao quanh, ngăn cách khu vực thi với khu vực xung quanh. Các điểm thi chuẩn bị đủ số phòng thi, bàn ghế đủ chỗ ngồi cho thí sinh, giữ khoảng cách theo quy định.

Tất cả các điểm thi có phòng dự trữ để phục vụ cho kỳ thi. Ngành Giáo dục phối hợp với Ðiện lực, đơn vị viễn thông hỗ trợ lắp đặt máy phát điện dự phòng để phục vụ cho kỳ thi. Lực lượng Công an chuẩn bị tốt các phương án để bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Ngành Y tế đã có kế hoạch kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các quán ăn xung quanh khu vực thi. Việc phun khử khuẩn phòng thi cũng đã được thực hiện trước ngày thi.

Các loại dung dịch, xà phòng dùng cho cán bộ, giám thị, thí sinh được chuẩn bị chu đáo. Ðến hết ngày 5.7, các phòng có thí sinh dự thi, phòng không có thí sinh (bỏ trống) đã được niêm phong”- lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo thông tin trước ngày thi. 

Ðể kỳ thi an toàn, Sở GD&ÐT phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả cán bộ, giáo viên các đơn vị trong tỉnh, đồng thời tiêm ngừa cho 22 cán bộ, nhân viên thuộc Sở làm công tác thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, ngày 2.7, Văn phòng UBND tỉnh có văn bản thông báo kết luận của UBND tỉnh và Trưởng Ban Chỉ đạo thi của tỉnh, yêu cầu Sở GD&ÐT chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về những vấn đề còn vướng mắc, nếu có.

UBND tỉnh yêu cầu công tác tổ chức kỳ thi phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan, không để xảy ra sai sót và tiêu cực trong kỳ thi. Ngành Giáo dục tạo điều kiện thuận lợi nhất để không một thí sinh nào vì khó khăn không thể dự thi, đồng thời bảo đảm điều kiện tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thí sinh nào thuộc diện F0, F1, F2 sẽ thi tốt nghiệp trong đợt thi thứ hai. Số thí sinh còn lại liên quan đến dịch bệnh nhưng không thuộc diện F0, F1, F2 thì lấy mẫu xét nghiệm. Trong ngày 4.7, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, số thí sinh này được tham gia thi đợt một và thi tại phòng thi riêng.

Công bằng cho mọi thí sinh

Mặc dù vẫn phải tổ chức thành hai đợt nhưng kỳ thi năm tốt nghiệp THPT năm nay có một vài điểm khác năm trước. Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng  chia làm hai đợt nhưng cách chia khác năm nay.

Kỳ thi năm 2020, đợt 1 dành cho những thí sinh ở các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có bị ảnh hưởng nhưng ở mức thấp. Ðợt 2 dành cho những thí sinh ở các tỉnh, thành phố đang là tâm dịch.

Nhưng kỳ thi năm nay khác ở chỗ, tất cả các tỉnh, thành phố đều đồng loạt cho thí sinh thi trong đợt 1, đợt 2 chỉ dành cho những thí sinh thuộc diện nguy cơ cao. Cách tổ chức này được nhìn nhận là linh hoạt hơn, uyển chuyển hơn kỳ thi năm 2020.

Lý do, trong một tỉnh, một thành phố, mặc dù có dịch bệnh nhưng không phải thí sinh nào cũng có nguy cơ lây nhiễm. Thứ hai, để bảo đảm công bằng trong xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học, thông tin với báo chí, đại diện Bộ GD&ÐT cho biết sẽ chờ thí sinh dự thi đợt 2 xong, các trường đại học, cao đẳng mới tổ chức tuyển sinh.

Năm ngoái, sau khi tuyển sinh đợt 1 xong, trường cao đẳng, đại học phải chừa lại một tỷ lệ nhất định để thí sinh thi đợt 2 nộp hồ sơ. Ðiều này dẫn đến trường đại học bị động, vì không phải thí sinh nào thi đợt 2 xong cũng nộp hồ sơ vào cao đẳng, đại học.

Năm nay, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào tiếp tục là một vấn đề thời sự, gây tranh luận nóng bỏng cả trong và ngoài ngành Giáo dục.

Một luồng ý kiến đề nghị huỷ kỳ thi, thay vào đó, các trường hoặc sở giáo dục xét công nhận tốt nghiệp. Tuyển sinh vào đại học như thế nào là việc của các trường đại học, theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học.

Nhóm ý kiến thứ hai ủng hộ phương án vẫn tổ chức thi tốt nghiệp, vì nếu không thi, các trường đại học, cao đẳng sẽ thiếu cơ sở, căn cứ để tuyển sinh (trừ những trường xét tuyển bằng học bạ).

Nhiều lần, phát biểu công khai với báo giới, lãnh đạo nhiều trường đại học nói, họ không tin tưởng kết quả học tập của học sinh được ghi trong học bạ. Do đó, cần thi tốt nghiệp để nhà trường căn cứ điểm thi nhằm bảo đảm độ tin cậy, chất lượng đầu vào của sinh viên.

Ngày 3.7, Báo Thanh Niên có đăng bài viết (được giới thiệu là ý kiến của một phụ huynh) có nhan đề:  “Sao phải “cố bằng mọi giá để thi tốt nghiệp THPT”? Bài viết có hai ý chính: Bằng tốt nghiệp THPT là “một giấy thông hành rất ít điểm đến” và “cho phép TP. Hồ Chí Minh thí điểm xét tốt nghiệp năm nay”.

Bài viết này nhận được hơn 400 “bình luận” trên trang chủ Báo Thanh Niên, chưa kể còn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Ý kiến bàn luận về bài viết khá đa dạng: tán thành, không tán thành và “hiến kế”.

Thật ra, đây là một bài viết thiếu căn cứ nhưng thừa sơ hở. “Nếu Bộ GD&ÐT kiên quyết phải tổ chức một kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, chẳng hoá ra toàn bộ quy trình kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ÐT trong 3 năm THPT là không đáng tin cậy? Ðội ngũ ban giám hiệu, giáo viên bộ môn cả nước đều tiêu cực, thiên vị, mua bán kết quả học tập của học sinh? Vì thế, dù là cùng một hệ thống giáo dục, các trường cao đẳng, đại học không thể tin tưởng hệ thống giáo dục phổ thông? Chúng ta phải làm đi làm lại việc kiểm tra chính mình.

Chất lượng giáo dục TP. HCM luôn ở tốp các địa phương dẫn đầu cả nước, quá trình đánh giá học sinh liên tục và nghiêm túc. Vì vậy, việc lấy điểm học bạ xét tốt nghiệp là khả thi có tính minh bạch cao” - bài viết đặt vấn đề. 

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Xin trao đổi vài lời: Hai kỳ thi liên tiếp (2020-2021) mặc dù không còn tên gọi kỳ thi THPT quốc gia như từ năm 2019 trở về trước nhưng tính chất kỳ thi không thay đổi. Tiếng là kỳ thi tốt nghiệp nhưng kết quả của kỳ thi, cụ thể là điểm bài làm của thí sinh vẫn được sử dụng, làm căn cứ để trường đại học tuyển sinh.

Chính vì thế, đề thi được phân hoá thành hai mức độ vừa để làm căn cứ công nhận tốt nghiệp lại vừa cung cấp thông tin, cơ sở cho trường đại học tuyển sinh. Phần đề thi dành cho việc tuyển sinh đại học khó hơn nhiều so với phần đề thi chỉ để công nhận tốt nghiệp.

Do đó, đề thi tốt nghiệp này khác với đề bài kiểm tra định kỳ trong ba năm học phổ thông. Vì thế, không thể so sánh kết quả học tập ba năm học phổ thông với kết quả điểm thi tốt nghiệp, vì tính chất khác nhau.

Khâu kiểm tra, đánh giá, xếp loại học lực của thí sinh ở bậc học phổ thông đã và đang có nhiều vấn đề, trong đó độ tin cậy, tính khách quan, khoa học luôn là mối quan tâm hàng đầu. Ðiều này đã được giới chuyên môn thảo luận, trao đổi nhiều lần trên nhiều diễn đàn khác nhau.

Tác giả bài viết còn đề nghị cho phép TP. Hồ Chí Minh thí điểm xét công nhận tốt nghiệp năm 2021, tức thí sinh ở thành phố này không phải thi. Xét theo tình hình dịch bệnh, điều này có thể thông cảm nhưng trên phương diện pháp lý, đề xuất nêu trên không thể thực hiện được.

Kỳ thi này đã được quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, theo đó, học sinh học hết lớp 12 phải thi tốt nghiệp. Nếu không tổ chức thi, nhiều trường đại học, cao đẳng thiếu căn cứ để tuyển sinh, vì không có điểm bài thi.

Tuyển sinh bằng kết quả học bạ thì không phải trường nào cũng làm, vì độ tin cậy của cuốn học bạ vẫn còn gây băn khoăn. Còn nếu lùi thời gian thi thì không biết đến bao giờ mới có thể tổ chức được trong khi năm học mới đã cận kề.

Tác giả đánh giá “chất lượng giáo dục TP. Hồ Chí Minh luôn ở tốp các địa phương dẫn đầu cả nước, quá trình đánh giá học sinh liên tục và nghiêm túc” - đây là một nhận định cảm tính, không có cơ sở. Ðó còn chưa kể, nếu miễn thi tốt nghiệp cho thí sinh TP. Hồ Chí Minh, làm thế nào để bảo đảm công bằng trong tuyển sinh đại học đối với thí sinh của cả nước?

Tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp là một quyết định không hề dễ. Biết là khó, thậm chí rủi ro, nhưng hiện tại, không thể huỷ kỳ thi này được. Có một thực tế từng đề cập nhưng cũng xin nhắc lại: do phải chia làm hai đợt nên kỳ thi khó tránh khỏi những trục trặc, cụ thể là không công bằng giữa thí sinh dự thi đợt 1 với thí sinh dự thi đợt 2.

Các nhà chuyên môn chỉ ra rằng, dù thí sinh dự thi đợt 2 bằng đề thi dự bị nhưng mức độ khó, dễ của hai đề thi này có sự chênh lệch. Do vậy, thí sinh dự thi đợt 1 có thể gặp đề thi dễ hơn hoặc ngược lại so với thí sinh dự thi đợt 2. Công bằng, khách quan cho thí sinh, dẫu sao, vẫn cần được đặt lên hàng đầu.

Việt Ðông

Xét nghiệm âm tính, 7 thí sinh ðược dự thi

Qua rà soát những thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tính đến ngày 4.7, tỉnh Tây Ninh không có thí sinh thuộc diện F0 nhưng có một thí sinh thuộc diện F1 và bốn thí sinh F2.

Sở GD&ÐT đưa ra giải pháp xử lý: 5 thí sinh nêu trên không được dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, tổ chức ngày 7 và 8.7. Các em sẽ được bố trí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 theo quy định của Bộ.

Toàn tỉnh có 7 thí sinh (thông tin ban đầu là 8 nhưng đến giờ chót có một thí sinh là quân nhân đang cấm trại, không thể dự thi) di chuyển từ tỉnh khác về hoặc có người thân đi các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh được ngành Y tế chỉ định phải cách ly y tế.

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021, những thí sinh này không thuộc các diện F0, F1, F2 nên đồng ý cho các em xét nghiệm RT-PCR. Nếu kết quả âm tính, các em sẽ dự thi đợt 1 tại những phòng thi dự phòng của các điểm thi.

Chiều 5.7, thông tin từ Sở GD&ÐT cho biết, tất cả 7 trường hợp nêu trên đều âm tính, do đó, số thí sinh này được dự thi trong đợt một nhưng bố trí thi tại phòng thi riêng.