Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm gần đây, huyện Dương Minh Châu phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành nghề này còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thật sự bền vững.
Nghề làm nhang tại xã Phước Ninh.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn huyện có trên 1.700 hộ gia đình tham gia sản xuất tại khu vực nông thôn với 3 nhóm ngành nghề khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm ngành chế biến nông sản (nghề làm bánh tráng, nấu rượu, làm bánh mì, chế biến hạt điều...).
Các ngành nghề này đã thu hút trên 12 ngàn lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng, gấp 2-3 lần so với lao động thuần nông, nhờ vậy, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Hiệu quả là vậy, nhưng, các ngành nghề này còn nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn để phát triển.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất này đang gặp nhiều khó khăn về vốn nên trang thiết bị còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Lao động chưa được đào tạo kỹ thuật cơ bản, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, các cấp chính quyền còn chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, dù tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống người dân, thực hiện xoá đói giảm nghèo ở địa phương, nhưng người dân vẫn lo ngại về sự phát triển bền vững của các ngành nghề này nên chưa thực sự gắn bó, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng tại xã Phan cho biết, cơ sở hoạt động khoảng 10 năm nay, giải quyết việc làm cho 10 - 15 người với mức thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, người lao động không được đào tạo bài bản, mang tính thời vụ, dễ chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp vì có thu nhập cao hơn.
Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề trên, các cấp chính quyền huyện Dương Minh Châu đã đề ra nhiều giải pháp như: tăng cường công tác quản lý các dự án hỗ trợ ngành nghề nông thôn; thực hiện sâu sát, cụ thể công tác dự báo khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; khai thác có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển ngành nghề nông thôn; tiếp tục xây dựng thương hiệu bánh tráng Chà Là, ổi và nhang Phước Ninh…
Thiết nghĩ, để ngành nghề truyền thống phát triển và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các cơ quan chức năng cần có thêm chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại nhằm mở rộng giao lưu, tìm kiếm thị trường.
Vũ Nguyệt