Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khó khăn trong cơ giới hoá sản xuất mì
Thứ sáu: 06:16 ngày 10/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh Tây Ninh có điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây mì, nếu được áp dụng cơ giới hoá trong khâu canh tác thì sẽ góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, việc cơ giới hoá trồng mì vẫn chưa được nhiều người đón nhận. Theo tìm hiểu, nguyên nhân là do thiếu máy móc phục vụ và người dân chưa thấy được hiệu quả nổi trội của việc áp dụng cơ giới hoá so với việc trồng thủ công như từ trước tới nay.

Chuyển mì vừa thu hoạch lên xe máy cày (xã Tân Hội, huyện Tân Châu).

NÔNG DÂN LO NGẠI: VỪA THIẾU MÁY, VỪA KÉM HIỆU QUẢ (?!)

Hiện nay, chi phí đầu tư cho một ha mì vào khoảng 20 triệu đồng. Nếu người sản xuất sử dụng đất thuê, phải chi thêm khoảng 20 triệu đồng nữa. Theo một thương lái thu mua mì, năng suất mì ở Tây Ninh bình quân khoảng 40 tấn/ha, lợi nhuận trung bình là 30 triệu đồng/ha.  Khoản lợi nhuận này có thể nâng lên bằng nhiều cách như nâng cao năng suất mì bằng cây giống tốt; cải tạo đất... Và cơ giới hoá cũng là một trong những cách dễ dàng nâng lợi nhuận cho người trồng mì.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu áp dụng cơ giới hoá ở khâu làm đất và trồng mì sẽ giảm chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Cụ thể, công trồng giảm khoảng 1 triệu đồng, công bón phân chăm sóc giảm khoảng 300.000 đồng/ha/lần và công phun thuốc giảm 200.000 đồng/lần/ha.

Việc cơ giới hoá trong trồng mì vẫn chưa được phổ biến do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như ở Tân Châu, huyện có diện tích cây mì lớn nhất của tỉnh, số người sản xuất mì thực hiện cơ giới hoá không nhiều. Ông Phạm Văn Phú (ấp 2, xã Tân Hội) cho biết, mỗi năm ông trồng khoảng 70 ha mì, nhưng, ông chỉ mướn công trồng thủ công, nhất là từ khi ông thấy được hiệu quả của việc trồng mì bằng hom đôi. “Năm ngoái, tôi trồng 24 ha mì hom đôi. Sau khi thu hoạch, năng suất đạt khoảng 50 tấn/ha, nếu trồng vụ Ðông Xuân có thể đạt trên 60 tấn/ha. So với trồng hom chiếc năng suất cao hơn khoảng 20 tấn. Trong khi đó, nếu trồng bằng máy chỉ trồng được hom chiếc mà thôi. Tính ra chi phí công trồng giảm không nhiều, nhưng năng suất mất gần 40% rồi”, ông Phú phân tích.

Thêm một khó khăn trong việc cơ giới hoá nữa, đó là chưa có máy móc đầy đủ để phục vụ. Cũng theo ông Phú, vụ Hè Thu vừa qua ông được chọn tham gia vào dự án “Nâng cao hiệu quả sản xuất cây khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2018” do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đảm trách. Theo dự án, ông Phú sẽ trồng mì bằng phương pháp cơ giới hoá, được hỗ trợ 100% cây giống và 30% tiền vật tư. Tuy nhiên, khi chuẩn bị xuống giống, ngành chức năng đã không liên hệ được máy trồng mì. Do đó, ông phải thuê công trồng bằng tay như trước.

Cũng liên quan đến vấn đề năng suất, nhiều người trồng mì cho hay, máy trồng mì lấp hom sâu, khiến cây mì nảy mầm chậm và tỷ lệ mọc lên chưa cao. Thêm nữa, trồng mì bằng máy tốn hom nhiều hơn do hom chặt phải dài gần gấp đôi hom trồng bằng tay.

Máy trồng mì hom đứng của ông Trần Quốc Hải.

THỰC TẾ: CƠ GIỚI HOÁ GIẢM 50% CHI PHÍ ÐẦU TƯ

Năm 2016, ông Nguyễn Hữu Còn (nông dân ấp Hội An, xã Tân Hội, Tân Châu) lần đầu tiên trồng thử nghiệm 6 ha mì vào bằng máy do ông chế tạo. Ông cũng thừa nhận một số hạn chế khi trồng mì bằng máy như: hom mì chôn sâu nên khoảng 1,5 tháng cây mì mới mọc lên ổn định, trong khi nếu trồng tay, chậm nhất 30 ngày mì đã lên đều. Mì trồng sâu nên khi thu hoạch bằng tay cũng cực hơn vì củ mì nằm sâu trong đất rất khó nhổ. “Những hạn chế này tôi đã thấy và đang nghiên cứu để điều chỉnh. Ðiều quan trọng là trồng máy sẽ không cần nhiều lao động. Chỉ cần 2 nhân công một ngày có thể trồng được 5 ha mì. Có thể do hiện nay lao động chưa thiếu nhiều nên mọi người không mặn mà, nhưng tương lai lao động nông thôn khan hiếm lại là vấn đề”, ông Còn nói.

Với suy nghĩ này, ông Còn đang đầu tư vào làm dịch vụ nông nghiệp, trong đó tập trung khai thác lĩnh vực cơ giới hoá trên cây mì. Hiện ông đã ký hợp đồng trồng mì bằng máy khoảng 100 ha cho năm 2017-2018, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng cũng cho thấy người dân đang bắt đầu thay đổi thói quen canh tác xưa nay.

Còn theo một nhà chế tạo máy phục vụ nông nghiệp nổi tiếng là ông Trần Quốc Hải (ấp 2, xã Suối Dây), trồng mì bằng máy không những tiết kiệm nhân công mà còn giảm đến khoảng 50% chi phí đầu tư. Ông Hải là người chế tạo ra nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp, trong đó có máy trồng mì. Ông có tất cả các máy từ khâu làm đất, trồng, bón phân, làm cỏ đến thu hoạch mì. Ðặc biệt, khoảng 2 năm nay, ông bắt đầu đưa máy trồng mì bằng hom đứng (hom cắm nghiêng một góc 15 độ so với mặt đất) vào phục vụ sản xuất. Mì thường được trồng bằng hai cách: hom nằm và hom đứng. Trước đây, người dân chủ yếu trồng mì theo phương pháp đặt hom giống nằm ngang. Hạn chế của cách trồng này là khi gặp mưa lớn, đất bị nén dẽ dặt khiến hom mì nằm sâu bên dưới không nảy mầm được. Trong khi trồng đứng, hom mì có thể chống chọi mọi thời tiết. Nếu nắng cây vẫn sống nhờ hấp thụ sương buổi tối. Nếu mưa, phần hom mì trên mặt đất vẫn có thể nảy mầm. Và nhờ vậy, cây mì lên nhanh hơn khi bị lấp dưới mặt đất.

Khai thác những ưu điểm này, ông Hải chế tạo ra máy trồng hom đứng. “Máy trồng hom đứng của tôi gồm cả 4 khâu: lên luống, phun thuốc diệt mầm cỏ, bón phân và trồng mì. Với khâu bón phân, tôi thiết kế ngay điểm trồng hom xuống nên giảm đáng kể chi phí so với bón tràn lan trên mặt đất. Khi trồng bằng máy này, hom sẽ được cắt và cắm xuống liền. Lúc này nhựa trong hom mì vẫn còn, không bị khô như hom chặt trước để qua đêm. Vì vậy, tỷ lệ hom nảy mầm đạt 98% và nhanh lên hơn cách trồng hom nằm rất nhiều, năng suất trung bình 50 tấn/ha”, ông Hải nói.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CƠ GIỚI HOÁ SẢN XUẤT MÌ

Tây Ninh đã có cả máy trồng mì hom đứng lẫn hom nằm, trong đó có thể nói đến máy trồng mì hom đứng của ông Hải khá hoàn thiện. Tuy vậy, việc cơ giới hoá trong ngành sản xuất mì vẫn còn nhỏ lẻ. Ðiều này cũng dễ hiểu, bởi người nông dân chưa được tiếp cận với công nghệ, chưa có đầy đủ thông tin nên vẫn e ngại, lo lắng hiệu quả kém sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình.

Thậm chí, trong dự án “Nâng cao hiệu quả sản xuất cây khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2018” do Trung tâm Khuyến nông phụ trách có trình diễn cơ giới hoá, nhưng vẫn có nơi không thực hiện được do thiếu máy trồng mì.

Thiết nghĩ, tỉnh cần hỗ trợ những người chế tạo máy từng bước hoàn thiện sản phẩm, có chính sách phù hợp để chuyển giao công nghệ, nhằm đưa hệ thống máy trồng mì vào phục vụ cho các dự án của tỉnh cũng như cho rộng rãi nông dân. Có như vậy, việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp mới hiệu quả.

Ðược biết, tỉnh Bình Phước đang phối hợp cùng ông Trần Quốc Hải để chuyển giao công nghệ chế tạo máy trồng mì hom đứng này. Ông được tỉnh bạn hỗ trợ 120 ha đất trồng mì để áp dụng cơ giới hoá từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Trong quá trình thực hiện, ông sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống máy móc và sau 5 năm sẽ chuyển giao công nghệ cho phía Bình Phước.

Ngọc Diêu - Trúc Ly

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục