BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khó khăn trong việc quản lý người nghiện ma tuý

Cập nhật ngày: 04/07/2014 - 07:55

Việc đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc lâu nay thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên,  theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) do Quốc hội thông qua ngày 20.6.2012, và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13, ban hành ngày 20.1.2014 thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma tuý được chuyển sang cho TAND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh. Từ đó phát sinh những khó khăn…

Luật và  pháp lệnh quy định toà án có trách nhiệm bảo đảm quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Trước hết, cho phép người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước toà. Toà án còn bảo đảm quyền của người bị đề nghị xử lý được giải trình trước toà, tranh luận với cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Học viên Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Tây Ninh trong giờ lao động. Ảnh minh hoạ

Sau khi pháp lệnh được ban hành, TAND tối cao cũng đã xây dựng và ban hành các biểu mẫu để hướng dẫn các toà án địa phương thực hiện. Theo đại diện TAND tối cao, đến thời điểm này, các toà án địa phương đã có thể thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, trước đó ngày 19.7.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC. Như vậy là văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành, thế nhưng trên thực tế vẫn còn đòi hỏi có thông tư hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương có liên quan. Vì vậy, tuy Luật XLVPHC đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 nhưng trong thực tế việc thi hành luật vẫn còn gặp nhiều lúng túng và khó khăn.

Về thực trạng này ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tây Ninh cho biết, theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma tuý không còn thuộc về UBND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh, mà do TAND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh thực hiện. Hồ sơ xử lý hành chính là do công an lập, ra quyết định là thẩm quyền của toà án. Khi toà án có quyết định đối với đối tượng bắt buộc phải cai nghiện thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mới tiếp nhận đối tượng để đưa vào Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội của tỉnh để cai nghiện. Trong khi đó, tính đến nay, số người nghiện ma tuý ngoài xã hội đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013, thế nhưng từ sau khi Nghị định số 221/2013/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 15.2.2014) đến nay, Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh vẫn chưa nhận được một hồ sơ đối tượng phải cai nghiện bắt buộc nào, bởi ngành toà án tại Tây Ninh vẫn chưa triển khai thực hiện Nghị định 221/2013/NĐ-CP.

Trong khi đó, công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, tại cộng đồng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tất cả các xã, phường trong tỉnh đã thành lập các Đội công tác xã hội tình nguyện để trực tiếp theo dõi, quản lý, giáo dục, tư vấn cho những người sau cai trở về địa phương và những người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng để không bị tái nghiện, nhưng hiện nay các đội chưa đi vào khuôn khổ, nề nếp nên thực hiện nhiệm vụ chưa hiệu quả. Hậu quả là tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn còn khá cao- trên 60% bị tái nghiện trở lại.

Bên cạnh những vướng mắc trong việc thực hiện các pháp lệnh, nghị định và hạn chế trong công tác quản lý người nghiện sau cai thì việc người nghiện và người thân của người nghiện né tránh, không muốn hợp tác với các ngành chức năng để điều trị cai nghiện cũng đang là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý người nghiện ma tuý.

Hoa Lư